Theo thông tin trên báo Sức Khỏe & Đời Sống, các bác sĩ khoa Ngoại Bệnh viện Sản – Nhi tỉnh Quảng Ngãi vừa phẫu thuật thành công cho bệnh nhi 2 tuổi bị xoắn dạ dày 180 độ theo trục tạng, ca bệnh rất nguy hiểm và hiếm gặp.
Ngày 21/7, bệnh nhi vào viện cấp cứu, tình trạng đau bụng từng cơn dữ dội vùng thượng vị kèm nôn khan, chướng bụng tăng dần. Bác sĩ tiến hành siêu âm ổ bụng, chụp X-Quang và chẩn đoán bé bị xoắn dạ dày, quyết định định mổ cấp cứu.
Các bác sĩ đã tiến hành phẫu thuật tháo xoắn, khâu cố định dạ dày vào thành bụng tránh hiện tượng tái xoắn sau này. Ca phẫu thuật thành công, sức khỏe bệnh nhi ổn định và được theo dõi tại Khoa hồi sức tích cực và chống độc.
Các bác sĩ tiến hành phẫu thuật cho người bệnh. Ảnh: Sức Khỏe & Đời Sống
Chẩn đoán xoắn dạ dày khá khó khăn vì triệu chứng của bệnh tương tự các cơn đau bụng thông thường. Để đưa ra chuẩn đoán chính xác đòi hỏi bác sĩ phải có chuyên môn tốt cùng phối hợp giữa khám lâm sàng và các kết quả cận lâm sàng.
Bác sĩ CKI Phạm Xuân Duy - phẫu thuật viên ca mổ, chia sẻ trường hợp bệnh lý của bé rất hiếm, nếu không được chẩn đoán và phẫu thuật kịp thời có thể gây vỡ hoặc hoại tử toàn bộ dạ dày rồi tử vong. Nguyên nhân của bệnh là do sự bất thường hoặc lỏng lẻo của các dây chằng giữ dạ dày và các bệnh lý khác như thoát vị hoành.
Theo Báo Tin Tức và Dân Tộc, bà bà T. T. K.T (52 tuổi, ngụ Lâm Đồng) mắc bệnh viêm đa khớp dạng thấp từ năm 28 tuổi và phải liên tục sử dụng thuốc giảm đau, kháng viêm, đặc biệt là corticoid và thuốc kháng viêm non-steroid trong suốt 24 năm. Việc lạm dụng thuốc kéo dài chính là nguyên nhân dẫn đến suy thận mạn.
Khoảng năm 2020, bà T. bắt đầu xuất hiện các triệu chứng bất thường như teo cơ, phù toàn thân, mệt mỏi kéo dài, ăn uống kém. Bà được chẩn đoán suy thận mạn và phải điều trị bảo tồn. Đến năm 2023, tình trạng bệnh trở nặng, bà buộc phải chạy thận định kỳ để duy trì sự sống.
"Năm đầu tiên lọc máu, tôi bị phù người và bị tắc đường tiểu nên mỗi lần chạy thận xong người đều rất mệt mỏi và phải nằm nghỉ cho đến đợt chạy thận tiếp theo. Thấy tình hình sức khoẻ của tôi ngày yếu, cả gia đình đã họp và quyết định đi ghép thận", bà T. chia sẻ.
Gia đình bà K.T có 4 người nhưng chỉ có chị V. T. C. D (32 tuổi, con gái bà T.) là người có kết quả xét nghiệm phù hợp để hiến thận. Với tình yêu thương dành cho mẹ, chị D. không ngần ngại đã quyết định hiến tặng một quả thận để cứu mẹ.
Chia sẻ về quyết định của mình, chị D. xúc động nói: “Tôi sẵn sàng đánh đổi 10 năm tuổi thọ, miễn là mẹ được sống khỏe mạnh và không còn phải chịu những cơn đau đớn mỗi lần chạy thận”.
Bác sĩ thăm khám cho bệnh nhân trước khi xuất viện. Ảnh: Báo Tin Tức và Dân Tộc
Ngày 24/6, ca phẫu thuật ghép thận cho bà T. với quả thận được hiến tặng từ con gái đã được diễn ra tại Bệnh viện Đa khoa Xuyên Á (TP.HCM), với sự phối hợp giữa ekip Ngoại Tiết niệu của bệnh viện và các bác sĩ Bệnh viện Chợ Rẫy.
Sau hơn 5 giờ, quả thận hiến tặng bắt đầu hoạt động trong cơ thể người mẹ, bệnh nhân cũng đã có nước tiểu ngay tại bàn mổ, dấu hiệu thông báo ca ghép thận đã thành công.
Bác sĩ CKI Vũ Lệ Anh - Trưởng khoa Nội Thận Bệnh viện Đa khoa Xuyên Á, người trực tiếp điều trị cho bệnh nhân cho biết, bệnh nhân T. mắc nhiều bệnh lý nền như viêm đa khớp dạng thấp và hội chứng Cushing do thuốc, kèm theo tình trạng loãng xương, béo phì. Do đó, nguy cơ cao sẽ có nhiều vấn đề có thể xảy ra sau ghép thận như dễ nhiễm trùng, đái tháo đường.
