Theo Báo Tin Tức và Dân Tộc, chiều 17/7, Bệnh viện Từ Dũ (TP.HCM) thông tin trường hợp thai nhi mắc dị tật tim bẩm sinh nặng, đã được can thiệp tim bào thai thành công, vừa chào đời khỏe mạnh.
Bé trai nặng 3.250g, cất tiếng khóc to và mạnh mẽ ngay khi lọt lòng, khiến toàn bộ ekip trong phòng mổ bất ngờ và xúc động. Đây là trường hợp thứ 8 được can thiệp tim bào thai thành công và chào đời khỏe mạnh tại bệnh viện.
Sản phụ P.T.B.T (36 tuổi, ngụ phường Hiệp Thành, TP.HCM) đã kết hôn 16 năm nhưng chưa từng sinh con, đã sảy thai một lần vào năm 2022. Ở tuần thai thứ 24, sản phụ siêu âm khảo sát hình thái, thì phát hiện dị tật tim bẩm sinh nặng.
Kiểm tra tại Viện Tim cho thấy thai nhi bị hẹp van động mạch phổi nặng, hở van 3 lá nặng và thiểu sản thất phải. Trong lúc hoang mang, chị tìm kiếm thông tin và biết được Bệnh viện Từ Dũ từng thực hiện thành công các ca can thiệp tim bào thai, vợ chồng chị quyết định đến bệnh viện thăm khám.
Ngày 16/4, hai vợ chồng chị T. đã đến khoa Chăm sóc trước sinh - Trung tâm Can thiệp bào thai Bệnh viện Từ Dũ thăm khám. Kết quả siêu âm tiền sản xác định thai nhi 25 tuần 1 ngày, bị bất sản van động mạch phổi, vách liên thất kín. Sau khi chọc ối, xét nghiệm không ghi nhận bất thường di truyền. Thai nhi được theo dõi sát tại Bệnh viện Từ Dũ và Bệnh viện Nhi Đồng 1.
Bé trai chào đời khỏe mạnh với cân nặng 3.250g. Ảnh: Báo Tin Tức và Dân Tộc
Bác sĩ CKI Bùi Hồng Nhu cho biết, ngày 14/5, khi thai 29 tuần 2 ngày, hội đồng chuyên môn hai bệnh viện hội chẩn và nhận định tình trạng thiểu sản thất phải có nguy cơ nặng, có thể dẫn đến thai chết lưu hoặc không thể phẫu thuật sửa chữa tuần hoàn 2 thất sau sinh. Hội đồng quyết định thực hiện can thiệp tim bào thai.
Sáng 15/5, ca can thiệp được thực hiện với gần 20 nhân viên y tế của các ekip can thiệp bào thai, gây mê hồi sức và hồi sức sơ sinh. Sau khi gây tê tủy sống cho mẹ và gây mê cho thai nhi, dưới hướng dẫn siêu âm, kim 18G được đưa vào buồng thất phải trong vòng 30 giây, tiếp đó luồn guidewire và balloon để nong van động mạch phổi. Sau can thiệp, dòng máu qua van động mạch phổi được cải thiện, không ghi nhận biến chứng.
Sau phẫu thuật can thiệp 4 giờ, huyết động mẹ ổn định, siêu âm kiểm tra tim thai nhi cho thấy các dòng máu chảy khá tốt, không có ghi nhận bất kỳ biến cố nào và chị T. được chuyển ra phòng bệnh theo dõi tiếp.
Các ngày sau can thiệp, chị T. thấy bụng hơi căng, cơn gò xuất hiện nên chị được các bác sĩ sử dụng thuốc cắt cơn gò tối đa và kéo dài 2 tuần lễ thì chị ổn định và được xuất viện. Từ đó, thai phụ T. được theo dõi định kỳ mỗi 2 tuần. Các chỉ số thai nhi đều phát triển bình thường, thất phải tăng kích thước và chức năng tốt.
Ngày 9/7, sau khi bác sĩ khám đánh giá thai nhi được 37 tuần 1 ngày, ước lượng cân nặng 3.147g, ngôi mông với tất cả chỉ số doppler trên siêu âm thai nhi đều bình thường. Ngày 14/7, chị được các bác sĩ hội chẩn lại lần nữa và quyết định chấm dứt thai kỳ khi bé tròn 38 tuần tuổi.
