Đóng

Tin tức đời sống 24/7: Mắc dị tật bẩm sinh, bé 12 tuổi có lồng ngực nhô cao như “ức gà”

  • Đinh Kim (T/h)
(DS&PL) -

Mắc dị tật bẩm sinh, bé 12 tuổi có lồng ngực nhô cao như “ức gà”; Cứu bệnh nhân 56 tuổi bị viêm màng não mủ nguy kịch… là những tin tức đời sống mới nóng ngày 24/7.

Mắc dị tật bẩm sinh, bé 12 tuổi có lồng ngực nhô cao như “ức gà”

Theo thông tin trên báo Sức Khỏe & Đời Sống, bé trai L.T.P.Đ (12 tuổi, trú tại Thanh Sơn, Phú Thọ) có biểu hiện dị dạng lồng ngực bẩm sinh, với phần xương ức lồi ra phía trước, nhô cao như “ức gà”.  Do ngoại hình khác biệt, em thường cảm thấy mặc cảm, tự ti, ngại giao tiếp với bạn bè và thầy cô. 

Khi đến thăm khám tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Thọ, bệnh nhi được các bác sĩ chẩn đoán mắc dị tật lồi xương ức bẩm sinh. Sau hội chẩn, bệnh nhi được chỉ định phẫu thuật chỉnh hình xương ức bằng phương pháp Abramson.

Đây là kỹ thuật đặt một thanh kim loại vào đường hầm dưới da bên ngoài lồng ngực, kết hợp hệ thống cố định hai bên ngực nhằm tạo lực nén đưa phần xương ức bị lồi trở về đúng vị trí giải phẫu bình thường.

Bác sĩ kiểm tra sức khỏe cho bệnh nhi sau phẫu thuật. Ảnh: Sức Khỏe & Đời Sống

Sau phẫu thuật, bệnh nhi được theo dõi sát tại khoa Phẫu thuật Tim mạch – Lồng ngực, được kiểm soát đau sau mổ và hướng dẫn phục hồi chức năng hô hấp. 6 ngày sau điều trị, sức khỏe của bệnh nhi phục hồi tốt, không còn cảm giác khó chịu vùng ngực; lồng ngực phẳng, thẩm mỹ và hô hấp thuận lợi.

Sau khi được phẫu thuật chỉnh hình thành công tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Thọ, ngoại hình của em đã thay đổi rõ rệt, sức khỏe của bệnh nhi phục hồi tốt, không còn cảm giác khó chịu vùng ngực: lồng ngực phẳng, thẩm mỹ và hô hấp thuận lợi.

Theo bác sĩ nội trú Dương Xuân Phương – Trưởng khoa Phẫu thuật Tim mạch – Lồng ngực, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Thọ, lồi xương ức là dị tật bẩm sinh thường gặp ở thành ngực trước. 

Tuy ít ảnh hưởng trực tiếp đến tim, phổi, nhưng dị dạng này có thể khiến lồng ngực cứng, giảm độ di động, hạn chế hô hấp và sức bền thể lực, đồng thời gây tâm lý tự ti cho người bệnh.

Phẫu thuật Abramson là giải pháp điều trị tối ưu hiện nay với ưu điểm an toàn, ít xâm lấn, tính thẩm mỹ cao và thời gian phục hồi nhanh. Phát hiện sớm và can thiệp đúng thời điểm, nhất là ở trẻ đang phát triển, sẽ giúp nâng cao hiệu quả điều trị.

Cứu bệnh nhân 56 tuổi bị viêm màng não mủ nguy kịch

Theo Báo Tin Tức và Dân Tộc, các bác sĩ khoa Điều trị tích cực Bệnh viện Nội tiết Trung ương vừa tiếp nhận điều trị thành công một trường hợp viêm màng não mủ trên nền nhiều bệnh lý mạn tính nguy hiểm: Đái tháo đường tuýp 2, tăng huyết áp và rối loạn lipid máu. Ca bệnh một lần nữa nhấn mạnh tầm quan trọng của việc phát hiện sớm, can thiệp kịp thời và phối hợp điều trị đa chuyên khoa.

Xuất hiện triệu chứng sốt cao liên tục 39 - 40 độ C, bệnh nhân B.Q.T (56 tuổi, Hải Phòng) được đưa tới Bệnh viện Nội tiết Trung ương trong tình trạng đau đầu dữ dội, lơ mơ và có dấu hiệu gáy cứng.

