Lực lượng cứu hộ ở Thổ Nhĩ Kỳ và Syria đã làm việc suốt đêm trong điều kiện nhiệt độ gần như đóng băng để rà soát đống đổ nát, nhằm tìm kiếm những người sống sót sau trận động đất mạnh ngày 6/2 (giờ địa phương) và dư chấn của nó làm sập hàng nghìn tòa nhà, giết chết hơn 4.300 người, New York Times đưa tin.
Khu vực xảy ra động đất tại Thổ Nhĩ Kỳ vốn đã bị tàn phá bởi chiến tranh, khủng hoảng tị nạn và những khó khăn kinh tế.
Trận động đất mạnh 7,8 độ richter xảy ra vào khoảng 4h sáng ngày 6/2, Cơ quan Khảo sát Địa chất Mỹ (USGS). Đây được cho là thảm họa kinh hoàng nhất xảy ra tại quốc gia này trong hơn 20 năm qua.
Mọi người tìm kiếm trong đống đổ nát sau trận động đất ở Diyarbakir, Thổ Nhĩ Kỳ, ngày 6/2. Ảnh: Reuters.
Trong một báo cáo được đưa ra khoảng 30 phút sau trận động đất, các chuyên gia tại USGS cho biết có 34% khả năng xảy ra từ 100 đến 1.000 trường hợp tử vong và 31% khả năng xảy ra từ 1.000 đến 10.000 trường hợp tử vong.
“Thiệt hại trên diện rộng có thể xảy ra và thảm họa có khả năng lan rộng", báo cáo cho biết. Nó cũng ước tính thiệt hại kinh tế lên tới 1% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Thổ Nhĩ Kỳ.
Januka Attanayake, nhà địa chấn học tại Đại học Melbourne (Australia), cho biết năng lượng giải phóng bởi trận động đất tương đương khoảng 32 petajoule, đủ cung cấp điện cho thành phố New York trong hơn 4 ngày.
Trong khi đó, nhà địa chấn học Susan Hough của USGS chỉ ra, tuy không phải trận động đất mạnh nhất thế giới, nhưng động đất ở Thổ Nhĩ Kỳ đặc biệt nguy hiểm.
Renato Solidum, Giám đốc Viện Núi lửa và Địa chấn học Philippines, cho hay động đất trên 7 độ richter được các nhà khoa học mô tả có "năng lượng tương đương khoảng 32 quả bom nguyên tử đã thả xuống Hiroshima của Nhật Bản năm 1945".
Theo ông Attanayake, đây dường như là một trong số một loạt trận động đất. Một đường đứt gãy dài khoảng 1.500 km chia tách mảng kiến tạo Á - Âu ở phía Bắc với mảng kiến tạo Anatolia ở phía Nam đã tạo ra nhiều rung chấn từ 6,7 độ trở lên kể từ năm 1939.
Bích Thảo (Theo New York Times)