Đề xuất thiết kế quy hoạch 2 bên sông Hồng theo hướng ô bàn cờ
Báo Kinh tế đô thị đưa tin, trong khuôn khổ chương trình làm việc tại Kỳ họp thứ 14 HĐND TP.Hà Nội, chiều 5/12 các đại biểu đã thảo luận tại tổ về kết quả thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023 và nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2024 của TP; Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2023, tầm nhìn đến năm 2050; Đồ án Điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065; Dự thảo Đề án “Tổng thể nâng cao năng lực, bảo đảm an toàn phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ trên địa bàn Thủ đô giai đoạn đến năm 2025, định hướng năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”.
Chủ tịch HĐND TP Hà Nội Nguyễn Ngọc Tuấn (ở giữa) điều hành thảo luận tại tổ 1. Ảnh: Kinh tế đô thị
Góp ý vào Đồ án Điều chỉnh quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065, Bí thư Huyện Ủy Thường Tín Nguyễn Tiến Minh đề nghị, khi quy hoạch 2 bên sông Hồng cần thiết kế theo hướng ô bàn cờ để tạo không gian tĩnh cho giao thông nhằm giảm ùn tắc giao thông. Cùng với đó là thực hiện di trụ sở các cơ quan ra ngoài để tạo không gian tĩnh cho giao thông.
Ông Nguyễn Tiến Minh cũng cho biết, dự thảo Luật Thủ đô đã đề cập đến mô hình TOD (phát triển đô thị gắn kết với giao thông công cộng, vì vậy khi quy hoạch Thủ đô cần bám vào Luật Thủ đô để quy hoạch mô hình này. Đối với hệ thống đường sắt đô thị, hiện Hà Nội mới có 1 tuyến đang chạy, 1 tuyến sắp chạy, số lượng như vậy là rất ít. Còn 10 tuyến đang trong kế hoạch triển khai, đề nghị trong định hướng quy hoạch đường sắt đô thị các đơn vị tư vấn cần nhấn mạnh triển khai theo mô hình TOD; nhấn mạnh sẽ quy hoạch tuyến đường sắt đô thị ngầm hoặc nổi với các tầng khác nhau, điều chỉnh các hướng để đường bộ và đường sắt đô thị bổ sung cho nhau để tăng cường năng lực giao thông công cộng, tiến tới hạn chế các phương tiện cá nhân hiệu quả.
Trưởng Ban Đô thị HĐND TP Đàm Văn Huân cho biết, Ban được Thường trực HĐND giao thẩm tra đồ án Quy hoạch chung nên đã có sự tham gia ngay từ đầu. Sau khi Thủ tướng Chính phủ phê duyệt nhiệm vụ vào tháng 6/2023, TP đã quan tâm, đẩy nhanh tiến độ thực hiện. Sau 6 tháng, Đồ án được hoàn thành bàn bản, công phu, thể hiện khát vọng xây dựng Thủ đô Hà Nội Phát triển Thủ đô Hà Nội là thành phố "Văn hiến - Văn minh - Hiện đại"; trở thành trung tâm, động lực thúc đẩy phát triển vùng đồng bằng sông Hồng, vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và cả nước; thành phố kết nối toàn cầu, phấn đấu phát triển ngang tầm thủ đô các nước phát triển trong khu vực.
Hiện các yếu tố liên quan đến 4 mốc thời gian (tới các năm 2030, 2045, 2050 và 2065) giữa đồ án Điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô và đồ án Quy hoạch Thủ đô Hà Nội đã khớp nhau. Do đó, đại biểu đề nghị các thông số liên quan đồ án Quy hoạch chung được HĐND TP thông qua sẽ là luận cứ đưa vào đồ án Quy hoạch Thủ đô. Và ngược lại, các nội dung như dân số, diện tích, tốc độ phát triển, trình độ nhân lực… được đề cập đến trong đồ án Quy hoạch Thủ đô sẽ được bổ sung vào đồ án Điều chỉnh chung Thủ đô.
