Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Lật tẩy chiêu trò lừa đảo của các sàn giao dịch bất động sản

(DS&PL) -

Hiện nay, các sàn giao dịch bất động sản (BĐS) mọc lên như nấm sau mưa, nhất là ở các quận, huyện vùng ven TP.HCM.

Hiện nay, các sàn giao dịch bất động sản (BĐS) mọc lên như nấm sau mưa, nhất là ở các quận, huyện vùng ven TP.HCM. Thậm chí, các địa phương lân cận như: Bình Dương, Đồng Nai, Long An... cũng xuất hiện tình trạng tương tự. Nếu như các khu vực trung tâm là “đất diễn” của các “ông lớn” thì khu vực còn lại là nơi dành cho các sàn nhỏ lẻ.

Mới đây, nhiều khách hàng đã vớ phải đất nền “ảo” (quận 12, TP.HCM) của công ty địa ốc Alibaba. Tuy nhiên, đây chỉ là một trong rất nhiều trường hợp khách hàng đang mắc bẫy bởi các sàn giao dịch BĐS “ma”, lừa đảo... Thực tế, đây là hệ quả của tình trạng sốt đất trong thời gian qua. Thấy “dễ ăn”, nhiều người cũng “vác mai đi đào” và nghĩ ra nhiều chiêu thức lừa đảo. Anh N.V.L. (ngụ quận 12, TP.HCM) cho biết: “Mới đây, tôi có góp tiền cùng người bạn mua 2 lô đất nền tại huyện Hóc Môn (TP.HCM).

Alibaba chỉ là một trong rất nhiều trường hợp khách hàng đang bị mắc bẫy bởi các sàn giao dịch BĐS “ma”, lừa đảo - Ảnh: 24h.com.

Đây là đất của một công ty khác giao cho sàn giao dịch BĐS Đ.N. (quận 12) phân phối độc quyền. Khi mua, nhân viên tư vấn rất hay, đưa bản vẽ dự án cùng vị trí lô đất, kèm theo bản phô tô giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Tin tưởng nên chúng tôi đặt cọc mua với số tiền lần đầu là 50 triệu đồng/nền. Sau đó, công ty này yêu cầu đóng tiếp số tiền 70% của hợp đồng”. “Đóng mỗi nền thêm gần 500 triệu xong, chúng tôi đến huyện Hóc Môn để xem đất nền. Tuy nhiên đến đây mới hay, đất không nằm mặt tiền như đã cam kết. Đồng thời, hạ tầng và các tiện ích (đường, công viên, hồ...) mà họ nói cũng chưa có hạng mục nào triển khai. Quá thất vọng, chúng tôi quay về và tìm đến công ty này để phản ánh. Không đồng tình với cách giải thích của họ, chúng tôi yêu cầu lấy lại tiền nhưng họ không trả. Chúng tôi đang chờ giải quyết, nếu cần thì có thể trình báo công an về hành vi làm ăn lừa đảo”, anh L. nói thêm. Bên cạnh chiêu trò trên, theo tìm hiểu của PV báo ĐS&PL, chiêu thức giả ngân hàng thanh lý đất nền, căn hộ, nhà ở... cũng đang diễn ra phổ biến.

Người tên Thọ cho biết: “Vietcombank cần thanh lý nhanh đất nền Bình Dương giá rẻ, chỉ từ 90 triệu đồng/nền. Để thu hồi vốn, ngân hàng Vietcombank Bình Dương đang cần thanh lý một số sản phẩm nợ xấu. Để giải quyết nợ, ngân hàng đã ký gửi ở công ty một số lô đất để thanh lý giá rẻ hơn thị trường khoảng 20 đến 50 triệu đồng/nền”. Hẹn gặp tại Thành Phố Mới (tỉnh Bình Dương), Thọ dẫn PV đi xem lô đất nền ở một nơi vắng vẻ. Khu vực này còn hoang vu, chưa có hạ tầng, nước sạch... mới chỉ là nơi mà các công ty này “đánh dấu lãnh thổ” rồi phân lô bán nền. Lần theo dấu vết, PV biết được Thọ đang là nhân viên môi giới của một sàn giao dịch BĐS ở quận Bình Thạnh (TP.HCM). Tuy nhiên, người này lại khẳng định, mình đang là nhân viên phòng Thanh lý tài sản của ngân hàng Vietcombank Bình Dương.

Để tạo lòng tin cho người mua, những người này còn đưa ra các chương trình khuyến mãi, ưu đãi khủng. “Nhằm thanh lý tài sản, nhà và đất sớm nên ngân hàng đưa ra chính sách ưu đãi là chiết khấu 3% cộng 1 chỉ vàng SJC/150m2 /nền và 1 thẻ cào trúng thưởng 100% khi khách hàng thanh toán ngay bằng tiền mặt. Có xe hỗ trợ khách hàng xem tài sản, nhà, đất ngân hàng thanh lý miễn phí hàng ngày, kể cả thứ Bảy và Chủ nhật”, Thọ nói. Ngoài bán đất do ngân hàng thanh lý, không ít sàn giao dịch đang rao bán nhà ở xã hội... với chiêu thức tặng kèm “dịch vụ làm giấy tờ”. Bởi, theo những người này, để mua nhà ở xã hội phải có hộ khẩu hoặc sổ tạm trú và nhiều loại giấy tờ khác.

