Phó Tổng thư ký các vấn đề nhân đạo của LHQ cho biết, cuộc xung đột Hodeidah ở Yemen đã làm cho cuộc khủng hoảng lương thực của đất nước trở nên tồi tệ hơn.
Yemen đối diện nạn đói kinh hoàng. Ảnh: AP |
Trong bài phát biểu gần đây, Phó Tổng thư ký các vấn đề nhân đạo của Liên Hợp Quốc (LHQ) Mark Lowcock cảnh báo viễn cảnh nạn đói ở Yemen có thể sẽ là thảm họa "tồi tệ nhất mà bất cứ chuyên gia nào trong lĩnh vực này từng chứng kiến". Hiện nay, khoảng 1 nửa dân số đất nước này hoàn toàn dựa vào viện trợ nhân đạo để sống sót.
Ông Lowcock nói: "Có một mối nguy hiểm rõ ràng và nguy cơ xảy ra một nạn đói lớn có thể nhấn chìm Yemen". Theo đó, hồi tháng 9 vừa qua, LHQ ước tính có khoảng 11 triệu người sẽ phải sớm đối mặt với nạ đói nhưng con số thực sự những người sống bằng viện trợ nhân đạo hiện nay đã lên tới hơn 14 triệu người - khoảng một nửa dân số của Yemen.
Ông Lowcock cho biết giao tranh khốc liệt tại thành phố cảng Hodeida, từng là điểm tiếp nhận phần lớn lương thực, đang đe dọa hoạt động cứu trợ. Ông kêu gọi các bên đình chiến xung quanh các cảng và để tàu chở hàng viện trợ được lưu thông an toàn trên khắp cả nước.
"Các cuộc đụng độ dữ dội tiếp diễn tại Hodeidah, bao gồm chiến đấu, bắn phá và tấn công không kích tại thành phố Hodeidah trong vài ngày qua", ông Lowcock nói. "Yemen gần như hoàn toàn phụ thuộc vào nhập khẩu thực phẩm, nhiên liệu và thuốc men. Tỷ giá hối đoái có sẵn, bao gồm số tiền còn lại thu được từ hoạt động xuất khẩu dầu, tiền gửi của Yemen ở bên ngoài lãnh thổ và trợ giúp quốc tế hiện đã không đủ để hỗ trợ người dân".
Cuộc chiến gần Hodeidah đã leo thang kể từ ngày 13/6 sau khi liên minh Ả Rập Saudi khởi động một chiến dịch lớn để chiếm lại cảng biển chiến lược.
Nội chiến ở Yemen đã kéo dài 3 năm kể từ khi phiến quân Houthi (được Iran hỗ trợ) chiếm đóng phần lớn quốc gia Trung Đông, bao gồm cả thủ đô Sana'a. Ít nhất 10.000 người dân vô tội đã thiệt mạng và hàng triệu người khác đang rơi vào tình trạng cần cứu trợ nhân đạo khẩn cấp.