Đóng

Tin tức đời sống 27/7: Hành trình 103 ngày cứu em bé sinh cực non chỉ nặng 550g

  • Đinh Kim (T/h)
(DS&PL) -

Hành trình 103 ngày cứu em bé sinh cực non chỉ nặng 550g; Phát hiện con vắt dài 8cm đang bò trong hốc mũi người đàn ông… là tin tức đời sống mới nóng ngày 27/7.

Hành trình 103 ngày cứu em bé sinh cực non chỉ nặng 550g

Theo báo Sức Khỏe & Đời Sống, khoa Sơ sinh Bệnh viện Sản Nhi tỉnh Phú Thọ vừa điều trị và nuôi dưỡng thành công một bé gái sinh cực non ở tuần thai thứ 24, chỉ nặng 550 gram.

Bé gái là con của sản phụ H.T.T.M (Cẩm Khê, Phú Thọ). Ngày 12/4/2025, khi thai kỳ ở tuần thứ 24, chị M. bất ngờ chuyển dạ và sinh thường một bé gái nặng 550 gram. Sau sinh, bé không khóc, toàn thân tím tái, phản xạ kém.

Các bác sĩ khoa Sơ sinh đã cấp cứu đặt ống nội khí quản ngay tại phòng sinh, hỗ trợ thông khí, ủ ấm và chuyển bé đến đơn nguyên Hồi sức tích cực - khoa Sơ sinh để tiếp tục điều trị.

Nhận định đây là trường hợp sơ sinh cực non tháng, nhẹ cân, suy hô hấp rất nặng và nguy cơ tử vong cao, các bác sĩ đã khẩn trương thực hiện các phương pháp hồi sức tích cực.

Bệnh nhi được nằm lồng ấp, thở máy chỉ số cao, thăm dò cận lâm sàng tại chỗ, bơm Surfactant thay thế, đặt huyết áp động mạch xâm lấn và đặt catheter tĩnh mạch trung tâm để truyền thuốc vận mạch, dịch nuôi dưỡng, và điều chỉnh rối loạn toan kiềm.

Bác sĩ CKII Nguyễn Đức Hậu – Trưởng khoa Sơ sinh, thăm khám cho bệnh nhi. Ảnh: Sức Khỏe & Đời Sống

Bác sĩ CKII. Nguyễn Đức Hậu – Trưởng khoa Sơ sinh cho biết: "Các bé sinh non tháng thường tiềm ẩn nhiều nguy cơ như hạ thân nhiệt, suy hô hấp, xuất huyết não và phổi, viêm ruột hoại tử, nhiễm khuẩn, rối loạn chuyển hoá, tan máu vàng da... Em bé này cực kỳ non yếu, cẳng chân bé chỉ bằng ngón tay út người lớn, da rất mỏng.

Do đó, chúng tôi xác định hành trình điều trị sẽ rất gian nan, đòi hỏi sự tỉ mỉ, cẩn thận và nhẹ nhàng trong từng thao tác. Các bác sĩ phải cân nhắc từng loại thuốc, từng mililit dịch nuôi dưỡng, đảm bảo nhiệt độ và độ ẩm để tránh hạ thân nhiệt, mất nước, và luôn kiểm soát chặt chẽ vấn đề nhiễm khuẩn”.

Những ngày đầu sau sinh, bệnh nhi luôn trong tình trạng nguy kịch: suy hô hấp tăng, xuất hiện nhiều cơn tím tái, giảm nhịp tim, bão hòa oxy, rối loạn đường huyết. Bé được hội chẩn, thay thuốc và tiếp tục thở máy chỉ số rất cao theo phác đồ điều trị tích cực.

Sau 5 ngày thở máy với chỉ số cao, tình trạng của trẻ tiến triển tốt và chỉ số máy thở được giảm dần. Đến ngày điều trị thứ 14, các chỉ số máy thở giảm về mức tối thiểu.

