Ngày 24/5, Tổng thư ký Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) – ông Jens Stoltenberg cho biết các thành viên của tổ chức này đang có những quan điểm chia rẽ về việc kết nạp Ukraine làm thành viên của liên minh quân sự lớn nhất thế giới.
“Có những quan điểm khác khau trong liên minh và tất nhiên cách duy nhất để đưa ra quyết định là thông qua sự đồng thuận… Vấn đề đặt ra là chúng ta sẽ quyết định điều gì và chúng ta sẽ giải quyết vấn đề tư cách thành viên như thế nào", ông Stoltenberg nói.
Tổng thư ký Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) Jens Stoltenberg. Ảnh: AP
Các cuộc thảo luận về vấn đề này đã tăng nhiệt trước thềm Tổng thống Mỹ Joe Biden cùng lãnh đạo các nước thành viên NATO dự kiến sẽ tới Vilnius (Lithuania) để dự hội nghị thượng đỉnh NATO vào tháng 7 tới.
Một số quan chức của NATO nói rằng, 31 thành viên của liên minh quân sự này đều nhất trí loại phương án chính thức mời Ukraine gia nhập liên minh tại hội nghị thượng đỉnh dự kiến diễn ra tại Lithuania.
Trong khi các quốc gia thành viên NATO ở Đông Âu yêu cầu tại hội nghị thượng đỉnh sắp tới, NATO phải đưa ra lộ trình kết nạp Ukraine, thì Mỹ và các thành viên ở khu vực Tây Âu lại ủng hộ những bước đi khiêm tốn hơn, chẳng hạn như nâng cấp cơ quan hợp tác NATO-Ukraine hoặc quyết định mở rộng sự hỗ trợ về kỹ thuật cho Ukraine trong lĩnh vực quốc phòng.
Cuộc xung đột hiện nay tại Ukraine đang thúc đẩy Kiev chuyển sang sử dụng vũ khí tiêu chuẩn NATO khi các nước tăng cường cung cấp vũ khí cho Ukraine. Mặc dù cho rằng sự đảm bảo an ninh cuối cùng cho Ukraine là tư cách thành viên NATO nhưng ông Stoltenberg khẳng định điều này sẽ không thể xảy ra trong bối cảnh xung đột ở quốc gia Đông Âu.
Các đồng minh phương Tây của Ukraine đang cân nhắc việc có thể đưa ra các hình thức đảm bảo an ninh khác cho Ukraine để trấn an Kiev như một bước tạm thời trước khi kết nạp nước này.
Sự chia rẽ giữa các thành viên NATO đã cho thấy những rủi ro mà động thái này có thể gây ra trong căng thẳng giữa phương Tây và Nga. Điều này cũng nhấn mạnh những thách thức dài hạn tiềm tàng trong NATO, bất chấp sự thống nhất của liên minh này trong việc phản ứng với cuộc xung đột ở Ukraine.
Từ lâu, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã chỉ trích việc NATO kết nạp các nước thuộc Liên Xô cũ và coi đây là mối đe dọa với an ninh của Nga.
Trong khi đó, hồi giữa tháng 5, Ngoại trưởng Ukraine Dmytro Kuleba đã kêu gọi hành động nhanh chóng và cho biết Ukraine đã cho thấy khả năng sẵn sàng trong 18 tháng qua.
"Đã đến lúc NATO cần dừng viện cớ và bắt đầu quá trình hoàn tất thủ tục kết nạp cuối cùng cho Ukraine, cũng như cho Tổng thống Putin thấy rằng ông ấy đã thất bại", Ngoại trưởng Dmytro Kuleba nói.
Mộc Miên (T/h)