Chưa bao giờ văn hóa ứng xử của người nổi tiếng trên mạng xã hội lại đáng báo động như hiện nay. Đã có không ít sao Việt “nức tiếng” gần xa vì thói… lộng ngôn, văng tục, chửi bậy, ngông cuồng coi thường pháp luật trên mạng xã hội. Mỗi khi có người bị “sờ gáy”, thiên hạ lại sững sờ hỏi nhau: Liệu đây có phải là ca sĩ, diễn viên, người mẫu không? Đây có phải là nghệ sĩ, người của công chúng hay chỉ là những kẻ ứng xử như “hàng tôm, hàng cá”được dưới cái vỏ nghệ sĩ?
Ảnh minh họa. |
“Rác ngôn ngữ” từ bộ phận mang danh nghệ sĩ
Sự việc ca sĩ Duy Mạnh bị Sở Thông tin và Truyền thông TP.HCM xử phạt 7,5 triệu đồng vì có "phát ngôn không phù hợp thuần phong mỹ tục", liên quan đến hành vi chửi bậy, nói tục trên Facebook là bài học “đắt giá” về cách hành xử của người nổi tiếng trên mạng xã hội.
Thực tế, không riêng Duy Mạnh, showbiz Việt đã có kha khá những nghệ sĩ phải nhận “trái đắng” vì lộng ngôn, hành xử chẳng giống ai trên mạng xã hội. Nói về độ ngoa ngôn thì hẳn nhiều người phải “xách dép” cho diễn viên Trà My. Còn nhớ, hồi tháng 4/2020, cô phải hứng một rổ “gạch đá”, thậm chí bị cộng đồng lên án, tẩy chay vì phát ngôn “cảm ơn cô Vy”, rủa người khác “chết bớt cho rộng chỗ” và lối hành xử “chợ búa”, vô văn hóa trên mạng xã hội.
Ca sĩ Duy Mạnh bị xử phạt 7,5 triệu đồng vì hành vi “phát ngôn trái thuần phong mỹ tục” trên mạng xã hội. |
Khi bị bắt lỗi, không ít người nhảy cẫng lên bảo rằng: “Nghệ sĩ cũng là con người mà!”; “Facebook cá nhân là ngôi nhà riêng, tôi có quyền bày tỏ quan điểm”. Tất nhiên, điều đó không phải bàn cãi, nhưng nên nhớ cái gì cũng có giới hạn. Bạn cứ “coi trời bằng vung”, coi thường quy định pháp luật, chuyện rước họa vào thân chỉ là sớm muộn. Một lời đã nói ra khó mà gỡ lại được, những câuu bông đùa tục tĩu, hay những tuyên bố xấc xược đi trái với đường lối, chủ trương, trái thuần phong mỹ tục, hay ảnh hưởng đến các hoạt động xã hội, gây hoang mang trong dư luận là lý do bạn sẽ trở thành trở thành “tội đồ”.
Đáng nói, nghệ sĩ - thần tượng của bao người, ở một góc độ nào đó họ là đại sứ của cái đẹp, là người sáng tạo và truyền tải chân - thiện - mỹ đến cộng đồng. Trớ trêu là, thay vì trở thành tấm gương tốt, một bộ phận “người của công chúng” lại biến mình trở nên xấu xí trong mắt khán giả khi liên tục hành xử và phát ngôn vô văn hóa trên mạng xã hội. Nguy hại là ở chỗ mọi “nhất cử nhất động” của họ có thể ảnh hưởng đến nhận thức của số đông công chúng, nhất là giới trẻ. Cũng chính vì có những “thần tượng” hay phát ngôn “bẩn” trên mạng xã hội, mà “rác ngôn ngữ” xuất hiện ngày càng nhiều trong đời sống giới trẻ hiện nay.
Có câu “Chim khôn kêu tiếng rảnh rang/ Người khôn nói tiếng dịu dàng dễ nghe”, việc sử dụng mạng xã hội sao cho văn hóa, không bị cuốn vào những ồn ào, nằm ở cách hành xử khôn khéo riêng của mỗi người. “Cá nhân tôi không bao giờ chấp nhận chuyện nghệ sĩ văng tục, chửi thề trên mạng xã hội. Nghệ sĩ là người làm văn hóa, nếu cư xử như vậy sẽ rất phản cảm và kéo theo những hệ lụy tiêu cực. Phàm là người của công chúng càng phải khôn ngoan. Trường hợp bị người khác chửi, đả kích, hãy chọn cách đáp lại một cách “cao tay”, văn minh, khiến họ phải nể phục. Còn hành xử kiểu “chợ búa”, thì chúng ta chẳng khác gì họ”, ca sĩ Vũ Hà bày tỏ.
Để hạn chế tình trạng “rác ngôn ngữ” trên mạng xã hội hiện nay, ông Vũ Ngọc Sơn, Phó Chủ tịch phụ trách mảng Chống mã độc (Anti Malware) của Bkav cho hay: “Mỗi ứng dụng mạng xã hội sẽ có bộ quy tắc riêng, và người dùng phải nắm rõ để tránh vi phạm. Phát ngôn trên mạng cũng giống như phát ngôn ngoài đời, nên mọi người phải hết sức cẩn trọng. Điều này cho thấy việc quản lý người dùng mạng xã hội ngày càng cấp thiết, chặt chẽ. Hiện nay, các cơ quan chức năng cũng đang vào cuộc quyết liệt để xử lý “rác ngôn ngữ” trên mạng xã hội”.
