Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Khóc thét vì mua hàng qua mạng nhận sản phẩm “không như là mơ”

(DS&PL) -

Dăm ba hôm lại có một quả “bóc phốt” mua hàng qua mạng rồi nhận hàng không giống với quảng cáo.

Dăm ba hôm lại có một quả “bóc phốt” mua hàng qua mạng rồi nhận hàng không giống với quảng cáo. Và có hàng tá những câu chuyện tương tự như vậy nhưng nó vẫn chưa bao giờ hết “hot”. Tuy nhiên, cách làm ăn bát nháo, chụp giựt này ảnh hưởng trực tiếp đến uy tín của những người bán hàng online nghiêm túc, tử tế. Và chuyện “con sâu làm rầu nồi canh” trong trường hợp này luôn luôn đúng.

Mua áo khoác nhận “giẻ lau”

Công việc bận rộn, quỹ thời gian hạn hẹp, thời gian đi mua sắm không có nhiều, chính vì thế, hình thức mua hàng online đang được nhiều người ưa chuộng, đặc biệt là các bạn trẻ, dân văn phòng, những bà mẹ bỉm sữa. Đúng là, chúng ta không thể phủ nhận được những tiện lợi mà hình thức mua sắm này mang lại. Với dân văn phòng, bạn có thể ngồi một chỗ mà sắm được đầy đủ các mặt hàng từ đồ gia dụng, quần áo, giày dép... đến thực phẩm. Hay với những bà mẹ bỉm sữa, trời nắng, trời mưa cũng không cần lặn lội đường sá, chỉ cần thực hiện vài cú click trên smartphone là có thể mua được đủ các loại mặt hàng. Thế nhưng, một hình thức mua sắm tưởng như tiện lợi hết chỗ chê ấy lại xuất hiện vô số những câu chuyện “dở khóc dở cười” của các “thượng đế”.

Mới đây, một cô gái trẻ chia sẻ hình ảnh nhận chiếc áo khoác cô đặt của một shop trên địa bàn Hà Nội khác “một trời một vực” với hình ảnh đăng quảng cáo.

Áo nhận được và ảnh chụp áo hoàn toàn khác nhau.

Chị Phạm Quỳnh Anh (Hà Nội) chia sẻ: “Ngày 1/1/2019, Hà Nội lạnh 9-10 độ C. Vì quá lười ra đường nên tôi đã đặt một chiếc áo khoác. Do nhẹ dạ cả tin vì nhìn vào lượng theo dõi khủng của shop cùng địa chỉ rõ ràng, kèm theo dòng chữ: Shop xả hàng + Ảnh thật shop tự chụp. Khi nhận được áo thì cảm thấy như bị lừa đảo một cách trắng trợn. Chiếc áo nhìn như chiếc giẻ lau nhà. Ảnh áo của shop đăng tải và chiếc áo tôi đang cầm trên tay hoàn toàn không liên quan gì đến nhau”.

Giao hàng không đúng mẫu mã đã đành, nhiều shop còn lấy lòng tin của khách ở lần mua hàng đầu để tạo uy tín, rồi những lần sau để “thượng đế” phải ngậm đắng nuốt cay vì “hàng giả, tiền thật”.

Chị Nguyễn Loan (ở Hà Nội) kể: “Thấy shop bán chăn, drap, gối nệm trên mạng có nhiều mẫu mã đẹp cùng với giá cả phải chăng, lại được free ship. Lần đầu tiên mua hàng, tôi ưng lắm vì hàng chất lượng rất ổn. Thế là tôi mua tiếp một bộ chăn gối nữa, dù giá lần đó cao gấp đôi vì hết khuyến mãi. Lần này thì khác, chỉ đúng mỗi hoa văn, chất liệu kém, màu sắc xấu xí, chăn lại mỏng không ấm như quảng cáo”.

