Theo báo Đại Biểu Nhân Dân, Bệnh viện Sản phụ Hà Nội thông tin, trường hợp sản phụ N.T.N.T (25 tuổi, Hà Nội) được phát hiện thai tăng cân chậm rõ từ tuần 30. Tuy nhiên, các chỉ số doppler và vận động thai vẫn trong giới hạn cho phép nên người bệnh được hẹn tái khám sát để theo dõi kỹ sự phát triển của thai nhi.
Tới tuần 36, trong một lần khám định kỳ, bác sĩ phát hiện tim thai dao động kém khi theo dõi bằng máy monitoring. Sản phụ được nhập viện ngay trong tối và theo dõi sát tại khoa Sản bệnh A4 của bệnh viện.
Qua thăm khám, có thời điểm biểu đồ tim thai bình thường nhưng cũng có lúc dao động kém, không ổn định. Sau 4 ngày, ghi nhận tim thai có nhịp chậm, bác sĩ CKI Bùi Chí Dũng – khoa Phụ A5 đã hội chẩn cùng TS.BS Đỗ Tuấn Đạt – Trưởng khoa Sản bệnh A4 và quyết định chỉ định mổ lấy thai cấp cứu nhằm đảm bảo an toàn tối đa cho cả mẹ và bé.
Dây rốn dài khoảng 1m, gấp đôi bình thường và xoắn vặn nhiều vòng. Ảnh: Đại Biểu Nhân Dân
Ca mổ thành công, bé gái chào đời nặng 2,3kg. Khi phẫu thuật, các bác sĩ phát hiện dây rốn bất thường: Dài khoảng 1m, gấp đôi bình thường và xoắn vặn nhiều vòng. Đây là yếu tố nguy cơ cao có thể làm giảm lưu lượng máu qua bánh rau, cản trở trao đổi oxy, dinh dưỡng giữa mẹ và thai nhi - nguyên nhân dẫn tới thai lưu.
May mắn thay, chính độ dài bất thường này đã giúp dây rốn chưa bị xoắn chặt hoàn toàn. Bởi nếu dây rốn ngắn hơn, các vòng xoắn siết nhanh, chặt hơn sẽ gây tắc dòng máu nuôi thai, dẫn đến hậu quả nghiêm trọng trước khi can thiệp.
Bác sĩ Bệnh viện Phụ sản Hà Nội cho biết, trường hợp đặc biệt này một lần nữa cho thấy tầm quan trọng của việc theo dõi sát sao và phát hiện sớm các dấu hiệu bất thường trong thai kỳ. Đây là yếu tố then chốt giúp cứu thai kịp thời.
Nếu những dấu hiệu như thai nhi đạp ít hơn bình thường, không đạp, sản phụ cần đi khám sớm để tránh những hậu quả nghiêm trọng.
Theo VietNamNet, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội ngày 27/7 cho biết trong tuần từ ngày 18/7 - 25/7, toàn thành phố ghi nhận 72 trường hợp mắc sốt xuất huyết tại 38/126 phường, xã, tăng gấp đôi so với tuần trước. Cộng dồn từ đầu năm đến nay, Thủ đô ghi nhận 475 ca mắc, rải rác tại 100/126 phường, xã với 15 ổ dịch.
Hiện toàn thành phố còn 7 ổ dịch sốt xuất huyết đang hoạt động, trong đó có ổ dịch tại tổ 12 Kiều Mai, Xuân Phương (ghi nhận 8 bệnh nhân); thôn Song Khê, Tam Hưng, Tây Hồ (mỗi nơi 2 ca); Hát Môn, Vĩnh Tuy, Phượng Dực (mỗi ổ dịch 1 ca)...
So với năm trước, số ca mắc sốt xuất huyết giảm mạnh (cùng kỳ năm 2024 ghi nhận hơn 1.400 ca). Hà Nội chưa có trường hợp tử vong vì căn bệnh này. Dù vậy, CDC Hà Nội nhận định, số ca mắc đang có xu hướng tăng, đặc biệt kết quả giám sát các ổ dịch cho thấy chỉ số côn trùng ở ngưỡng nguy cơ cao.
Từ đầu năm đến ngày 8/7, cả nước ghi nhận hơn 32.000 ca sốt xuất huyết. Ảnh minh họa: Pexels
Từ đầu năm đến ngày 8/7, cả nước ghi nhận hơn 32.000 ca sốt xuất huyết. Bộ Y tế cho biết, bước vào mùa mưa, tình hình dịch sốt xuất huyết có chiều hướng gia tăng.
Hiện miền Bắc đã vào mùa nóng ẩm, mưa nhiều, là thời điểm bắt đầu của dịch sốt xuất huyết lan rộng. Dự báo, tới đây số ca mắc có thể tiếp tục tăng do đã bắt đầu bước vào các tháng cao điểm của bệnh.
Phía Nam đang vào mùa mưa, cao điểm của dịch bệnh sốt xuất huyết khi số ca mắc, số ca nặng, sốc sốt xuất huyết gia tăng... Một số địa phương ghi nhận số bệnh nhân tăng cao, đột biến so với cùng kỳ như TP.HCM tăng 158%, 10 ca tử vong.