Sáng 15/7, bác sĩ CKII. Trần Ngọc Hải - Giám đốc Bệnh viện Từ Dũ và bác sĩ CKII. Trịnh Nhựt Thư Hương - Trưởng khoa Chăm sóc trước sinh cùng ekip trực tiếp phẫu thuật lấy thai cho chị T.. Sau 5 phút phẫu thuật, một em bé trai cân nặng 3.250g khóc thật to và mạnh mẽ làm cho tất cả nhân viên của khu vực phòng mổ vô cùng ngạc nhiên.
Bác sĩ CKII Trần Ngọc Hải cho biết, ngay sau sinh, ekip Nhi sơ sinh của Bệnh viện Từ Dũ và Bệnh viện Nhi Đồng 1 nhanh chóng kiểm tra, đánh giá thấy tình trạng hô hấp và tuần hoàn tốt, không cần phải hỗ trợ bất cứ phương tiện gì.
Siêu âm kiểm tra tim em bé tại chỗ thấy 4 buồng tim khá cân đối, dòng máu lên van động mạch phổi khá ổn định. Bé được chuyển về Bệnh viện Nhi Đồng 1 theo dõi tiếp.
Đối với sản phụ T., hậu phẫu ngày đầu tiên đã có thể tự đi lại, vệ sinh cá nhân khá thoải mái, vết mổ lấy thai hoàn toàn khô sạch, không đau, chị ăn uống gần như bình thường.
Báo Người Lao Động đưa tin, sáng 17/7, Bệnh viện Tai Mũi Họng TP.HCM cho hay vừa tiếp nhận nữ bệnh nhân P.T.A.H (44 tuổi, ở Tây Ninh) nhập viện trong tình trạng chóng mặt dữ dội.
Cách nhập viện 3 ngày, bệnh nhân bị chấn thương tai trái do va quẹt trong lúc ngoáy tai, bị chảy máu tai, chóng mặt, buồn nôn, nôn ói nhiều, được đưa đến cơ sở y tế địa phương với chẩn đoán rối loạn tiền đình - theo dõi thủng nhĩ do chấn thương. Tuy nhiên, do còn chóng mặt nhiều, nôn ói nên đến TP.HCM tiếp tục điều trị.
Tại bệnh viện, bệnh nhân chóng mặt nhiều, buồn nôn, nghe kém và tổn thương màng nhĩ. Kết quả kiểm tra cho thấy ống tai đọng máu, màng nhĩ có máu đông, thính lực kém.
Hình ảnh CT xác định bệnh nhân vỡ xương thái dương ở hòm nhĩ tai trái, kèm vỡ cửa sổ bầu dục, xương bàn đạp di lệch nhẹ vào tiền đình và có khí trong tiền đình, cùng với gián đoạn chuỗi xương đe – bàn đạp. Những tổn thương này giải thích triệu chứng chóng mặt và nghe kém.
Nữ bệnh nhân bị chấn thương tai trái do va quẹt trong lúc ngoáy tai. Ảnh minh họa: Thanh Niên
Các bác sĩ đã phẫu thuật mở hòm nhĩ thám sát xương bàn đạp và chỉnh hình chuỗi xương con bằng trụ dẫn (Prosthesis) để tái tạo hệ thống truyền âm. Sau phẫu thuật, bệnh nhân tiếp tục được điều trị nội khoa và tình trạng chóng mặt được cải thiện.
Theo bác sĩ CKII Dương Thanh Hồng - Trưởng Khoa Tai - Thần kinh Bệnh viện Tai Mũi Họng, chấn thương tai có thể gây ra các triệu chứng như ù tai, nghe kém (thủng màng nhĩ hoặc tổn thương chuỗi xương con) làm gián đoạn quá trình truyền âm thanh; chóng mặt, mất thăng bằng, buồn nôn (tổn thương tiền đình, đặc biệt khi xương bàn đạp di lệch, có thể gây chóng mặt nhiều ảnh hưởng sinh hoạt); chảy máu tai; biến chứng nghiêm trọng (tổn thương tai trong - đây là tổn thương nặng nhất, gây mất thính lực không hồi phục, chóng mặt dữ dội, mất thăng bằng). Nếu không xử trí kịp thời có thể dẫn đến biến chứng nguy hiểm như viêm mê nhĩ, viêm màng não.