Ngày điều trị thứ 21, cân nặng của trẻ bắt đầu tăng lên, đạt 650 gram. Bé chỉ còn thở máy chỉ số thấp, đã có nhịp tự thở đều, dịch dạ dày bắt đầu trong và được thử cho ăn sữa mẹ. Quá trình chăm sóc luôn được thực hiện rất nhẹ nhàng, cẩn thận, tỉ mỉ do trẻ quá non yếu, da mỏng và đường ven rất bé.

Ngày điều trị thứ 28, trẻ được rút ống nội khí quản, thở máy áp lực dương. Bé tiêu hóa tốt sữa mẹ qua từng bữa, cân nặng đạt 700 gram. Đến ngày điều trị thứ 40, trẻ đã ăn được khoảng 12-13ml sữa mẹ (qua sonde) mỗi bữa, cân nặng đạt 800 gram và tiếp tục duy trì phác đồ điều trị.

Sau 80 ngày điều trị, tình trạng trẻ tiến triển tốt, đã cai được máy thở và chuyển sang thở oxy. Lúc này, cân nặng của trẻ đạt 1700 gram. Với những tiến triển tích cực này, trẻ được ra ghép mẹ, bắt đầu tập bú mẹ và thực hiện phương pháp Kangaroo (đặt trẻ nằm tiếp xúc da kề da trên ngực mẹ). Phương pháp này giúp trẻ tránh các cơn ngừng thở sinh lý, điều hòa nhịp tim, hỗ trợ phát triển não bộ, tránh nhiễm khuẩn sơ sinh và trào ngược dạ dày - thực quản.

Ngày 23/7/2025, sau 103 ngày nỗ lực điều trị, chăm sóc, nuôi dưỡng, cân nặng trẻ đạt 2000 gram. Bé đã hoàn toàn có khả năng tự thở, ăn sữa và tự bú tốt, sức khỏe ổn định và được xuất viện.

Được biết, đây  không phải là trường hợp đầu tiên bệnh viện cứu sống trẻ sinh cực non ở tuần thai này. Trước đó, vào tháng 2/2024, một bé gái khác cũng sinh ở tuần 24, nặng 550 gram đã được nuôi dưỡng thành công, trở thành em bé sinh non nhẹ cân nhất được cứu sống tại Phú Thọ và là một trong số rất ít trường hợp tương tự trên toàn quốc.

Theo thống kê tại khoa Sơ sinh Bệnh viện Sản Nhi tỉnh Phú Thọ, từ đầu năm 2025 đến nay, khoa đã tiếp nhận và điều trị thành công gần 300 trường hợp trẻ sơ sinh non tháng, trong đó tỷ lệ trẻ sinh cực non (trước tuần 28 thai kỳ) chiếm 7,2%.

Để giảm thiểu nguy cơ sinh non, các bác sĩ khuyến cáo các bà mẹ cần chăm sóc thai kỳ cẩn thận, xây dựng chế độ dinh dưỡng cân bằng, hợp lý, và khám thai định kỳ theo hướng dẫn của bác sĩ. Điều này giúp phát hiện và kiểm soát kịp thời các tình trạng nhiễm trùng, huyết áp và các bệnh lý khác, tránh ảnh hưởng đến thai nhi.

Phát hiện con vắt dài 8cm đang bò trong hốc mũi người đàn ông

Theo TTXVN, ngày 26/7, Bệnh viện Bình Định (Gia Lai) cho biết đã tiến hành gắp thành công một con vắt sống dài khoảng 8cm ra khỏi mũi bệnh nhân Đ.V.H (53 tuổi, trú xã An Lão, tỉnh Gia Lai). Hiện sức khoẻ bệnh nhân đã ổn định, thể trạng tốt.

Trước đó, bệnh nhân đến viện trong tình trạng mũi chảy máu kéo dài không rõ nguyên nhân, kèm theo khó thở, hốc mũi phù nề và chảy nhiều máu tươi. Qua thăm khám và nội soi, bác sĩ phát hiện một con vắt đang bò trong hốc mũi - dị vật hiếm gặp nhưng rất nguy hiểm nếu không xử trí kịp thời.

