Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Đề xuất CSGT mặc thường phục giám sát tình hình giao thông: Những ý kiến trái chiều

(DS&PL) -

Mới đây, Bộ Công an đã đề xuất CSGT được mặc thường phục để giám sát tình hình giao thông. Tuy nhiên, dự thảo nhận về những ý kiến trái chiều về tính công khai, minh bạch của lực lượng cảnh sát trong quá trình làm nhiệm vụ.

Mới đây, Bộ Công an đã công bố dự thảo lần 2 Thông tư quy định về nhiệm vụ, quyền hạn, hình thức, nội dung, quy trình tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm hành chính về giao thông đường bộ của Cảnh sát giao thông (CSGT) để lấy ý kiến trong 2 tháng, từ giữa tháng 10.

Nội dung dự thảo nêu một số vấn đề nổi bật như, Bộ Công an đề xuất lực lượng CSGT được bố trí cán bộ mặc thường phục để dùng thiết bị nghiệp vụ giám sát tình hình giao thông, phát hiện người vi phạm. Khi phát hiện, CSGT mặc thường phục báo ngay cho lực lượng kiểm soát công khai mặc trang phục công an, đeo số hiệu xử lý…

Đề xuất ngay sau đó đã nhận về những ý kiến trái chiều từ phía người dân cũng như giới chuyên gia.

CSGT mặc thường phục giám sát vi phạm giao thông là chuyện bình thường?

Nêu quan điểm về vấn đề trân, luật sư Lê Cao (Đoàn Luật sư TP Đà Nẵng) cho biết việc CSGT mặc thường phục để giám sát, thu thập chứng cứ vi phạm giao thông là điều bình thường. Theo luật sư, lâu nay, các máy “bắn” tốc độ, các phương tiện camera hình ảnh ghi lại các chứng cứ vi phạm không phải người tham gia giao thông nào cũng có thể nhìn thấy. Do đó, CSGT có các nhiệm vụ đặc thù như vậy có thể mặc thường phục và thực hiện các công việc theo quy định của pháp luật.

Tuy nhiên, luật sư Cao nhấn mạnh việc CSGT thực hiện tuần hành, kiểm tra, giám sát giao thông, tiếp xúc trực tiếp với người dân trên các tuyến giao thông thì bắt buộc phải mang quân phục để đảm bảo việc nhận diện người thi hành công vụ, đồng thời thể hiện sự uy nghiêm của pháp luật.

Đồng ý kiến với luật sư Cao, luật sư Diệp Năng Bình, trưởng VPLS Tinh Thông Luật cho rằng CSGT mặc thường phục giám sát tình hình giao thông là đúng quy định pháp luật. Căn cứ khoản 1 Điều 11 Thông tư 65/2020/TT-BCA có quy định “Một bộ phận CSGT mặc thường phục để vận hành, sử dụng phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ, giám sát tình hình trật tự, an toàn về giao thông, phát hiện các hành vi vi phạm pháp luật về giao thông đường bộ và hành vi vi phạm pháp luật khác. Khi phát hiện vi phạm phải thông báo ngay cho bộ phận tuần tra, kiểm soát công khai để tiến hành kiểm soát, xử lý theo quy định của pháp luật. Theo đó, CSGT có thể mặc thường phục để thực hiện “bắn” tốc độ. Việc mặc thường phục phải ghi rõ trong kế hoạch tuần tra, kiểm soát.

Từ trước đến nay xảy ra nhiều trường hợp những kẻ phạm tội mặc quân phục, mạo danh công an khiến người dân rất khó để nhận biết. Bộ phận người dân đặt câu hỏi liệu CSGT mặc thường phục thì làm sao để dân nhận biết được và tránh bị kẻ gian lợi dụng?

Chia sẻ về vấn đề này, luật sư Cao cho rằng việc CSGT mặc thường phục khi phát hiện lỗi vi phạm cần có trách nhiệm báo ngay cho những người có trách nhiệm tuần tra, kiểm tra các cá nhân vi phạm, tránh trường hợp mặc thường phục và tiếp xúc với người dân. Quy trình làm nhiệm vụ cần có sự phối hợp giữa các bộ phận để đảm bảo tính minh bạch trong quá trình làm nhiệm vụ.

