Mới đây, một bé trai 13 tuổi ở Đài Loan (Trung Quốc) được chẩn đoán mắc gan nhiễm mỡ ở mức trung bình sau kỳ nghỉ hè dài ngày. Trong suốt thời gian nghỉ, cậu bé gần như dành hơn 10 giờ mỗi ngày để chơi game và xem video trên điện thoại.
Theo thông tin từ Tạp chí Thanh niên Việt, bác sĩ chuyên khoa nội tiết - giảm cân cho trẻ em Vương Lục Đình, người trực tiếp điều trị cho biết, bệnh nhi cao 1m60, nặng 72kg, ngoài thời gian ngủ, hầu như đều cắm mặt vào màn hình điện thoại. Kết quả xét nghiệm ghi nhận chỉ số ALT (chức năng gan) tăng vọt lên 72 U/L (mức bình thường dưới 45), triglyceride 160 mg/dL, đồng thời xuất hiện đề kháng insulin - dấu hiệu cảnh báo rối loạn chuyển hóa sớm.
Trường hợp trên không phải là cá biệt. Theo bác sĩ Vương, một nghiên cứu gần đây đã chỉ ra rằng trẻ em và thanh thiếu niên sử dụng thiết bị điện tử quá 5 giờ mỗi ngày có nguy cơ mắc gan nhiễm mỡ cao gấp 2,1 lần so với nhóm sử dụng ít hơn. Lý do chính là lối sống ít vận động, thói quen ngồi lâu và chế độ ăn uống thiếu cân đối đang trở thành "chuẩn mực mới" trong nhiều gia đình, âm thầm đẩy trẻ em đến gần hơn với nguy cơ béo phì và tổn thương gan.
Dành hơn 10 giờ mỗi ngày để chơi điện thoại, bé trai 13 tuổi mắc gan nhiễm mỡ. Ảnh minh họa.
Cách phòng tránh bệnh gan nhiễm mỡ ở trẻ em
Theo báo Lao động, Tiến sĩ Anurag Shrimal, Cố vấn cấp cao - Phẫu thuật ghép gan và tụy, Cố vấn chính - Nhi khoa và phẫu thuật ghép tụy, tại Bệnh viện toàn cầu Mumbai (Ấn Độ) cho biết, bệnh gan nhiễm mỡ không do rượu ở trẻ em (NAFLD) đang ngày càng trở nên phổ biến, chủ yếu do lối sống không lành mạnh, đặc biệt là chế độ ăn uống nhiều đường và ít vận động. Bệnh được đặc trưng bởi sự tích tụ chất béo trong tế bào gan, từ đó có thể dẫn đến viêm và tổn thương gan nghiêm trọng nếu không được kiểm soát kịp thời.
Duy trì chế độ dinh dưỡng hợp lý
Giảm đường và chất béo xấu: Hạn chế cho trẻ ăn các thực phẩm chứa nhiều đường, mỡ động vật, thực phẩm chiên rán và thức ăn nhanh.
Tăng cường rau xanh và trái cây tươi: Cung cấp vitamin, khoáng chất và chất xơ giúp gan hoạt động hiệu quả và hỗ trợ quá trình chuyển hóa chất béo.
Cân đối khẩu phần ăn: Đảm bảo trẻ có bữa ăn đủ chất nhưng không dư thừa năng lượng dẫn đến béo phì, yếu tố nguy cơ cao của gan nhiễm mỡ.
Khuyến khích vận động thể chất thường xuyên
Tăng thời gian vận động: Cho trẻ chơi thể thao, tham gia các hoạt động ngoài trời như đạp xe, đá bóng, bơi lội... ít nhất 60 phút mỗi ngày.
Giảm thời gian ngồi một chỗ: Hạn chế trẻ sử dụng điện thoại, máy tính bảng, xem tivi quá nhiều. Các thói quen này góp phần gây béo phì và giảm chuyển hóa mỡ trong gan.
Theo dõi cân nặng và chỉ số cơ thể
Kiểm tra định kỳ: Theo dõi cân nặng, chiều cao, chỉ số BMI (chỉ số khối cơ thể) để phát hiện sớm nguy cơ thừa cân, yếu tố làm tăng nguy cơ gan nhiễm mỡ.
Tham khảo ý kiến bác sĩ: Khi thấy trẻ có dấu hiệu tăng cân nhanh, béo bụng, ăn nhiều đồ ngọt hoặc mệt mỏi thường xuyên, nên đưa trẻ đi khám để kiểm tra chức năng gan và điều chỉnh chế độ sinh hoạt.
Hạn chế sử dụng thuốc bừa bãi
Không tự ý dùng thuốc: Nhiều loại thuốc (đặc biệt là thuốc chứa corticoid, kháng sinh mạnh) có thể gây hại cho gan nếu sử dụng không đúng cách. Chỉ nên dùng thuốc khi có chỉ định của bác sĩ.
Tạo thói quen sinh hoạt lành mạnh
Ngủ đủ giấc và đúng giờ: Thiếu ngủ hoặc thức khuya thường xuyên có thể làm rối loạn chuyển hóa mỡ trong gan.
Uống đủ nước: Giúp gan đào thải độc tố tốt hơn, hỗ trợ chức năng gan.