Ngay lập tức, kíp trực đã tiến hành ca nội soi và gắp thành công con vắt dài 8cm. Sau can thiệp, bệnh nhân đã hết chảy máu, dễ thở và sức khỏe dần ổn định.

Bác sĩ thực hiện ca gắp con vắt trong hốc mũi của người bệnh. Ảnh: TTXVN

Theo bác sĩ CKI Lê Đình Hướng - khoa Tai Mũi Họng, người trực tiếp thực hiện nội soi cho biết: “Chúng tôi phát hiện một con vắt còn sống đang di chuyển trong hốc mũi. Đây là một trường hợp hiếm gặp nhưng cực kỳ nguy hiểm.

Vắt rừng khi chui vào mũi, chúng bám chặt vào niêm mạc bằng giác hút và tiết ra chất chống đông máu, khiến người bệnh không cảm thấy đau rõ rệt, rất khó phát hiện. Nếu để lâu, con vật có thể gây mất máu nghiêm trọng, nhiễm trùng, thậm chí chui xuống khí phế quản gây tắc đường thở, đe dọa tính mạng người bệnh”.

Theo lời kể của ông Đ.V.H, khoảng một tuần trước ông có vào rừng và uống nước trực tiếp từ khe suối. Sau đó xuất hiện triệu chứng chảy máu mũi kéo dài nhưng không cảm thấy đau rõ rệt. Ông đã đi khám tại cơ sở y tế tư nhân ở Hoài Nhơn nhưng không phát hiện nguyên nhân rõ ràng.

Thêm 2 ca mắc liên cầu khuẩn lợn biến chứng viêm màng não, mất thính lực

VietnamPlus đưa tin, khoa Nhiễm khuẩn tổng hợp, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương vừa tiếp nhận và điều trị hai bệnh nhân nam mắc liên cầu khuẩn lợn (Streptococcus suis) với biểu hiện viêm màng não, nhiễm khuẩn huyết, kèm biến chứng giảm thính lực - điếc dẫn truyền - một trong những di chứng nặng nề, thường gặp nhất và không thể hồi phục của bệnh.

Bệnh nhân N.V.P (62 tuổi, trú tại Bắc Ninh), có tiền sử thường xuyên ăn nem làm từ thịt lợn sống và tiết canh; gia đình có chăn nuôi lợn. Khoảng 10 ngày trước khi nhập viện, ông xuất hiện sốt cao 39-40 độ C, đau đầu dữ dội, buồn nôn và nôn.

Ban đầu, ông tự điều trị tại nhà bằng cách tiêm truyền dịch, triệu chứng chỉ thuyên giảm tạm thời. Tuy nhiên, sốt và đau đầu tái phát dai dẳng buộc ông phải đến cơ sở y tế, sau đó được chuyển tiếp đến Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương với chẩn đoán viêm màng não, nhiễm khuẩn huyết do liên cầu khuẩn lợn.

Ths.Bs Trần Văn Long, khoa Nhiễm khuẩn tổng hợp, cho biết khi nhập viện, bệnh nhân P. trong tình trạng kích thích, vật vã, sốt cao từng cơn, buồn nôn, nôn, cứng gáy - các dấu hiệu điển hình của viêm màng não. Sang ngày thứ hai điều trị, bệnh nhân mất thính lực, da và niêm mạc xung huyết.

Kết quả cấy dịch não tủy cho thấy nhiễm Streptococcus suis. Ngoài ra, bệnh nhân còn có tổn thương Herpes vùng môi, xuất hiện trong bối cảnh suy giảm miễn dịch do nhiễm trùng nặng. Sau 12 ngày điều trị tích cực, tình trạng bệnh nhân đã cải thiện rõ rệt: hết sốt, dịch não tủy trong trở lại, các chỉ số nhiễm trùng ổn định.