“Tôi đã tìm lại facebook của shop nhưng họ đã hủy kết bạn, chặn tin nhắn của tôi. Khi tôi gọi điện thoại hỏi thì chủ shop mắng chửi nói rằng tôi vu oan cho họ, rồi họ nói chưa gặp khách hàng nào láo lếu như tôi. Thậm chí, còn đòi kiện ngược tôi vì tội vu khống. Tôi không chấp nhận thực tế, tranh luận một thôi một hồi, nhưng sau đó, đầu dây bên kia chửi tục một câu rồi tắt máy. Từ đó, không liên lạc được...”, chị Loan lắc đầu ngán ngẩm.
Tiền mất, tật mang

Biết rằng, độ tiện lợi của việc mua hàng online thì khỏi phải bàn nhưng trước khi quyết định đặt mua, đặc biệt là các mặt hàng thời trang như áo quần, váy, giày dép... thì tốt nhất nên hỏi có cho xem hàng trước khi thanh toán không, nếu shop đồng ý thì hãy đặt mua. Thực tế, có không ít trường hợp vừa mất tiền oan, vừa phải nghe chửi, thậm chí chịu đòn từ các chủ shop “đầu gấu”.

Chị Phương Liên (Hà Nội) vẫn còn ấm ức bởi màn ẩu đả của mình với chủ shop chỉ vì chiếc váy chị mua gần 1 triệu đồng nhưng khi nhận không khác gì mớ giẻ lau. “Khi không hài lòng với sản phẩm, tôi đã tìm đến gặp chủ shop để trả hàng, đòi tiền, tuy nhiên chủ shop đã mắng chửi, đuổi tôi đi tới tấp. Lý do đầu tiên là: “Hôm nay đầu tháng, đừng đến gây sự”, sau đó là: “Ăn nói bố láo, vu oan giá họa”,... Sau đó, tôi không can tâm mà đòi làm tới thì bị chị chủ shop cho một bạt tai, kéo trẹo cả tay phải. Vì shop là người quen của bạn tôi, nên hôm đó tôi chấp nhận bỏ qua mà không nhờ chính quyền can thiệp”, chị Phương Liên kể lại.

Sau những câu chuyện “dở khóc dở cười” về việc mua hàng online, nhiều chị em đưa ra lời khuyên khi mua hàng qua mạng để tránh tiền mất mà mua thêm bực mình nhất là khi Tết sắp đến nhu cầu mua sắm càng cao. “Nếu mua hàng gia dụng thì tốt nhất cứ lên các trang web lớn, có uy tín, có đăng ký kinh doanh đàng hoàng. Đặc biệt, khi định mua đồ gì chị em phải đọc kỹ mô tả sản phẩm xem có phù hợp với gia đình mình không. Điểm chú ý nhất là kích cỡ, chức năng, xuất xứ, có đổi trả được không...”, chị Trần Thu Mai chia sẻ.

Còn bà mẹ bỉm sữa Nguyễn Thanh Thanh chia sẻ: “Sau nhiều lần mua hàng online, mình cũng rút ra kha khá kinh nghiệm. Dù mua cái gì, mình đều thỏa thuận với bên bán là được xem hàng trước khi thanh toán. Nếu thấy hàng đúng với hình mẫu thì mình mới nhận. Và nhất là mua hàng gì mà shop bảo đặt cọc trước là thôi mình không mua nữa vì rất sợ bị bỏ ‘bom’, shop nhận tiền cọc của mình rồi mất hút luôn”.

Sau khi nhận được sản phẩm không như những gì shop cam kết, thường các “thượng đế” bị shop làm ngơ một cách không thương tiếc: Nhắn tin không trả lời, gọi không nghe thậm chí block luôn tài khoản của khách. Tình trạng như vậy diễn ra như “chuyện thường ngày ở huyện” và số lượng các shop bán hàng online không có “tâm” ngày càng mọc nhiều như nấm sau mưa, ảnh hưởng trực tiếp đến những người kinh doanh nghiêm túc.

Phong Linh

Bài đăng trên ấn phẩm báo in Đời sống & Pháp luật số 9

Tin nổi bật