Như người tên Thái đang bán nhà ở xã hội ở quận 8 (TP.HCM) tư vấn: “Anh là người không có hộ khẩu ở TP thì cần phải có KT3 (tạm trú dài hạn), giấy xác nhận nhà ở (nếu làm Nhà nước xin ở thủ trưởng cơ quan hoặc ở phường, còn làm công ty ngoài xin ở phường nơi mình cư trú). Rồi còn phải cần có giấy xác nhận bảo hiểm xã hội 1 năm trở lên”. “Nếu không có những loại giấy tờ này bên em sẽ lo luôn cho anh, bao đậu hồ sơ luôn”, Thái cho biết. Khi hỏi về cách thức làm Thái nói cho qua chuyện: “Cái đó là chuyện của bên em, miễn sao làm hoàn thiện để anh có thể có nhà”. Tuy nhiên, khi PV yêu cầu làm các loại giấy tờ này trước rồi đặt cọc sau, Thái nói: “Không được, anh phải đặt cọc để cho em thực hiện, làm cái này cũng phải mất phí nữa. Lỡ làm cho anh rồi mà anh không mua thì em tính sao?”. Nhiều người vướng “bẫy” Ngoài ra, còn hàng loạt bẫy khác mà các sàn giao dịch BĐS giăng ra để chờ “con mồi”.

Hiện nay, phần lớn các bẫy này đều do chính nhân viên môi giới BĐS của các sàn giao dịch giăng ra. Hầu hết họ là những người còn trẻ, thậm chí phần nhiều thất nghiệp, chạy đi môi giới. Họ không có kinh nghiệm, chỉ được truyền thụ các chiêu làm sao để bán cho được đất nền, căn hộ... chứ hoàn toàn không quan tâm quyền lợi của khách hàng. Vì vậy, người mua rất dễ bị lừa. Mới đây, phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự quản lý kinh tế và chức vụ (PC45, Công an TP.HCM) đã thụ lý vụ việc người dân khiếu nại 3 sàn giao dịch BĐS có dấu hiệu lừa đảo, gồm: Công ty CP địa ốc K.P, công ty CP đầu tư Đ.P. và công ty CP đầu tư V.H.P.. Cả 3 doanh nghiệp này đều có chiêu thức hoạt động giống nhau, dùng đất “ảo” hoặc đất không như cam kết bán cho khách hàng. Sau khi khách hàng đóng tiền cọc, góp vốn (chủ yếu xảy ra ở tỉnh Đồng Nai) mới phát hiện các thửa đất không có hoặc không đúng như thỏa thuận.

Tuy nhiên, khi đòi lại tiền thì các sàn này không trả lại. Ông Nguyễn Đình Long, Tổng giám đốc một sàn giao dịch bất động sản tại TP.HCM cho rằng: “Các sàn này mọc ra chủ yếu là đón những cơn sóng về bất động sản đang lên cơn sốt thời gian qua. Thậm chí, họ chỉ hoạt động một thời gian ngắn rồi dẹp, giống như các công ty du lịch, chỉ hoạt động mùa cao điểm. Thế nên, miễn sao họ bán được hàng để có hoa hồng, lợi nhuận, chứ không quan tâm tới quyền lợi của khách hàng. Đặc biệt là họ luôn che giấu những thông tin bất lợi, chỉ đưa ra các thông tin có lợi cho người mua”. Thực tế, theo ghi nhận của PV, dù mang danh là sàn giao dịch BĐS nhưng khi tìm đến nơi lại không có sàn, đó chỉ là địa chỉ “ma”. Điển hình, khi PV tìm đến địa chỉ sàn giao dịch BĐS H.Q. ở số 40 Âu Cơ (quận Tân Phú, TP.HCM) thì không hề thấy cái tên nào như vậy. Hỏi những người xung quanh cũng không ai biết công ty này ở đâu.

Lần theo một số dấu vết, PV phát hiện ra sàn này đã chuyển về một ngôi nhà nằm trong hẻm sâu ở cuối đường Âu Cơ. Hiện, sàn này đang vướng một dự án tại quận 12 do ngân hàng xiết nợ. Theo thống kê của sở Xây dựng TP.HCM, hiện có gần 500 sàn giao dịch BĐS đăng ký hoạt động. Tuy nhiên, con số này là quá ít ỏi so với thực tế. Chỉ tính riêng 6 tháng đầu năm 2017 tại TP.HCM đã có khoảng hơn 6.000 doanh nghiệp BĐS được thành lập mới, trong đó chủ yếu là kinh doanh dịch vụ BĐS. Do đó, tình trạng hoạt động bát nháo với nhiều chiêu trò lừa đảo là chuyện dễ hiểu.

Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch hiệp hội BĐS TP.HCM (HoREA) cho biết: “Mới đây, HoREA đã nhận được đơn cầu cứu của 300 người dân tố cáo 2 công ty môi giới địa ốc lừa đảo khách hàng. Theo đơn tố cáo, các công ty này đã đổi tên dự án, đổi tên chủ đầu tư, thậm chí còn vẽ lại quy hoạch 1/500, thêm nhiều tiện ích không có trong dự án... để nâng giá bán. Các dự án này đều tập trung ở huyện Nhơn Trạch, Long Thành, Trảng Bom (tỉnh Đồng Nai)”. Theo thông tin PV có được, hai công ty này có trụ sở tại TP.HCM và cơ quan điều tra của bộ Công an cũng đang vào cuộc làm rõ sự việc.

Sẽ “siết” các sàn giao dịch BĐS Ông Trương Công Nam, Phó Chánh Thanh tra sở Xây dựng TP.HCM cho biết: “Tới đây, Sở sẽ tham mưu UBND TP các giải pháp nhằm chấn chỉnh tình hình chung của thị trường BĐS nói chung và các sàn giao dịch nói riêng. Chúng tôi mong muốn các đơn vị tuân thủ quy định của pháp luật, cạnh tranh lành mạnh, không muốn xảy ra các trường hợp như công ty Alibaba mới đây”.

THANH TÙNG


Tin nổi bật