Đề xuất CSGT mặc thường phục xử lý vi phạm

 

Mặc thường phục khi làm nhiệm vụ có thể phát sinh những tiêu cực, hệ lụy xã hội?

Sau khi dự thảo được công bố, bộ phận đông đảo người dân đã bày tỏ ý kiến không ủng hộ. Trên các diễn đàn giao thông, nhiều người cho rằng việc mặc thường phục không đảm bảo tính minh bạch. Bên cạnh đó, nhiều bạn đọc cho rằng rất khó để phân biệt, giám sát CSGT khi mặc thường phục. 

Một ban đọc tên Hà cho hay: “Chỉ nên áp dụng khi công an truy bắt tội phạm chứ không nên áp dụng trong khi làm nhiệm vụ gìn giữ trật tự an toàn giao thông. Hơn nữa, việc mặc trang phục làm tăng sự uy nghiêm của CSGT trong mắt người dân”. Trong khi đó, bạn đọc tên Hoàng bày tỏ quan điểm, nên lắp hệ thống camera và áp dụng hình thức phạt nguội để tránh các tiêu cực, hệ lụy không đáng có.

Trong khi đó, Chia sẻ với PV Tạp chí Đời sống & Pháp luật, tiến sĩ, luật sư Đăng Văn Cường (Đoàn luật sư TP Hà Nội) cho rằng, không nên áp dụng quy định CSGT hóa trang để xử lý vi phạm bởi đây không phải là chức năng, nhiệm vụ chủ yếu. Theo đó, nhiệm vụ chính của CSGT là đảm bảo giao thông thông suốt, điều hành giao thông, xử lý các sự cố, tai nạn để đảm bảo trật tự, an toàn giao thông. Điều này đã được quy định tại Điều 7 Thông tư 65/2020/TT-BCA về nhiệm vụ của CSGT, Điều 8 Thông tư 65/2020/TT-BCA về quyền hạn của CSGT và Điều 3 Thông tư 65/2020/TT-BCA về thực hiện nhiệm vụ xử phạt hành chính trong giao thông.

Theo luật sư Cường, thời gian qua không ít trường hợp CSGT đã vi phạm tác phong, có những hành vi thiếu chuẩn mực, thậm chí vi phạm pháp luật trong quá trình thực hiện nhiệm vụ tuần tra, kiểm soát, phát hiện và xử lí vi phạm giao thông. Chính vì thế, khi thực hiện nhiệm vụ thì CSGT phải mặc cảnh phục, đeo biển tên, thậm chí phải ghi hình để người dân có thể tiện trong việc giám sát. Trên thực tế, nhiều trường hợp CSGT làm trái quy định pháp luật đã được phát hiện và xử lý thông qua quá trình giám sát của người dân.

“Quy định về CSGT được quyền hóa trang để mật phục, bắt giữ, xử lý các trường hợp vi phạm giao thông là không cần thiết, dễ phát sinh tranh chấp, xung đột và tiêu cực xã hội. Khi CSGT mặc thường phục mà xử lý vi phạm rất dễ xảy ra việc chống người thi hành công vụ. Bên cạnh đó, nếu CSGT xử lý vi phạm giao thông mà có xảy ra việc thỏa thuận ngầm để nhận tiền thì sẽ rất khó phát hiện”, luật sư Cường nêu quan điểm.

Đề xuất thay thế

Trên các diễn đàn giao thông, nhiều người cho rằng Việt Nam nên áp dụng việc lắp camera, hình ảnh giám sát. Ở các nước phát triển, rất ít khi CSGT ra đường để thực hiện nhiệm vụ. Bên cạnh đó, nhiệm vụ chủ yếu của CSGT là điều tiết giao thông, giải quyết các sự cố, các vụ tai nạn. Còn về xử phạt vi phạm hành chính thì nên thực hiện việc phạt nguội để giảm bớt các tiêu cực và đảm bảo công bằng cho xã hội.

Ngoài ra, việc CSGT lập biên bản, xử phạt trên các tuyến đường có thể khiến tình trạng giao thông trở nên ùn tắc hơn. Việc hiện đại hóa hoạt động thực thi công vụ của CSGT là rất cần thiết để đảm bảo tính chuyên nghiệp, văn minh, an toàn và giảm thiểu tiêu cực có thể phát sinh trong quá trình thực hiện nhiệm vụ.

Văn Phong

Tin nổi bật