Phải chịu trách nhiệm trước pháp luật
"Nhìn nhận vấn đề này từ góc độ của cơ quan quản lý, ông Từ Lương - Phó Giám đốc sở TT&TT TP.HCM cho rằng: “Tất nhiên, khi nghệ sĩ hành xử và phát ngôn lệch chuẩn, thiếu văn hóa trên mạng xã hội, thì phải chịu trách nhiệm trước pháp luật. Nhưng, quan trọng là tinh thần, thái độ ăn năn, hối lỗi của họ thế nào, khi nhận thức được hành vi sai trái của mình. Trường hợp của Duy Mạnh, chúng tôi cũng đánh giá cao thái độ cầu thị, tiếp thu của ca sĩ này tại buổi làm việc với Sở hôm 7/8. Chúng tôi đã trao đổi, định hướng để Duy Mạnh nhận ra vấn đề. Anh thừa nhận việc sử dụng ngôn từ không phù hợp thuần phong mỹ tục, đồng thời chấp hành đúng các quyết định, yêu cầu của Sở và hứa sẽ không tái phạm hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến việc cung cấp thông tin trên mạng xã hội”.
“Trao đổi với PV ĐS&PL, luật sư Đặng Văn Cường (đoàn Luật sư Hà Nội) cho biết: “Tại Điều 8, Điều 15, 16, 17, 18 luật An ninh mạng 2018 đã quy định rất rõ những hành vi bị cấm trên không gian mạng, trong đó có hành vi lợi dụng không gian mạng để xúc phạm danh dự nhân phẩm, uy tín của người khác, tuyên truyền xuyên tạc chống phá Nhà nước Việt Nam xã hội chủ nghĩa... Mọi hành vi xâm phạm đến quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân, Nhà nước trên không gian mạng đều bị xử lý theo quy định pháp luật. Đặc biệt, nghệ sĩ có lượng người hâm mộ rất lớn, nhất là giới trẻ - họ thậm chí còn thường xuyên học và làm theo thần tượng. Thế nên, những nghệ sĩ có lối sống, phát ngôn, suy nghĩ lệch lạc, sẽ tác động rất tiêu cực đến đời sống xã hội, đặc biệt là đến nhận thức và hành động của giới trẻ. Đã là những người nghệ sĩ chân chính, cần phải có đạo đức, văn hóa, hành vi đúng chuẩn mực, để thực hiện vai trò giáo dục, cũng như thể hiện vị thế của mình trong xã hội”.
Bao giờ người làm văn hóa, sống và hành xử có văn hóa?
Thật đáng buồn, khi vấn nạn lộng ngôn trên mạng xã hội gây bức xúc dư luận thời gian qua lại gắn với không ít những người mang danh nghệ sĩ. Những phát ngôn “bẩn”, những màn đấu khẩu như “chợ vỡ” đã phơi bày lồ lộ trước mắt khán giả một phông văn hóa thảm hại.
Dù rằng, Duy Mạnh và nhiều sao Việt đã phải “trả giá”, nhưng tại sao chuyện nghệ sĩ lộng ngôn trên mạng xã hội vẫn cứ ở chế độ “biết rồi, khổ lắm, nói mãi”. Dưới góc nhìn của Tiến sĩ Tâm lý Nguyễn Thị Minh: “Chúng ra đều có chung câu hỏi “Vì sao nghệ sĩ có hành vi chửi bậy, văng tục trên mạng xã hội?”. Điều này xuất phát từ: Nhận thức và Cảm xúc dẫn đến Hành động.
TS. Tâm lý Nguyễn Thị Minh. |
Như trường hợp ca sĩ Duy Mạnh phát ngôn trái thuần phong mỹ tục cho thấy, nhận thức của anh rất kém. Đừng nghĩ rằng, bạn là người nổi tiếng, được nhiều người biết đến, tung hô, thì muốn hành xử sao cũng được. Càng là người nổi tiếng, càng phải rèn luyện bản thân nhiều hơn. Nếu không, trong phút chốc, bạn có thể đánh mất nhân cách, phẩm hạnh và rất nhiều thứ khác và thực tế là đã bị xử phạt”.
Từ thực trạng đáng buồn trên, ai cũng than ngắn thở dài rằng, đến khi nào những người làm văn hoá mới sống, hành xử và phát ngôn có văn hoá? Nhìn nhận về điều này, T.S Nguyễn Thị Minh nêu quan điểm: “Hầu như sai phạm của nghệ sĩ hiện nay đều chỉ xử phạt hành chính ở mức độ nhẹ, chưa có tính răn đe. Nếu đã phạt, nên chăng có một mức phạt thật nặng, khiến họ bị tổn hại kinh tế, và phải sợ, xấu hổ, thì mới không dám tái phạm. Còn, nếu phạt cho có, việc họ tái phạm là điều khó tránh.
Tuy nhiên, nếu muốn con người ta thay đổi, hành chính chỉ là yếu tố cơ bản. Quan trọng nhất vẫn là biện pháp thuyết phục, giáo dục thay đổi nhận thức. “Ngoài việc bản thân người vi phạm tự nhận thức, thì cơ quan quản lý, dư luận xã hội và truyền thông phải phân tích, giáo dục, định hướng, uốn nắn, để giúp họ thay đổi. Chứ đừng chỉ trông cậy ở việc lên án suông.. Bởi, không ít trường hợp cứ nhận sai, xin lỗi, nộp phạt, hứa khắc phục cho qua chuyện, rồi lại “ngựa quen đường cũ”, vị chuyên gia này bày tỏ.
PV Hà Linh
Bài đăng trên ấn phẩm Đời sống& Pháp luật số 129