Theo Tuổi Trẻ Online, ngày 20/7, Trung tâm Cấp cứu 115 tỉnh Khánh Hòa cho biết một nhân viên bảo vệ và đội ngũ của trung tâm đã cứu sống ngoạn mục ca ngưng tim, ngưng thở trên bãi biển Nha Trang.
Khoảng 7h30 cùng ngày, sau khi tắm biển, ông T.V.T. (67 tuổi, trú tại Khánh Hòa) bất ngờ khó thở, tím tái rồi gục xuống bãi cát. Sự việc được anh Trần Đỗ Trọng Đại - nhân viên bảo vệ đang làm việc tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Khánh Hòa, phát hiện.
Nhận thấy người đàn ông ngưng thở, anh Đại ép tim ngoài lồng ngực, hô hấp nhân tạo, đồng thời gọi Trung tâm Cấp cứu 115 và bật loa ngoài để nhận hướng dẫn trực tiếp từ nhân viên y tế, huy động người dân hỗ trợ.
3 phút sau, ekip cấp cứu 115 có mặt ứng cứu, lúc này ông T. đã hôn mê sâu, được chẩn đoán ngưng tuần hoàn hô hấp nghi do bệnh lý tim mạch.
Người bệnh được điều trị tích cực tại khoa Cấp cứu Bệnh viện Đa khoa tỉnh Khánh Hòa. Ảnh: Tuổi Trẻ Online
Tại bãi biển, đội cấp cứu tiếp tục ép tim ngoài lồng ngực, đặt nội khí quản, bóp bóng có oxy, tiêm Adrenaline qua nội khí quản và tĩnh mạch. Sau 10 phút hồi sức, bệnh nhân có mạch trở lại, phản xạ thở ngáp và được chuyển gấp đến Bệnh viện Đa khoa tỉnh Khánh Hòa.
Tại khoa cấp cứu, bệnh nhân đã tỉnh, mở mắt, có cử động tay chân, tự thở yếu, sinh hiệu dần ổn định. Hiện bệnh nhân đang tiếp tục được theo dõi tại khoa hồi sức tích cực - chống độc.
Đại diện Bệnh viện Đa khoa tỉnh Khánh Hòa cho biết sơ cứu kịp thời tại cộng đồng chính là yếu tố quyết định. "Nếu không có sự can thiệp đúng cách của anh Đại trước khi đội cấp cứu đến, nạn nhân khó có cơ hội hồi phục", người này nói.
Theo TTXVN, sáng 20/7, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cho biết, vừa phẫu thuật thành công khối u sắc tố bẩm sinh khổng lồ ở vùng lưng dưới cho bé gái N.T.H (8 tuổi, sống tại Hà Nội). Khối u có kích thước gần 40cm chiều dài, rộng khoảng 25cm, da sẫm màu, bề mặt sần sùi, có lông dài, gây ngứa rát và khó chịu.
ThS.BS Nguyễn Ngọc Linh - bác sĩ tạo hình, thẩm mỹ chia sẻ: “Cháu H được chẩn đoán mắc nơ vi sắc tố bẩm sinh khổng lồ (giant congenital melanocytic nevus) là tình trạng tăng sinh bất thường tế bào sắc tố trong da, thường xuất hiện ngay từ khi mới sinh. Khối u này không xâm lấn nhưng sẽ lớn dần theo sự phát triển của cơ thể, giữ nguyên tỷ lệ so với vùng da tổn thương ban đầu”.
Theo bác sĩ Linh, khối u đã xuất hiện từ ngay sau sinh và lớn lên cùng với cơ thể cháu H.. Đến năm 8 tuổi, khối u chiếm gần nửa vùng lưng dưới, với bề mặt dày cộm như da trâu, có lông dài, thường xuyên ngứa rát và từng bị trợt loét.