Phó Chủ tịch UBND TP.Hà Nội Dương Đức Tuấn phát biểu tại phiên thảo luận tổ. Ảnh: Kinh tế đô thị
Phát biểu thảo luận, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy Phó Chủ tịch UBND TP Dương Đức Tuấn nêu, 2 đồ án quy hoạch cấp Thủ đô và Luật Thủ đô (sửa đổi) đến thời điểm hiện nay đã cơ bản đồng bộ, có sự tương tác, tổng hợp, tạo ra nội dung lớn, đổi mới trong phát triển Thủ đô Hà Nội như kiểm soát không gian phát triển TP; thiết lập mô hình chùm đô thị; dự kiến phát triển 2 mô hình TP phía Bắc và TP phía Tây Thủ đô; kiện toàn hệ thống hạ tầng kỹ thuật, xã hội; hình thành 5 trục phát triển cơ bản…
Phó Chủ tịch UBND TP cũng thông tin, theo quy định của Luật Quy hoạch và Luật Quy hoạch đô thị, sau khi hai đồ án quy hoạch cấp Thủ đô được Quốc hội, Chính phủ thông qua, TP phải xác lập chương trình, kế hoạch và nguồn lực, cơ chế chính sách phát triển đô thị, khắc phục hạn chế yếu kém của thời kỳ trước. Đây là thách thức không nhỏ, đặc biệt với yêu cầu hoàn thiện trong thời gian ngắn để tạo cơ hội phát triển mới cho Thủ đô đồng bộ, toàn diện.
Nỗ lực phát triển kinh tế - xã hội ngay từ đầu năm 2024
Theo thông tin trên báo Hà Nội mới, phát biểu tại thảo luận tổ, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Thị Tuyến (Tổ đại biểu huyện Chương Mỹ) đánh giá cao những nỗ lực, cố gắng của cả hệ thống chính trị thành phố trong hoàn thành các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội trong năm bản lề 2023.
Để triển khai nhiệm vụ năm 2024, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy đề nghị HĐND TP tiếp tục giám sát, đôn đốc thực hiện các dự án vốn ngoài ngân sách có sử dụng đất chậm triển khai trên địa bàn thành phố Hà Nội; tập trung hoàn thành các tuyến đường Vành đai 1, Vành đai 2, Vành đai 2,5, Vành đai 3…; đẩy nhanh thực hiện đề án quản lý tài sản công, xây dựng chung cư cũ; tiếp tục quan tâm vấn đề nước sạch cho người dân, tránh xảy ra việc như thiếu nước sạch tại Khu đô thị Thanh Hà (huyện Thanh Oai); rà soát lại các lĩnh vực đơn giá định mức quá thấp so với yêu cầu hoặc chưa có đơn giá định mức…
Đại biểu Nguyễn Thị Lan Hương (Tổ đại biểu huyện Quốc Oai) đánh giá, trong bối cảnh kinh tế thế giới cũng như trong nước khó khăn, điểm sáng ở Hà Nội là ngành du lịch, dịch vụ tăng, góp phần hỗ trợ tăng trưởng kinh tế; thu ngân sách vượt 2 con số…
Cho rằng Hà Nội có điều kiện, tiềm năng để phát triển về công nghệ sinh học, y dược, vật liệu mới, đại biểu đề xuất thành phố có cơ chế, chính sách đột phá để thu hút các nhà khoa học phát triển lĩnh vực này; hướng tới mục tiêu Hà Nội đi đầu cả nước và khu vực về phát triển trí tuệ nhân tạo (AI), công nghệ dược, mỹ phẩm…
Các đại biểu HĐND TP.Hà Nội thảo luận tại tổ. Ảnh: Kinh tế đô thị, Hà Nội mới
Đại biểu Nguyễn Trường Sơn (Tổ đại biểu huyện Quốc Oai) bày tỏ đồng tình với kết quả phát triển kinh tế - xã hội, nhất là chỉ tiêu thu ngân sách đạt cao. Nhấn mạnh nhiệm vụ, chỉ tiêu thời gian tới nặng nề trong bối cảnh tình hình còn nhiều khó khăn, thách thức, đại biểu đề nghị thành phố cần nỗ lực từ đầu năm 2024.
“Hiện nay, các địa phương có 3 khó khăn, gồm thu thuế, thu tiền sử dụng đất dự án, tình hình đấu giá đất… Mong thành phố hỗ trợ các địa phương để tháo gỡ các khó khăn này, nhất là phục hồi thị trường bất động sản”, đại biểu Nguyễn Trường Sơn nói.
Đại biểu Lê Vĩnh Sơn (Tổ đại biểu huyện Mỹ Đức) nêu những nguy cơ đối với phát triển kinh tế - xã hội năm 2024 của Thủ đô, như tốc độ tăng vốn đầu tư FDI và vốn nội địa thấp; dòng tiền tồn lại ở ngân hàng nhiều dẫn đến khả năng hấp thu của doanh nghiệp kém; bất động sản cũng đóng băng dẫn đến các ngành nghề khác bị ảnh hưởng theo…
Đại biểu đề nghị cần phân tích sâu thêm về công tác phối hợp giữa các sở, ngành và địa phương trong công tác cải cách hành chính khi các chỉ số cải cách hành chính thành phố năm qua có xu hướng giảm; từ đó quan tâm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho địa phương về công tác giải phóng mặt bằng, tái định cư, môi trường, cải tạo chỉnh trang đô thị…
Vân Anh (T/h)