Ths.BS Nguyễn Đăng Quân ở Bệnh viện Nội tiết Trung ương cho biết, tại thời điểm bệnh nhân vào khoa Cấp cứu, bệnh nhân có kết quả đường huyết tăng cao (14.7 mmol/L), có biểu hiện gáy cứng và dấu hiệu nhiễm trùng huyết, nghi ngờ viêm màng não. Ngay lập tức, bệnh nhân được đặt nội khí quản, dùng kháng sinh mạnh đường tĩnh mạch và chuyển đến khoa Điều trị tích cực.

Tại khoa Điều trị tích cực, bệnh nhân được xác định chẩn đoán viêm màng não mủ (chưa loại trừ đột quỵ não); theo dõi áp xe gan (chưa loại trừ u gan). Bệnh nhân có tiền sử đái tháo đường tuýp 2, tăng huyết áp, suy tim, rối loạn lipid máu.

Người bệnh bị viêm màng não mủ trên nền nhiều bệnh lý mạn tính nguy hiểm. Ảnh minh họa: Đại Biểu Nhân Dân

Bệnh nhân được điều trị bằng kháng sinh liều cao theo phác đồ viêm màng não (Meropenem + Vancomycin), dexamethason, manitol giảm phù não, chống huyết khối, đồng thời kiểm soát chặt chẽ đường huyết và huyết áp.

Mặc dù nhập viện trong tình trạng nguy kịch, phải thở máy, an thần nhưng nhờ chẩn đoán nhanh, xử trí kịp thời, chỉ sau 3 ngày, bệnh nhân đã giảm sốt, ý thức cải thiện dần. Sau khi bệnh nhân tỉnh táo hoàn toàn, bệnh nhân được tiếp tục điều trị nội khoa tích cực và theo dõi hình ảnh gan trong thời gian tới.

Theo Ths.BS Nguyễn Đăng Quân, trường hợp trên là một minh chứng điển hình cho việc viêm màng não có thể khởi phát nhanh và nguy hiểm hơn ở những người có bệnh nền mạn tính, đặc biệt là đái tháo đường và tăng huyết áp.

Nếu không được phát hiện và xử trí sớm, viêm màng não trên nền đái tháo đường có thể tiến triển nhanh đến nhiễm trùng huyết, tổn thương thần kinh không hồi phục hoặc tử vong. 

Hóc hạt nhãn, bé gái ở Quảng Ngãi tử vong thương tâm

Báo Người Lao Động đưa tin, ngày 23/7, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Ngãi 2 cho biết đã bàn giao thi thể bệnh nhi L.N.A (2 tuổi, trú xã Kon Braih, tỉnh Quảng Ngãi) cho người nhà tổ chức tang lễ. Bé A. tử vong do hóc dị vật là hạt nhãn ở đường thở.

Trước đó, bệnh nhi L.N.A được đưa đến Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Ngãi 2 trong tình trạng nguy kịch, mất ý thức, ngưng thở, tím tái toàn thân. Tại đây, các bác sĩ Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Ngãi 2 đã nỗ lực cấp cứu nhưng bệnh nhi đã tử vong.

Theo người nhà bệnh nhi, khi cháu L.N.A đang ăn quả nhãn thì bất ngờ bị hóc hạt. Thấy cháu khó thở, tím tái, người nhà đã tức tốc đưa đến bệnh viện cấp cứu nhưng vẫn không kịp.

Bé 2 tuổi tử vong do hóc dị vật là hạt nhãn ở đường thở. Ảnh minh họa

Các bác sĩ Bệnh viện Đa khoa Quảng Ngãi 2 khuyến cáo trẻ từ 1-3 tuổi bị tai nạn hóc dị vật đường thở rất thường gặp. Các dị vật có thể là hạt trái cây, bánh kẹo cứng, đồ chơi...

Khi gặp nạn, trẻ có dấu hiệu ho sặc, tím tái, không thở được, mất ý thức… Nếu không được xử lý đúng cách, nạn nhân có thể bị ngưng thở, ngưng tim chỉ sau ít phút.

Trường hợp phát hiện trẻ bị hóc, nếu không nhìn rõ dị vật trong miệng thì tuyệt đối không đưa tay móc họng vì có thể khiến dị vật chui sâu, tắc hoàn toàn đường thở.

Cách xử lý đúng với trẻ dưới 2 tuổi là đặt trẻ úp mặt xuống tay, đầu thấp hơn ngực, dùng lực vỗ mạnh 5 lần vào lưng giữa hai xương bả vai. Nếu không hiệu quả, lật ngửa trẻ và ấn ngực 5 lần.

Đối với những bé lớn hơn thì ôm ngang bụng từ phía sau, dùng tay ấn mạnh và nhanh vào vùng dưới xương ức để tống dị vật ra.

Tin nổi bật