Theo báo Sức Khỏe & Đời Sống, chiều 17/7, thông tin từ Bệnh viện Đặng Văn Ngữ (Viện Sốt rét – Ký sinh trùng – Côn trùng Trung ương) cho biết, tại đây vừa tiếp nhận và điều trị một nữ bệnh nhân nhiễm ấu trùng di chuyển dưới da - căn bệnh ký sinh trùng thường gặp nhưng dễ bị bỏ sót nếu không phát hiện kịp thời.
Bệnh nhân là bà T.T.Đ. (73 tuổi, sống tại Phú Thọ), đến Bệnh viện Đặng Văn Ngữ khám trong tình trạng ngứa rát vùng bàn chân phải, kèm theo vết đỏ dạng đường ngoằn ngoèo dưới da.
Trước đó khoảng 7 ngày, bà có ra vườn nhổ cỏ, làm cỏ quanh nhà mà không đi giày hoặc dép bảo hộ. Đáng chú ý, bà Đ. cho biết trong nhà có nuôi 2 con chó, thường được thả rong quanh sân vườn, xung quanh hàng xóm có nuôi chó, mèo.
Sau khi thăm khám, các bác sĩ chẩn đoán bà Đ. bị nhiễm ấu trùng di chuyển dưới da giun móc/mỏ chó, mèo - ký sinh trùng thường lây truyền từ phân chó, mèo và có khả năng xâm nhập qua da người khi tiếp xúc trực tiếp với đất bị ô nhiễm.
Theo các bác sĩ Bệnh viện Đặng Văn Ngữ, ấu trùng di chuyển dưới da là một bệnh lý do ký sinh trùng gây ra, không quá hiếm gặp, thường xuất hiện ở người có thói quen đi chân trần làm vườn hoặc sinh hoạt trên đất cát, đặc biệt ở nơi có chó mèo phóng uế.
Người bị nhiễm mầm bệnh do tiếp xúc với đất, cát ở môi trường ngoại cảnh bị ô nhiễm phân chó, mèo, động vật khác có ấu trùng giun ở giai đoạn lây nhiễm được.
Hình ảnh bàn chân của người bệnh nhiễm ấu trùng di chuyển dưới da. Ảnh: Sức Khỏe & Đời Sống
Ấu trùng chui qua bề mặt da ở vùng da tay, da chân. Vì lạc chủ nên ấu trùng không có men làm phân hủy thành mạch của người nên không thể chui vào máu, chu du khắp cơ thể như loại ấu trùng giun thường ký sinh ở người. Do đó, chúng chỉ di chuyển ở các mô dưới da và niêm mạc.
Triệu chứng tại chỗ nơi ấu trùng xâm nhập có vết sẩn đỏ, ngứa, sau thành mọng nước, phát triển ra chung quanh thành một hay nhiều đường ngoằn ngoèo, gồ cao là dấu hiệu của đoạn đường ấu trùng di chuyển. Do ngứa gãi nên có thể bị nhiễm trùng, hóa mủ... Bệnh có thể kéo dài nhiều tuần nếu không được phát hiện và điều trị đúng cách.
Để phòng, chống bệnh ấu trùng di chuyển dưới da, các chuyên gia Bệnh viện Đặng Văn Ngữ khuyến cáo người dân, đặc biệt ở khu vực ngoại thành và nông thôn – nơi còn phổ biến thói quen nuôi chó mèo thả rông, cần lưu ý các biện pháp phòng ngừa bệnh ấu trùng di chuyển dưới da:
- Người dân cần nâng cao nhận thức, tăng cường giữ vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường, bảo vệ môi trường không nhiễm phân.
- Không dùng phân tươi để bón ruộng vườn.
- Luôn mang giày, ủng hoặc dụng cụ bảo hộ khi làm vườn hoặc tiếp xúc với đất cát.
Tẩy giun định kỳ cho chó, mèo, giữ vệ sinh nơi nuôi nhốt.
- Không để chó mèo phóng uế bừa bãi, đặc biệt ở khu vực sinh hoạt và làm vườn.
- Khi có biểu hiện ngứa kéo dài, vết lằn đỏ ngoằn ngoèo, nên đến cơ sở y tế có chuyên khoa ký sinh trùng để được chẩn đoán chính xác.