Sự sụt giảm đa dạng sinh học toàn cầu đang khiến khả năng sản xuất thực phẩm của nhân loại gặp nhiều rủi ro, một báo cáo mới của Liên Hợp Quốc (LHQ) cảnh báo.
Thế giới có nguy cơ đối diện nạn đói vì sự sụt giảm đa dạng sinh học. Ảnh minh hoạ: CNN |
Theo Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp LHQ, đa dạng sinh học trong thực phẩm và nông nghiệp "không thể thiếu đối với an ninh lương thực và phát triển bền vững". Tuy nhiên, trong những năm gần đây, đa dạng sinh học ở cấp độ di truyền, loài và hệ sinh thái đều suy giảm, làm giảm khả năng ứng phó với hệ thống lương thực và nông nghiệp nói chung trước những sự kiện bất ngờ và căng thẳng như biến đổi khí hậu.
"Nhiều thành phần chính của đa dạng sinh học trong thực phẩm và nông nghiệp ở mức độ di truyền, loài và hệ sinh thái đang suy giảm", báo cáo cho biết. "Tỷ lệ các giống vật nuôi có nguy cơ tuyệt chủng đang gia tăng. Nhìn chung, sự đa dạng của các loại cây trồng trên cánh đồng của nông dân đã giảm và các mối đe dọa đối với sự đa dạng cây trồng cũng đang gia tăng".
Ở cấp độ loài, nhiều loài phục vụ các chức năng quan trọng như thụ phấn hoặc quản lý dịch hại đang suy giảm "do hậu quả của sự hủy hoại và suy thoái môi trường sống, khai thác quá mức, ô nhiễm và các mối đe dọa khác".
Một báo cáo công bố đầu tháng 2 trên tạp chí Biological Conservation đã cảnh báo hơn 40% các loài côn trùng có thể bị tuyệt chủng trong vài thập kỷ tới - một sự kiện có thể gây ra những hậu quả "thảm khốc" trên hành tinh. Ngay cả những động vật lớn hơn cũng có nguy cơ, với hơn 25% giống vật nuôi địa phương có nguy cơ bị tuyệt chủng. Chỉ có 7% số loài được coi là không có rủi ro gì.
Sự suy giảm đa dạng sinh học xảy ra bởi một số xu hướng toàn cầu nghiêm trọng, bao gồm biến đổi khí hậu, thị trường quốc tế và nhân khẩu học. "Những điều này đang làm phát sinh những thách thức khác như thay đổi sử dụng đất, ô nhiễm, lạm dụng, thu hoạch quá mức và sự sinh sôi nảy nở của các loài xâm lấn", báo cáo viết. "Các xu hướng này xảy ra đồng thời có thể làm trầm trọng thêm hậu quả".
Phát biểu tại Hội nghị đa dạng sinh học quốc gia ở Dublin, Tổng thống Ireland Michael Higgins kêu gọi thế giới làm nhiều hơn để giải quyết "khủng hoảng tuyệt chủng". "Trong nửa thế kỷ qua, loài người đã chứng kiến sự hủy diệt của 60% các loài động vật có vú, chim, cá và bò sát trên khắp thế giới", ông nói. "Chúng ta là thế hệ đầu tiên thực sự hiểu được thực tế về những gì con người đang làm với thế giới tự nhiên và chúng ta cũng có thể là thế hệ cuối cùng có cơ hội tránh được nhiều thiệt hại".
PHƯƠNG PHƯƠNG (Theo CNN)