Điều trị cho người bệnh mắc liên cầu khuẩn lợn ở Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương. Ảnh: VietnamPlus

Một trường hợp khác là bệnh nhân L.V.N (54 tuổi, trú tại Lào Cai), có tiền sử ăn lòng lợn, tiết canh cách thời điểm khởi phát bệnh một tuần. Một tuần sau đó, ông xuất hiện sốt, rét run, đau đầu và được điều trị tại bệnh viện địa phương với chẩn đoán nhiễm khuẩn huyết do S. suis.

Tuy nhiên, tình trạng không cải thiện, bệnh nhân tiếp tục sốt cao, đau đầu, buồn nôn nôn, cứng gáy, ù tai, viêm phổi nên được chuyển đến Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương.

Bác sĩ Lê Văn Thiệu, khoa Nhiễm khuẩn tổng hợp, cho biết xét nghiệm cho thấy bạch cầu tăng gấp đôi giới hạn bình thường, CRP (chỉ số nhiễm trùng) cao gấp 10 lần, tế bào trong dịch não tủy tăng tới 1.370 tế bào/mm3, nồng độ protein trong dịch não tủy tăng gấp 6 lần bình thường, nồng độ glucose giảm sâu chỉ còn 0,54 mmol/L (gần ngưỡng kiệt đường), tỷ lệ bạch cầu trung tính chiếm tới 93%, vi khuẩn nhuộm soi dịch não tủy: Cầu khuẩn Gram (+), được chẩn đoán: Nhiễm khuẩn huyết có viêm màng não do liên cầu lợn cho thấy bệnh nhân bị viêm màng não do S. suis kèm tổn thương dây thần kinh thính giác, dẫn truyền âm thanh bị gián đoạn hoặc mất hoàn toàn.

“Viêm màng não và nhiễm khuẩn huyết là hai biểu hiện lâm sàng điển hình khi con người bị nhiễm liên cầu khuẩn lợn. Trong đó, mất thính lực là biến chứng thường gặp nhất và không thể hồi phục,” bác sĩ Lê Văn Thiệu nhấn mạnh.

Bác sĩ Lê Văn Thiệu cảnh báo bệnh liên cầu khuẩn lợn ở người có thể diễn tiến rất nhanh. Trường hợp nhẹ có thể nhiễm khuẩn huyết, viêm phổi, nặng có thể có viêm màng não kèm theo mất thính lực; trường hợp rất nặng có thể dẫn đến sốc nhiễm khuẩn, suy đa cơ quan và tử vong nếu không được chẩn đoán và điều trị sớm.

Theo bác sĩ Thiệu, hiện chưa có vaccine phòng bệnh. Vì vậy, phòng bệnh là biện pháp quan trọng nhất.

Người dân cần tuyệt đối không ăn tiết canh, nem chưa đủ ngày chưa đủ độ chua, thịt lợn chưa được nấu chín kỹ hoặc các sản phẩm chế biến không đảm bảo vệ sinh.

Đồng thời, tránh giết mổ, chế biến lợn ốm hoặc nghi mắc bệnh nếu không có bảo hộ lao động. Khi có biểu hiện nghi ngờ như sốt cao, đau đầu, ù tai, buồn nôn..., cần đến ngay cơ sở y tế để được thăm khám, điều trị kịp thời, tránh các biến chứng nguy hiểm.

“Mặc dù Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương đã nhiều lần phát đi cảnh báo về căn bệnh này, nhưng thực tế cho thấy thói quen ăn uống không an toàn vẫn rất phổ biến.

Điều này khiến nguy cơ lây nhiễm liên cầu khuẩn lợn tiếp tục tái diễn, đe dọa sức khỏe và tính mạng người dân. Vì vậy, người dân cần thay đổi thói quen ăn uống và sinh hoạt, không chỉ để bảo vệ bản thân mà còn góp phần bảo vệ sức khỏe cộng đồng:, bác sĩ Thiệu nhấn mạnh.

Tin nổi bật