“...Cái đường đó (đường lưỡi bò) đâu phải là đường lịch sử để lại. Đường đó là của Tưởng Giới Thạch... Nếu các đồng chí nói lịch sử thì lẽ ra phải nói đến “Nhị thập tứ sử” hay “Hoàng triều trực tỉnh địa dư toàn đồ”.
Trong buổi nói chuyện ngày 9/7 tại kỳ họp thứ 14, HĐND TP.HCM, trung tướng Phạm Văn Dỹ - Chính ủy quân khu 7 đã đề cập đến cuộc nói chuyện giữa Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng và ông Hồ Cẩm Đào vào năm 2011. Qua đó có thể thấy lãnh đạo Đảng ta đã có thái độ chính trực, mềm dẻo nhưng rất cương quyết khi đề cập đến vấn đề chủ quyền quốc gia.
Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng trong cuộc gặp năm 2011 với Tổng bí thư Trung Quốc: Ảnh: Trí Dũng |
Theo trung tướng Phạm Văn Dỹ, cuộc gặp diễn ra vào tháng 10/2011. Trong một buổi nói chuyện Tổng bí thư Trung Quốc khi đó là Hồ Cẩm Đào đã nói rất rõ với đại ý: “Tôi là người Trung Quốc, tôi không nói Nam Sa – Tây Sa là của tôi thì tôi không phải là người Trung Quốc. Cũng như các đồng chí là người Việt Nam mà không nói Hoàng Sa – Trường Sa là của các đồng chí thì các đồng chí không phải là người Việt Nam”.
Bình luận về lập luận này Trung tướng Dỹ cho rằng đó là điều nói cho trẻ con, bởi “một cái gì đó hoặc là của anh, hoặc là của tôi, làm gì có chuyện ai cũng nói là của tôi được”.
Cũng trong cuộc gặp này ông Hồ Cẩm Đào còn nói rằng đại ý: “Tôi không thể bỏ đường 9 đoạn được vì đường chín đoạn là cái lịch sử để lại, nếu chúng tôi bỏ nó thì người dân Trung Quốc không theo chúng tôi”.
Đáp lại câu này Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng nói: “Các đồng chí nói sai rồi, cái đường đó đâu phải là đường lịch sử để lại. Đường đó là của Tưởng Giới Thạch. Chúng tôi và các đồng chí đều không công nhận Tưởng Giới Thạch vì thế làm sao có thể công nhận sản phẩm của họ!
Nếu các đồng chí nói lịch sử thì lẽ ra phải nói đến “Nhị thập tứ sử” hay “Hoàng triều trực tỉnh địa dư toàn đồ”.
Đến đây, Hồ Cẩm Đào chỉ còn biết im lặng…
* "Nhị thập tứ sử" là bộ chính sử được các triều đại Trung Quốc thừa nhận. Bộ sử ký này ghi chép từ Thượng cổ đến thời nhà Thanh. Trong đó các mục Địa lý đều không đề cập đến các hòn đảo ở xa hơn đảo Hải Nam.
* “Hoàng triều trực tỉnh địa dư toàn đồ” - Tập bản đồ Địa dư toàn đồ tới các tỉnh của TQ được thực hiện dưới thời nhà Thanh, xuất bản năm 1904 trong đó ghi rõ cực Nam của Trung Quốc là đảo Hải Nam.