Theo TTXVN, ngày 24/7, thông tin từ Bệnh viện Đa khoa khu vực Quảng Ninh (tỉnh Quảng Trị), chuyên khoa Tai mũi họng của đơn vị vừa phát hiện nhiều dị vật sống là ve chó trong 2 tai một bệnh nhi qua nội soi. Qua đó, các bác sĩ khuyến cáo phụ huynh cẩn trọng khi để trẻ nhỏ tiếp xúc với động vật.
Trước đó, bệnh nhi N.N.B.L (SN 2016, trú xã Cam Hồng, tỉnh Quảng Trị) được người thân đưa đến thăm khám khi có triệu chứng ngứa, đau vùng tai thời gian dài. Sau khi tiến hành nội soi vùng tai, các bác sĩ phát hiện nhiều dị vật sống ký sinh sâu, bám chặt vào phần ống tai bệnh nhân.
Bệnh nhân được chỉ định thực hiện thủ thuật nội soi lấy dị vật trong tai hai bên. Sau khoảng 15 phút, bác sĩ đã gắp thành công 5 dị vật được xác định là ve chó từ tai bệnh nhi.
Hình ảnh ve chó ký sinh trong ống tai bệnh nhân. Ảnh: Sức Khỏe & Đời Sống
Bác sĩ CKI Phạm Văn Vượng, chuyên khoa Tai mũi họng - Khoa Ngoại Tổng hợp, Bệnh viện Đa khoa khu vực Quảng Ninh nhận định, những con ve chó ký sinh này có thể xâm nhập vào cơ thể trong quá trình trẻ tiếp xúc với vật nuôi và có thể tồn tại trong cơ thể với thời gian dài.
Việc ve chó ký sinh trong vùng tai, ngoài gây khó chịu cho người bệnh còn có nguy cơ ảnh hưởng xấu đến sức khỏe như gây viêm nhiễm vùng tai, tác động không tốt đến ống tai, màng nhĩ.
Bác sĩ Phạm Văn Vượng khuyến cáo phụ huynh cần cẩn trọng với việc cho trẻ nhỏ tiếp xúc, chơi cùng vật nuôi trong nhà, tránh lây các sinh vật ký sinh hoặc lây nhiễm các bệnh từ động vật. Nếu phát hiện các dấu hiệu bất thường của trẻ, cần đưa đến cơ sở y tế để được thăm khám, xử lý kịp thời.
Báo Người Lao Động đưa tin, ngày 24/7, bác sĩ CKII Lê Hoàng Quân - Phó Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Gia Định (TP.HCM), cho biết các bác sĩ tại đây vừa phẫu thuật thay khớp háng thành công cho cụ bà mắc nhiều bệnh nền nguy hiểm.
Cụ thểm theo bác sĩ Lê Hoàng Quân, bệnh nhân là cụ bà L.T.T (96 tuổi), nhập viện vì bị gãy liên mấu chuyển xương đùi. Đáng chú ý, cụ T. còn mắc nhiều bệnh nền như đái tháo đường, tim mạch, huyết áp, suy thận... Nếu không được can thiệp sớm sẽ dễ dẫn đến nguy cơ tử vong. Gia đình bệnh nhân cho biết trước đó từng chuẩn bị tinh thần cho điều xấu nhất. Bởi đã đưa cụ T. đến vài bệnh viện nhưng bị từ chối do ca bệnh quá nặng.
"Với người trên 90 tuổi bị gãy liên mấu chuyển và có nhiều bệnh nền nếu không phẫu thuật tỷ lệ tử vong trong vòng 30 ngày có thể lên đến 60-80% do các biến chứng như viêm phổi, thuyên tắc phổi, loét do nằm lâu, suy kiệt…", bác sĩ Lê Hoàng Quân cho hay.
Phẫu thuật đúng lúc là cánh cửa duy nhất để cứu sống người bệnh và tránh đau đớn, mất vận động.
Bác sĩ thăm khám cho người bệnh sau phẫu thuật. Ảnh: Người Lao Động
Sau khi tiếp nhận, bệnh viện đã hội chẩn liên chuyên khoa và quyết định phẫu thuật thay khớp háng cụ T. bằng phương pháp vô cảm cá thể hóa. Tức là gây tê vùng kết hợp tê tủy sống liều thấp và an thần nhẹ, tránh hoàn toàn gây mê toàn thân, vốn có nguy cơ rất cao ở người già yếu.
