Trang tin Euractiv dẫn lời các nhà ngoại giao thuộc Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) cho hay, khối liên minh quân sự này đang xem xét mở rộng trụ sở chính ở Brussels (Bỉ) nhằm tìm không gian cho Phần Lan, cũng như các thành viên tiềm năng trong tương lai.
“Quá trình Phần Lan chuyển vào trụ sở của NATO sẽ hoàn thành tất trong thời gian tới”, một quan chức NATO tiết lộ.
Theo hai nhà ngoại giao giấu tên của NATO, ban lãnh đạo liên minh cũng đang cân nhắc giải pháp xây dựng thêm một tòa nhà trong khuôn viên của NATO. Tòa nhà này có thể làm nơi tiếp đón các nhân viên và cơ quan quốc tế của liên minh. Tuy nhiên, đây sẽ là một “giải pháp tạm thời”.
Các nhà ngoại giao NATO cho biết thêm, việc xây dựng tòa nhà mới sẽ chỉ là kế hoạch B, nhận định rằng nếu làm như vậy sẽ “quá tốn kém”.
Trụ sở chính của NATO tại Brussels (Bỉ). Ảnh: Otan.delegfrance.org
Thụy Điển và Phần Lan nộp đơn xin gia nhập NATO vào tháng 5/2022, vài tháng sau khi Nga tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine. Trong khi Phần Lan đã trở thành thành viên của NATO vào tháng 4/2023, đơn xin gia nhập liên minh của Thụy Điển vấn đang đợi Hungary và Thổ Nhĩ Kỳ chấp thuận, theo Sputnik.
Chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ cho rằng, Thụy Điển quá khoan dung với các tổ chức khủng bố và các mối đe dọa an ninh, bao gồm các nhóm chiến binh người Kurd cũng như những người có liên quan tới âm mưu đảo chính năm 2016. Trong khi đó, Hungary chưa công khai rõ ràng lý do trì hoãn phê duyệt việc gia nhập NATO của Thụy Điển.
Trong diễn biến liên quan, Fox News đưa tin ngày 1/6, NATO đang gia tăng áp lực lên Thổ Nhĩ Kỳ để quốc gia này “bật đèn xanh” cho Thụy Điển gia nhập khối liên minh quân sự.
Theo Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg, NATO muốn Thụy Điển gia nhập vào thời điểm các quốc gia thành viên gặp nhau tại hội nghị thượng đỉnh được diễn ra ở Litva từ ngày 11-12/7.
Chia sẻ với các phóng viên hôm 1/6, ông Stoltenberg nói rằng “đã đến lúc phê chuẩn Thụy Điển”. Các thành viên khác của NATO cũng bày tỏ sự ủng hộ đối với quan điểm của ông Stoltenberg.
Trong nhiều tháng, Thụy Điển, Phần Lan và Thổ Nhĩ Kỳ đã tổ chức các cuộc đàm phán nhằm cố gắng giải quyết những lo ngại của Ankara. Ngoại trưởng Thụy Điển Tobias Billstrom cho hay, ông hy vọng mọi thứ sẽ được làm rõ tại cuộc họp diễn ra trong những tuần tới.
Bên cạnh đó, ông lưu ý kể từ ngày 1/6, Thụy Điển đã thắt chặt luật chống khủng bố. Hiện tại, việc hỗ trợ tài chính, tuyển thành viên, công khai giúp đỡ “một tổ chức khủng bố”, hoặc ra nước ngoài với mục đích tham gia các nhóm khủng bố là hành động bất hợp pháp.
Đinh Kim (Theo Sputnik, Fox News)