Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Tin tức Ukraine mới nhất ngày 1/12: Ukraine có thể không gia nhập NATO

  • Phương Uyên
(DS&PL) -

Tin tức về tình hình Ukraine mới nhất ngày 1/12/2023. Cập nhật tin tức tình hình Ukraine mới nhất ngày 1/12/2023 trên trang Đời sống & Pháp luật.

Ukraine có thể không gia nhập NATO

Báo điện tử VTC News dẫn nguồn từ hãng tin RT cho biết, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky thừa nhận nước này có thể sẽ không bao giờ gia nhập Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO).

“Chúng tôi không biết mọi chuyện sẽ diễn ra như thế nào… Không ai có thể trả lời chắc chắn điều đó. Hoặc Ukraine sẽ ở trong NATO, hoặc sẽ không ở trong NATO", ông Zelensky nói.

Hôm 29/11, tại Brussels, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken tái khẳng định Ukraine có thể trở thành thành viên của NATO “khi các đồng minh đồng ý và các điều kiện được đáp ứng”. “Ukraine đang đi đúng hướng trên con đường trở thành thành viên NATO cũng như Liên minh châu Âu với quá trình gia nhập đang bắt đầu”, ông nói thêm.

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky. Ảnh: Getty Images

Tại Hội nghị thượng đỉnh NATO hồi tháng 7, lãnh đạo các nước NATO cho biết Ukraine có thể tham gia liên minh quân sự này vào một thời điểm trong tương lai song không đưa ra mốc thời gian cụ thể, đồng thời không đưa ra lời mời ngay lập tức cho Kiev.

Ukraine coi tư cách thành viên NATO là mục tiêu chiến lược trong chính sách đối ngoại vào năm 2017. Vào mùa thu năm 2022, Kiev chính thức nộp đơn xin gia nhập khối quân sự này sau khi 4 khu vực cũ của Ukraine bỏ phiếu gia nhập Nga thông qua các cuộc trưng cầu dân ý. 

Nga từ lâu đã coi việc NATO ngày càng mở rộng về phía biên giới nước này là mối đe dọa an ninh lớn. Tổng thống Vladimir Putin nhiều lần tuyên bố việc Ukraine gia nhập NATO là điều hoàn toàn không thể chấp nhận đối với Moscow. Nga coi khả năng Kiev gia nhập khối này là một trong những lý do chính để phát động chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine.

Hôm 28/11, người phát ngôn điện Kremlin Dmitry Peskov lập luận rằng khối quân sự do Mỹ đứng đầu luôn tìm mọi cách ngăn chặn Nga, đồng thời Washing biến NATO như “công cụ đối đầu” với Moskva kể từ khi thành lập. Ông nói không có dấu hiệu cho thấy NATO sẽ sớm thay đổi mục tiêu đó và tổ chức này cũng sẽ tiếp tục hỗ trợ Ukraine trong cuộc chiến chống lại Nga.

Ukraine bị nghi kích nổ tuyến đường sắt nối Nga và Trung Quốc

Theo báo Dân trí, hãng tin Reuters dẫn nguồn tin giấu tên từ Ukraine ngày 30/11 cho hay, lực lượng của Cơ quan An ninh Ukraine (SBU) đã kích hoạt 4 thiết bị nổ khi một đoàn tàu chở hàng di chuyển qua hầm Severomuysky ở vùng Buryatia, trên tuyến đường sắt quan trọng giữa Nga và Trung Quốc.

Vụ tập kích xảy ra đêm 29/11 khiến đoàn tàu bốc cháy, song hiện chưa có thông tin về thiệt hại. Nguồn tin nói rằng, Nga cũng sử dụng tuyến đường sắt này cho mục đích quân sự.

Hầm đường sắt Severomuysky. Ảnh: Pravda

Cơ quan Điều tra Nga nói rằng một đoàn tàu chở nhiên liệu đã bốc cháy trong hầm đường sắt, nhưng không có thiệt hại về người. Trong khi đó, Cơ quan Đường sắt Nga cho biết đoàn tàu đã dừng lại khi phát hiện khói bốc lên từ một bồn chứa nhiên liệu.

Giới chức trách Nga đang điều tra nguyên nhân vụ việc. Nếu đây thực sự là một hoạt động của lực lượng an ninh Ukraine, nó sẽ cho thấy năng lực của họ tấn công vào sâu lãnh thổ Nga. Đường sắt trên cách biên giới Ukraine khoảng 4.000km.

Trong một diễn biến liên quan khác, Reuters đưa tin, Mỹ hoãn cấp lô rocket dẫn đường tầm xa (GLSDB) đầu tiên cho Ukraine đến năm 2024. GLSDB có tầm bắn khoảng 160km. Theo kế hoạch, Boeing sẽ hoàn tất sản xuất và bàn giao loại rocket này cho quân đội Mỹ vào cuối tháng 12 này, nhưng Mỹ vẫn cần thêm vài tháng thử nghiệm trước khi bàn giao cho Ukraine.

Nó sẽ cho phép quân đội Ukraine tấn công các mục tiêu ở khoảng cách gấp đôi so với tên lửa mà họ hiện bắn từ Hệ thống pháo cơ động cao (HIMARS) do Mỹ cung cấp và buộc Nga phải di chuyển nguồn tiếp tế ra xa tiền tuyến hơn nữa.

Mỹ và các đồng minh bắt đầu cung cấp vũ khí tầm xa cho Ukraine, song vẫn có những giới hạn nhất định. Điều này là bởi phương Tây lo ngại rằng Kiev có thể sử dụng những vũ khí đó để tấn công vào sâu lãnh thổ Nga và kéo theo nguy cơ xung đột trực tiếp giữa Nga và NATO.

Moscow cũng từng lên tiếng cảnh báo rằng bất cứ tên lửa tầm xa nào mà phương Tây cấp cho Ukraine sẽ dẫn đến vòng xoáy căng thẳng hơn nữa trong xung đột Ukraine.

Phương Uyên (T/h)

Tin nổi bật