Tính đến sáng 7/2 (giờ địa phương), ông Yunus Sezer - người đứng đầu cơ quan ứng phó khủng hoảng Thổ Nhĩ Kỳ - cho biết số người thiệt mạng tại nước này sau trận động đất mạnh 7,8 độ richter hôm 6/2 đã tăng lên 2.921 trường hợp. Số trường hợp bị thương cũng tăng lên 15.834 người.
Trong khi đó, tại Syria, các quan chức đã báo cáo 1.451 nạn nhân thiệt mạng và 3.531 người bị thương khi công tác tìm kiếm cứu nạn tiếp diễn. Như vậy, tổng số người thiệt mạng tại Thổ Nhĩ Kỳ và Syria trong trận động đất kỷ lục đến nay đã tăng lên 4.372 người.
Các quan chức Thổ Nhĩ Kỳ và Syria cho biết họ dự đoán số người chết sẽ tiếp tục tăng khi quá trình tìm kiếm cứu nạn tiếp tục, đồng thời kêu gọi các chính phủ và các cơ quan quốc tế hỗ trợ.
Nỗ lực tìm kiếm cứu hộ tiếp diễn ở Thổ Nhĩ Kỳ sau trận động đất kinh hoàng. Ảnh: Reuters
Trong đó, hàng chục quốc gia và tổ chức quốc tế đã gấp rút gửi viện trợ, nhân sự và thiết bị để hỗ trợ các nỗ lực cứu hộ tại các khu vực bị động đất ở Thổ Nhĩ Kỳ và Syria.
Cụ thể, Mỹ đang phối hợp để triển khai sự hỗ trợ ngay lập tức tới Thổ Nhĩ Kỳ, một thành viên NATO. Nỗ lực này bao gồm các đội hỗ trợ lực tìm kiếm và cứu nạn. Các đối tác nhân đạo của Mỹ cũng đang đối phó với tình hình ở Syria. Gần 100 nhân viên cứu hỏa và kỹ sư xây dựng của Hạt Los Angeles, cùng với chó nghiệp vụ, đã được gửi đến Thổ Nhĩ Kỳ. Tổng thống Joe Biden cũng đã nói chuyện với Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan vào chiều 6/2 và cho biết Washington sẵn sàng cung cấp "bất kỳ và tất cả sự hỗ trợ cần thiết".
Liên minh châu Âu cũng đã huy động các đội tìm kiếm và cứu hộ để giúp Thổ Nhĩ Kỳ, đồng thời kích hoạt hệ thống vệ tinh Copernicus của khối 27 quốc gia để cung cấp dịch vụ thiết lập bản đồ khẩn cấp. Ít nhất 13 quốc gia thành viên đã đề nghị hỗ trợ Thổ Nhĩ Kỳ. EU cho biết họ cũng sẵn sàng giúp đỡ Syria thông qua các chương trình viện trợ nhân đạo.
Các đội cứu hộ Nga từ Bộ Tình trạng khẩn cấp đang chuẩn bị bay tới Syria, nơi có sự hiện của quân đội Nga. Các quan chức cho biết 300 binh sĩ đã được triển khai tới các khu vực bị ảnh hưởng để giúp dọn dẹp các mảnh vỡ và tìm kiếm những người sống sót. Quân đội Nga đồng thời thiết lập các điểm để phân phát viện trợ nhân đạo. Nga cũng đã đề nghị giúp đỡ Thổ Nhĩ Kỳ và điều này đã được chấp nhận.
Điều phối viên nhân đạo của Liên Hợp Quốc tại Syria - El-Mostafa Benlemlih - nhận định tình hình ở Syria sau động đất "rất khó khăn".
Trao đổi với CNN, ông Benlemlih cho hay: "Việc tìm kiếm và cứu nạn bị cản trở bởi tình trạng thiếu thiết bị và máy móc hạng nặng để dọn dẹp đống đổ nát. Tình hình ở Syria thực sự, thực sự rất khó khăn. Ngoài cuộc khủng hoảng mà chúng tôi đang phải đối mặt, việc nhập khẩu các thứ không dễ dàng. Rất khó để tìm phụ tùng thay thế cho thiết bị đó. Ngoài ra, cũng không ai lường trước được điều này".
Ông Benlamlih lưu ý công việc cứu hộ cứu nạn sẽ tiếp tục, các đội cứu nạn ở Aleppo và Hama, cùng những nơi khác đang cố gắng đánh giá tình hình. Ông Benlamlih nói thêm rằng nhiều tòa nhà xung quanh vùng Tây Bắc Syria đã bị sập trong trận động đất và nhiều tòa nhà khác cũng có thể bị đổ.
Ông tiếp tục: "Các tòa nhà ở những nơi đó đã rất dễ bị hư hỏng và không có gì ngạc nhiên khi có thêm những tòa nhà khác bị sập. Đặc biệt là khi chúng tôi đang phải đối mặt với những điều kiện làm việc rất khó khăn do mưa và tuyết".
Theo đặc phái viên tại Syria, nhiều người đang rất sợ hãi. Họ không muốn quay trở lại ngôi nhà của mình vì sợ bị sập. Do đó, đang có nhiều người Syria phải sống ở ngoài đường trong tiết trời lạnh giá.
Minh Hạnh (Theo CNN, CBS)