Dù phần lớn nơ vi sắc tố bẩm sinh ban đầu là lành tính, song với kích thước lớn như vậy, bệnh lý tiềm ẩn nguy cơ hóa ác thành ung thư hắc tố (melanoma) với tỷ lệ khoảng 5–10%. Đồng thời, tổn thương cũng ảnh hưởng nghiêm trọng đến tâm lý trẻ nếu không được điều trị sớm.
Sau hội chẩn chuyên khoa, bệnh nhân được chỉ định phẫu thuật theo hai giai đoạn. Trong lần mổ đầu tiên, các bác sĩ thu hẹp phần tổn thương, tạo điều kiện để vùng da lành giãn da tự nhiên – chuẩn bị nền mô thuận lợi cho can thiệp tiếp theo. Dựa trên mức độ phục hồi cả về thể chất và tinh thần của bé, ca mổ thứ hai được thực hiện để loại bỏ triệt để phần u còn lại.
“Da trẻ nhỏ có độ đàn hồi tốt. Sau lần mổ đầu, vùng da lành được giãn da rõ rệt. Tuy nhiên, nếu để lâu, cả da lành và tổn thương đều tiếp tục giãn, khiến quá trình điều trị trở nên phức tạp hơn. Vì vậy, phẫu thuật lần 2 được tiến hành đúng thời điểm để đạt hiệu quả tối ưu”, bác sĩ Linh cho biết thêm.
Hiện tại, bệnh nhi đã hồi phục tốt. Vết sẹo mềm, không co kéo, đảm bảo yếu tố thẩm mỹ. Bé không còn cảm giác ngứa ngáy, khó chịu như trước, tinh thần thoải mái và tự tin hơn sau nhiều năm mặc cảm vì ngoại hình.
Theo báo Người Lao Động, nữ bệnh nhân 35 tuổi cho biết chị bị tai nạn do ngã cây, bị vật nhọn đâm trúng cạnh hậu môn. Dù đã đến cơ sở y tế gần nhà xử lý ban đầu, vết thương không cải thiện, đau tăng và kèm tiết dịch.
Tại Bệnh viện Đa khoa Hùng Vương (Phú Thọ), các bác sĩ thăm khám, chụp cắt lớp ổ bụng, soi trực tràng và phát hiện vết thương xuyên thủng trực tràng, hình thành ổ áp xe lớn vùng hạ vị.
Các bác sĩ thực hiện phẫu thuật. Ảnh minh họa: Người Lao Động
Do tổn thương phức tạp, các bác sĩ phải nhanh chóng phẫu thuật nội soi làm sạch ổ áp xe, xử lý thương tổn và làm hậu môn nhân tạo cho nữ bệnh nhân. Tới sáng 20/7, sức khỏe bệnh nhân đã ổn định, vết mổ tiến triển tốt và dự kiến ra viện trong vài ngày tới.
Trước đó ít ngày, Bệnh viện Phụ sản Nam Định (tỉnh Ninh Bình) cũng tiếp nhận và phẫu thuật thành công chấn thương tầng sinh môn cho bé gái 5 tuổi sau tai nạn ngã ghế, trong lúc với lấy đồ vật trên cao. Sau phẫu thuật, sức khỏe trẻ ổn định.
Bác sĩ khuyến cáo không chủ quan với các vết thương ở tầng sinh môn, hậu môn, đáy chậu… sau tai nạn sinh hoạt. Vết thương dù nhỏ nhưng có thể gây viêm nhiễm sâu, áp xe hoặc nhiễm trùng máu nếu không được xử lý kịp thời. Người dân nên đến bệnh viện khi có dấu hiệu sưng đau, tiết dịch, sốt, mệt mỏi sau chấn thương.
Các gia đình chú ý an toàn cho trẻ nhỏ, nhất là trong kỳ nghỉ hè - thời điểm trẻ hoạt động nhiều tại nhà và dễ gặp tai nạn sinh hoạt ngoài ý muốn.