Bệnh nhân viêm đa khớp dạng thấp, phải sử dụng thuốc thường xuyên, có thể gặp bất lợi khi thực hiện phẫu thuật. Vì vậy, trước khi mổ, ekip y tế đã nghiên cứu và điều chỉnh liều corticoid xuống mức thấp nhất có thể, nhằm kiểm soát triệu chứng đau khớp tay chân cho bệnh nhân. Sau khi phẫu thuật ghép xong, các dịch truyền cũng được điều chỉnh phù hợp để tránh tình trạng tăng đường huyết.
Sau 3 ngày phẫu thuật, chức năng thận của bệnh nhân ổn định. Đến nay, sức khỏe của cả hai mẹ con đều hồi phục tốt, bà T. đã có thể tự đi lại, ăn uống và sinh hoạt bình thường.
Theo bác sĩ Vũ Lệ Anh, hiện nay, nhiều người bệnh viêm khớp vẫn lạm dụng thuốc giảm đau mỗi ngày mà không theo dõi chức năng gan thận định kỳ. Thuốc có thể gây viêm thận kẽ cấp tính, viêm mạch thận, lâu dần dẫn tới suy thận mạn tính.
Các chuyên gia y tế khuyến cáo, người mắc các bệnh lý mạn tính không nên tự ý dùng thuốc, cần tái khám định kỳ và theo dõi sát sao chức năng thận khi điều trị lâu dài.
Đặc biệt, nếu bệnh nhân đang điều trị các bệnh lý mạn tính như viêm khớp, lupus, đái tháo đường, cần chủ động thăm khám định kỳ với bác sĩ chuyên khoa Nội Thận hoặc Cơ xương khớp để được theo dõi chức năng thận kịp thời. Đây là bài học cảnh tỉnh về việc sử dụng thuốc không đúng cách và tầm quan trọng của việc thăm khám định kỳ để bảo vệ sức khỏe.
Báo Nhân Dân đưa tin, ngày 22/7, Chi cục chăn nuôi và thú y tỉnh Đắk Lắk cho biết, trên địa bàn tỉnh vừa ghi nhận một ổ dịch cúm gia cầm A (H5N1) tại xã Ea Kuốp.
Ổ dịch cúm gia cúm A (H5N1) xảy ra tại hộ gia đình ông H.V.T (trú tại thôn 14, xã Ea Knuốp). Ông T. cho biết, gia đình ông nuôi 2.000 con gà, ngày 15/6 gia đình ông bán 1.700 con gà khỏe mạnh 130 ngày tuổi. Ngày 20/6, gia đình ông T. tiếp tục bán 200 con gà cho một người đi mua gà vịt không rõ địa chỉ.
Đến ngày 10/7, số gà còn lại khoảng 100 con trong chuồng gia đình ông T. bắt đầu xuất hiện các triệu chứng mào tái, phân loãng vàng và chết. Gia đình ông T. mang mẫu gà đi xét nghiệm và nhận kết quả dương tính với cúm A (H5N1).
Sau khi nhận kết quả, gia đình ông T. đã tiến hành tiêu hủy toàn bộ số gà bị bệnh và chết. Nhận được tin báo, Trạm chăn nuôi và thú y Ea Kar phối hợp với chính quyền xã Ea Knuốp đã nhanh chóng tiến hành kiểm tra, giám sát ổ dịch cúm gia cầm tại nhà ông T..
Quá trình kiểm tra cho thấy, hộ ông T. nuôi gà nhưng chưa tiêm phòng vaccine cúm gia cầm cho đàn gà, số gà bệnh và chết được gia đình ông T. đào hố chôn, lấp và rắc vôi trên hố, chuồng nuôi đã được rắc vôi, phun hóa chất để phòng dịch lây lan.
Các lực lượng chức năng tiến hành phun hóa chất khử trùng, xử lý môi trường chuồng trại chăn nuôi. Ảnh: Nhân Dân
Để phòng dịch bệnh lây lan, Trạm chăn nuôi và thú y Ea Kar đề nghị UBND xã Ea Knuốp thống kê số hộ chăn nuôi và số lượng gia cầm trên địa bàn thôn 14, đồng thời tuyên truyền cho những hộ chăn nuôi chủ động tiêm vaccine phòng cúm gia cầm cho vật nuôi. Đối với gia đình ông T., Trạm chăn nuôi và thú ý Ea Kar đã yêu cầu gia đình ông không tái đàn trong vòng 45 ngày.
Sau khi tiếp nhận thông tin về ổ dịch, Trung tâm kiểm soát bệnh tật tỉnh Đắk Lắk cũng đã về tiến hành lấy mẫu các thành viên trong gia đình ông T. để xét nghiệm nhằm phòng ngừa nguy cơ lây nhiễm cúm A (H5N1) từ gia cầm sang người.