Đặc điểm của sốt xuất huyết dengue là sốt cao, xuất huyết và thoát huyết tương, có thể dẫn đến sốc giảm thể tích tuần hoàn, rối loạn đông máu, suy tạng, nếu không được chẩn đoán sớm, xử trí kịp thời dễ dẫn đến tử vong.
Giai đoạn nguy hiểm của bệnh thường vào ngày thứ 3-7, người bệnh có thể còn sốt hoặc đã giảm sốt. Khi đó, bệnh nhân có thể có các biểu hiện đau bụng nhiều và liên tục hoặc tăng cảm giác đau nhất ở vùng gan kèm nôn.
Bệnh nhân có hiện tượng thoát huyết tương, tràn dịch màng phổi có thể gây suy hô hấp; phù nề mi mắt. Nếu thoát huyết tương nhiều thì sẽ dẫn đến sốc với các biểu hiện vật vã, bứt rứt hoặc li bì, lạnh đầu chi, mạch nhanh nhỏ, huyết áp kẹt hoặc tụt huyết áp…
Một số bệnh khác cũng ghi nhận thêm ca bệnh ở Hà Nội như tay chân miệng (thêm 88 ca). Cộng dồn năm 2025 ghi nhận 3.293 trường hợp, chưa có ca tử vong. So với cùng kỳ năm 2024, số ca mắc tăng gần gấp đôi (năm 2024 có 1.710 ca).
Số ca mắc tay chân miệng trong tuần có xu hướng tăng nhưng hầu hết là ca bệnh tản phát, không ghi nhận ổ dịch phức tạp, theo nhận định của CDC.
Về bệnh sởi, Hà Nội ghi nhận 28 trường hợp mắc tại 21 phường, xã, tăng 8 trường hợp so với tuần trước. Cộng dồn năm 2025 ghi nhận 4.295 trường hợp mắc tại 125 phường, xã, 1 ca tử vong. Độ tuổi có số bệnh nhân sởi nhiều nhất là từ 1-5 tuổi (hơn 20%); 18,6% bệnh nhân trên 16 tuổi, thấp nhất là từ 9-11 tháng (7,8%).
Báo Lao Động đưa tin, theo Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật Hà Nội, thành phố ghi nhận trường hợp thứ 6 mắc liên cầu lợn trong năm nay.
Nam bệnh nhân (38 tuổi, trú tại Phú Nghĩa, Hà Nội) là công nhân chế biến tóp mỡ, hàng ngày đi làm tại xưởng sản xuất chế biến tóp mỡ ở gần nhà, trong quá trình làm việc bị đứt tay, vài ngày sau mắc bệnh liên cầu lợn.
Bệnh nhân có dấu hiệu khởi phát sốt cao, đau đầu và buồn nôn vào ngày 16/7. Sau đó, người đàn ông này được đưa đi cấp cứu tại Bệnh viện Đa khoa Hà Đông, nhận chẩn đoán dương tính với vi khuẩn Streptococcus suis - bệnh liên cầu lợn qua xét nghiệm dịch não tủy. Hiện tại, sức khỏe của người bệnh đã ổn định nhờ được điều trị tích cực.
Biểu hiện của người bệnh mắc bệnh liên cầu lợn. Ảnh: Lao Động
Theo bác sĩ Lê Sơn Việt, khoa Cấp cứu, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương (Hà Nội), liên cầu lợn là loại vi khuẩn có thể gây nhiễm trùng nặng, thường khởi phát trong vòng 24-72 giờ sau khi xâm nhập cơ thể. Sau một ngày từ lúc xuất hiện triệu chứng đầu tiên như sốt, đau bụng, tiêu chảy, bệnh có thể tiến triển rất nhanh đến sốc nhiễm trùng, hoại tử và suy đa tạng.
Tiêu thụ thịt lợn sống hoặc chưa nấu chín, đặc biệt ăn tiết canh, lòng non tái được xem là con đường phổ biến và nguy hiểm dẫn đến nhiễm liên cầu lợn.
Mặc dù đã có nhiều khuyến cáo về việc phòng chống bệnh liên cầu lợn ở người nhưng các bệnh viện tuyến cuối của cả nước vẫn thường xuyên ghi nhận một số trường hợp nhiễm bệnh.
Để phòng bệnh liên cầu lợn, người dân nên sử dụng thịt có nguồn gốc rõ ràng, đã được kiểm dịch. Tuyệt đối không ăn tiết canh hay các sản phẩm từ thịt lợn chưa được nấu chín kỹ.
Lợn ốm, chết phải chôn, đổ thuốc sát khuẩn và tiêu hủy. Môi trường chăn nuôi phải phun thuốc sát khuẩn, khử khuẩn, để trống chuồng 2 tuần mới nuôi lợn trở lại.
Khi có bất kỳ biểu hiện bất thường nào như sốt, đau đầu, buồn nôn, tiêu chảy, người dân cần đến ngay cơ sở y tế để được kiểm tra, điều trị kịp thời.