Hãng tin RT dẫn lời Ngoại trưởng Ukraine Dmitry Kuleba nói với các phóng viên bên lề cuộc họp của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) ở Brussels (Bỉ) hôm 29/11 tuyên bố, đề xuất về việc Ukraine nhượng bộ lãnh thổ cho Nga để đổi lấy tư cách thành viên của khối là không thể chấp nhận được.
Đề xuất này đã được các cựu quan chức cấp cao của NATO đưa ra, trong đó có cựu Tổng thư ký Anders Fogh Rasmussen và cựu cựu Chỉ huy Lực lượng NATO ở châu Âu James Stavridis. Ông Kuleba đã chỉ trích ý tưởng nhượng bộ lãnh thổ ngay trước thềm cuộc họp với các ngoại trưởng NATO.
Ngoại trưởng Ukraine cho rằng những người ủng hộ đề xuất của các cựu quan chức NATO nên yêu cầu các quốc gia khác đưa ra những nhượng bộ tương tự. “Và nếu họ làm như vậy, thì tôi sẵn sàng lắng nghe lập luận của họ”, ông nói.
Ngoại trưởng Ukraine Dmitry Kuleba (trái) và Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg (phải) trước cuộc họp hôm 29/11. Ảnh: AP
Ông Kuleba đồng thời cũng bác bỏ quan điểm cho rằng đã xuất hiện tâm lý “mệt mỏi” với cuộc xung đột Nga - Ukraine ở các quốc gia phương Tây và nhấn mạnh việc thiếu cung cấp vũ khí không liên quan đến điều này.
Nói về nguồn cung vũ khí tại trụ sở của NATO, Ngoại trưởng Ukraine cho biết ông "không có lý do" gì để cho rằng phương Tây không thể cung cấp những gì nước này mong đợi vì "thiếu ý chí chính trị". Tuy nhiên, hiện vẫn còn nhiều công việc kỹ thuật cần được tiến hành để có thể cung cấp đủ vũ khí cho Ukraine.
Ngoại trưởng Kuleba nhắc lại Ukraine vẫn kiên định với các mục tiêu của mình và thề rằng “không có gì có thể ngăn cản” họ tiến lên. Ông gọi việc phương Tây viện trợ cho Ukraine thay vì gửi quân đội của mình đến để chống lại Nga là một “thỏa thuận công bằng”.
Trong gần 2 năm qua, Mỹ và các đồng minh châu Âu trong NATO đã rót một lượng viện trợ quân sự lớn cho Ukraine để bù đắp cho những tổn thất mà nước này phải trong cuộc xung đột với Nga. Tuy nhiên, đến tháng 10, họ bắt đầu thừa nhận rằng các kho dự trữ đã cạn kiệt.
Đầu tiên là Anh, sau đó là Pháp ngừng gửi viện trợ từ kho dự trữ cho Ukraine. Liên minh châu Âu (EU) cũng mới chỉ có thể cung cấp cho Ukraine khoảng 300.000 quả đạn pháo 155mm trong khi cam kết của họ là 1 triệu quả đạn pháo.
Ngày 14/11, ông Josep Borrell - người đứng đầu chính sách đối ngoại của EU cho biết quân đội các nước thành viên của khối đã cung cấp cho Ukraine tất cả số đạn dược mà họ có thể tìm thấy trong kho dự trữ hiện có, vì vậy giờ đây khối phải chờ sản xuất thêm.
“Con đường đầu tiên – cung cấp những gì quân đội có trong kho dự trữ của họ – đã hoàn thành. Bây giờ, từ kho dự trữ của quân đội, rất khó để lấy thêm”, nhà ngoại giao hàng đầu của EU nói đồng thời lưu ý rằng dòng đạn dược gửi đến Ukraine hiện sẽ phụ thuộc vào năng lực sản xuất của các nhà sản xuất vũ khí trong khối
Phương Uyên (Theo RT)