Sau 1 ngày phẫu thuật, cụ T. ăn uống bình thường, tập vận động. 3 ngày sau, bệnh nhân có thể đi lại trong phòng và sớm được xuất viện.
Theo báo Tiền Phong, ngày 24/7, thông tin từ Bệnh viện Đa khoa Xuyên Á (TP.HCM) cho biết, tại đây vừa tiếp nhận một trường hợp chấn thương nặng gây xuất huyết nội vùng bụng. Bệnh nhân là ông N.V.D. (63 tuổi, ngụ tại Tây Ninh).
Khai thác bệnh sử của bác sĩ từ phía người bệnh ghi nhận, sáng cùng ngày trước khi nhập viện, ông ra đồng thả bò thì bất ngờ bị một con bò nhà hàng xóm lao tới, húc thẳng vào vùng bụng.
Cú tấn công bất ngờ với lực rất mạnh khiến ông D. đau vùng bụng dưới và hố chậu hai bên. Người bệnh nghĩ tình trạng đau sẽ sớm qua nhưng không ngờ tình trạng ngày càng nặng, vết thương bên trong âm thầm gây nên biến chứng nặng khiến ông rơi vào trạng thái sốc mất máu, nguy kịch tính mạng.
Gia đình đã nhanh chóng đưa bệnh nhân đi cấp cứu. Bác sĩ Nguyễn Vũ An - Trưởng khoa Ngoại Tổng quát của bệnh viện cho biết: “Trong khoảng 30 phút kể từ khi vào viện tình trạng người bệnh nhanh chóng xấu đi, mạch nhanh, huyết áp tụt. Đây là dấu hiệu của tình trạng sốc mất máu. Kết quả chụp MSCT cho thấy người bệnh bị dập vỡ nhánh tận động mạch mạc treo tràng trên vùng hạ vị, gây ra xuất huyết trong ổ bụng”.
Sức khỏe bệnh nhân đang bình phục tốt. Ảnh: Tiền Phong
Trước diễn tiến nguy kịch này, ekip cấp cứu nhanh chóng kích hoạt báo động đỏ nội viện. Các bác sĩ thuộc nhiều chuyên khoa liên quan được huy động khẩn cấp để tiến hành hội chẩn ngay tại chỗ. Sau khi đánh giá kỹ lưỡng và được sự đồng thuận từ gia đình, người bệnh được chuyển lên phòng phẫu thuật.
Khi mổ thám sát ổ bụng, xác định vị trí tổn thương ở động mạch mạc treo ruột non. Ekip đã tiến hành khâu mạch máu, hút sạch lượng máu trong ổ bụng. Ước tính, lượng máu bệnh nhân bị mất khoảng 1 lít, người bệnh đã được truyền máu bổ sung. Sau phẫu thuật, sức khỏe bệnh nhân đang bình phục tốt.
“Đây là một trường hợp chấn thương bụng kín do lực tác động mạnh từ bên ngoài khiến mạc treo ruột non bị căng giãn đột ngột. Hệ quả là các mạch máu tại mạc treo bị rách, gây chảy máu ồ ạt vào ổ bụng và khiến người bệnh nhanh chóng rơi vào tình trạng sốc mất máu”, bác sĩ Nguyễn Vũ An cho biết.
Từ trường hợp trên, bác sĩ cảnh báo, chấn thương bụng kín là tình trạng vùng bụng bị tổn thương do va đập mạnh từ bên ngoài nhưng không gây rách da hay vết thương hở. Dù bên ngoài không thấy rõ dấu hiệu, nhưng bên trong, các cơ quan như gan, lách, ruột, thận... có thể bị dập, rách hoặc chảy máu nghiêm trọng.
Người bệnh có thể cảm thấy đau bụng, buồn nôn, choáng váng hoặc bụng chướng căng. Đây là tình trạng nguy hiểm, nếu không được phát hiện và xử trí kịp thời có thể dẫn đến sốc mất máu, viêm phúc mạc, thậm chí tử vong.
Bác sĩ khuyến cáo, người dân tuyệt đối không nên chủ quan khi bị chấn thương vùng ngực hoặc vùng bụng. Khi có dấu hiệu đau sau chấn thương, cần nhanh chóng đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được thăm khám, chẩn đoán và can thiệp kịp thời.