Thống đốc Lê Minh Hưng khẳng định, trước nhu cầu vốn rất lớn cho các dự án BOT, nhưng vừa qua Ngân hàng Nhà nước yêu cầu kiểm soát chặt tín dụng bất động sản.
Vốn ngân hàng cho vay BOT, bất động sản đã giảm
Tại phiên chất vấn chiều 16/11, đại biểu Nguyễn Lâm Thành (Lạng Sơn) đặt câu hỏi, lãi suất cho các dự án đầu tư 12%/năm làm tăng giá thành. Lãi suất cao, tín dụng có xu hướng đổ vào BOT giao thông, bất động sản là nơi có dự án lớn, thời gian vay dài nên lĩnh vực khác như nông nghiệp, dịch vụ, khu vực tạo ra nhiều việc làm cho xã hội khó tiếp cận. Đại biểu đặt câu hỏi cho Thống đốc tìm giải pháp cho việc này.
Trả lời câu hỏi trên, Thống đốc NHNN Lê Minh Hưng cho biết, thời gian qua mặt bằng lãi suất đã giảm rất mạnh. Nếu tính trong giai đoạn 2011-2016 thì lãi suất huy động đã giảm khoảng 7-10%, lãi suất cho vay còn giảm mạnh hơn nữa với mức 10-11%, qua đó góp phần giảm lãi suất cho vay.
Hiện nay các tổ chức tín dụng áp dụng mức lãi suất cho vay trung, dài hạn khoảng 8%, các lĩnh vực bình thường khác khoảng 9-10%, cá biệt có một số lĩnh vực khác có rủi ro cao thì lãi suất cho vay có cao hơn.
Đối với một số ngân hàng cho vay dự án BOT, Ngân hàng Nhà nước vừa qua kiểm soát rất chặt chẽ những dòng tín dụng vào bất động sản, cho vay rủi ro có thể ảnh hưởng đến hoạt động của hệ thống ngân hàng.
Thống đốc Lê Minh Hưng. Ảnh: Tri thức Trực tuyến |
Đối với các dự án BOT thì tỉ trọng tín dụng chỉ chiếm khoảng 1,5% tổng dư nợ, tức là ở mức rất thấp. Tuy nhiên, nhu cầu vốn rất lớn để triển khai các dự án BOT. Chúng tôi yêu cầu là phải kiểm soát chặt hoạt động tín dụng cho vay BOT và bất động sản.
Như vậy chúng ta đã kiểm soát và dành tỉ trọng lớn tín dụng cho các lĩnh vực ưu tiên, cho sản xuất kinh doanh. Thời gian tới đây, hệ thống ngân hàng vẫn có thể cung ứng vốn cho vay đối với các dự án nếu đó là dự án khả thi, các nhà đầu tư có năng lực thực sự. Đây là điều kiện then chốt để cho vay các dự án BOT giao thông.
Ngân hàng vẫn cho vay với chủ đầu tư BOT có năng lực tốt
Đại biểu Trần Hoàng Ngân đánh giá phần trả lời trên của Thống đốc rất đúng trọng tâm. Tuy nhiên, ngày 24/11 Quốc hội sẽ bấm nút thông qua Nghị quyết về đầu tư đường cao tốc Bắc Nam, trong đó tổng vốn đầu tư 118.000 tỷ, vốn ngân sách chỉ đảm đương 55.000 tỷ, huy động 63.000 tỷ, dự kiến vay từ hệ thống ngân hàng trên 50.000 tỷ. "Và đại biểu muốn hỏi quan điểm của Thống đốc về chuyện này?, ông Ngân đặt vấn đề.
Trong khi đó Đại biểu Lê Công Đỉnh (Long An) tranh luận, về con số tăng trưởng tín dụng 10 tháng 13,6%, nhưng tăng trưởng tín dụng định hướng năm nay có thể tăng lên 21%, nghĩa là 2 tháng còn lại sẽ tăng trên 7%. Ông đặt vấn đề, thời gian ngắn nhưng mức tăng trưởng tín dụng lớn, liệu nền kinh tế có hấp thụ được vốn. Giải pháp của Ngân hàng Nhà nước là gì?
Trả lời các câu hỏi của đại biểu Lê Công Đỉnh về tăng tín dụng 21% năm nay, Thống đốc Lê Minh Hưng cho biết đây không phải chỉ đạo của Chính phủ.
Tăng trưởng GDP 6 tháng đầu năm thấp, vốn vào đầu tư công chưa đạt dự kiến nên Chính phủ đề nghị Ngân hàng xem xét tăng tín dụng lên mức 21%. "Đây không phải chỉ tiêu bắt buộc Ngân hàng Nhà nước phải làm, quan điểm là tăng trưởng tín dụng phải đi kèm chất lượng tăng trưởng. Nên những ngân hàng nào đảm bảo thì sẽ xem xét cho tăng trưởng cao hơn, chứ không yêu cầu các ngân hàng tăng trưởng tín dụng bằng mọi giá", ông Hưng nói.
Về câu hỏi của đại biểu Trần Hoàng Ngân, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cho hay, nhu cầu vốn cho đường cao tốc rất lớn, nhưng rủi ro của hệ thống ngân hàng cũng quan trọng không kém.
"Không phải ngân hàng không cho vay BOT giao thông mà các ngân hàng phải tăng cường thẩm định phương án tài chính để đảm bảo khả thi, năng lực tài chính của chủ đầu tư. Chủ đầu tư có năng lực thực sự, dự án khả thi thì ngân hàng sẽ cho vay", Thống đốc Ngân hàng nhấn mạnh.
Hoàng Yên (T/h)