Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Cổ phần hóa bệnh viện công: Các giám đốc bệnh viện lên tiếng

(DS&PL) -

Y tế, giáo dục vốn là những lĩnh vực đặc thù. Điều gì sẽ xảy ra nếu nó được đầu tư kinh doanh như một loại hàng hóa trong cơ chế thị trường?

Y tế, giáo dục vốn là những lĩnh vực đặc thù. Điều gì sẽ xảy ra nếu nó được đầu tư kinh doanh như một loại hàng hóa trong cơ chế thị trường? Kiến nghị đưa bệnh viện công lên sàn chứng khoán là đề xuất táo bạo đang được dư luận quan tâm.

Đẩy lùi nạn phong bì

Hiệp hội Các nhà đầu tư tài chính Việt Nam (VAFI) vừa có văn bản đề xuất các giải pháp cải tổ hệ thống bệnh viện công lập. Cụ thể, Hiệp hội này đề nghị cổ phần hóa các bệnh viện công, niêm yết trên sàn chứng khoán để công khai, minh bạch hoạt động quản lý kinh tế.

Theo đề xuất này thì quá trình nói trên sẽ chia làm ba giai đoạn. Bắt đầu bằng việc chuyển toàn bộ bệnh viện Nhà nước từ hình thức đơn vị sự nghiệp công lập sang phương thức doanh nghiệp công ích hoạt động theo luật Doanh nghiệp.

Bệnh viện lên sàn chứng khoán, liệu người bệnh có được hưởng lợi?

Tiếp đó cổ phần hóa các bệnh viện mạnh và đầu ngành như Bạch Mai, Việt Đức, bệnh viện K, Phụ sản Trung ương, bệnh viện Chợ Rẫy... và các bệnh viện xin tự nguyện cổ phần hóa. Sau đó thực hiện niêm yết trên thị trường chứng khoán để huy động vốn từ các nhà đầu tư. Giai đoạn cuối cùng, dự kiến sau khi cổ phần hóa thành công khoảng 30 bệnh viện lớn nhất cả nước, tự bản thân các doanh nghiệp có nhu cầu rất lớn phát triển quy mô doanh nghiệp, từ đó họ đề xuất Chính phủ, bộ Y tế cho hợp nhất, sáp nhập nhiều bệnh viện tỉnh, huyện thành hệ thống bệnh viện quy mô khép kín.

Trao đổi với PV báo ĐS&PL, Chủ tịch VAFI – ông Nguyễn Hoàng Hải cho hay: “Hiện nay, hoạt động kinh tế tại hệ thống bệnh viện công đang bị trục lợi, bị cá nhân hóa. Từ mua sắm thiết bị không minh bạch, đội giá, gửi giá đến nạn phong bì, phong bao rồi kê đơn thuốc tràn lan để lấy hoa hồng, chất lượng thuốc không đảm bảo như vụ VN Pharma vừa rồi... Mục đích đề xuất của chúng tôi là nâng cao chất lượng phục vụ của bệnh viện công, đồng thời cải tổ để minh bạch hóa hoạt động kinh tế của các bệnh viện này”.

Theo ông Hải, cổ phần hóa bệnh viện công là xu hướng quản lý phù hợp với kinh tế thị trường. Các bệnh viện công phải công khai báo cáo tài chính, hoạt động từng quý, từng năm như các doanh nghiệp Nhà nước khác, phải công khai đầy đủ thông tin những lần tổ chức đấu thầu mua sắm thuốc và trang thiết bị y tế, công khai tiền hỗ trợ từ ngân sách Nhà nước (nếu có)...

Khi được hỏi việc đưa bệnh viện công lên sàn thì người dân được lợi gì, và liệu viện phí có tăng hay không, ông Hải cho biết, người dân sẽ được phục vụ tốt hơn do bệnh viện được quản trị theo đúng xu hướng thị trường. Do huy động được vốn từ thị trường chứng khoán, các bệnh viện công sẽ chủ động được nguồn lực để đầu tư cơ sở vật chất, giảm bớt tình cảnh chen chúc quá tải.

Ngoài ra, sẽ không còn tình trạng quản lý và phục vụ người bệnh theo kiểu hành chính chậm chạp như cũ, không còn cảnh bác sĩ gác chân lên ghế khi trao đổi với người nhà bệnh nhân như vụ việc ở bệnh viện Mắt TW vừa rồi. Việc yêu cầu bệnh nhân chiếu chụp không cần thiết, kê đơn thuốc tràn lan để lấy hoa hồng hay nạn phong bì sẽ không còn do mọi hoạt động lẫn chi phí đều phải được thực hiện công khai, minh bạch.

“Viện phí thì tôi nghĩ sẽ không tăng hoặc tăng không nhiều. Bởi khi minh bạch mọi hoạt động của bệnh viện công, các chi phí thất thoát sẽ không còn. Các bệnh viện sẽ phải cạnh tranh nhau để thu hút người bệnh, không chỉ bằng chất lượng mà giá dịch vụ.

Mặt khác, chúng ta nhìn vào kinh nghiệm cổ phần hóa các nhà máy điện, nhà máy nước thì thấy sau cổ phần hóa, giá vẫn do Nhà nước quy định, đầu ra đầu vào Nhà nước quản lý rồi, doanh nghiệp chỉ thu lợi được những gì mà họ tiết kiệm được, nhờ đó người dân cũng được hưởng lợi từ sự tiết kiệm này” – ông Hải nói.

Phải có cơ chế đặc thù

Để trấn an người dân khi cho rằng người bệnh sẽ không còn được sử dụng dịch vụ y tế như một chính sách xã hội mà phải mua dịch vụ y tế như một hàng hóa đơn thuần, VAFI cho rằng, để cổ phần hóa thành công các bệnh viện thì chính sách cổ phần hóa phải có đặc thù, không giống chính sách cổ phần hoá doanh nghiệp Nhà nước.

“Tạo dựng chính sách đặc thù để đảm bảo hệ thống bệnh viện công lập vẫn là hệ thống y tế của Nhà nước, tức là vẫn đảm bảo chính sách an sinh của Nhà nước cho toàn thể người dân, cho 100% đối tượng bảo hiểm y tế, cho người nghèo và cho các nhiệm vụ chính trị cấp bách” - VAFI phân tích.

Trong khi đó, một số bệnh viện công lại phản ứng khác nhau khi tiếp nhận thông tin này. Chia sẻ với PV báo ĐS&PL, PGS.TS Lê Thanh Hải – Giám đốc bệnh viện Nhi TW cho biết: “Nền kinh tế thị trường thì xu hướng phát triển của các bệnh viện công tới đây chắc cũng phải thế, nhưng tôi nghĩ chưa thể làm được ngay mà phải thông qua thảo luận của các bộ ban ngành rồi có chủ trương của Đảng và Nhà nước thì mới áp dụng được”.

“Cá nhân tôi ủng hộ cách làm này, bởi nền kinh tế thị trường thì trước sau cũng phải đưa lên. Tuy nhiên, kinh tế thị trường ở Việt Nam có phần “định hướng xã hội chủ nghĩa” vẫn phải chú trọng. Phải có lộ trình, cách làm cụ thể, tránh sa vào kinh doanh thuần túy. Ví dụ như khoanh vùng quản lý bệnh viện đối với nhà đầu tư, tránh can thiệp sâu làm ảnh hưởng nhiệm vụ chính trị của bệnh viện là khám, chữa bệnh cho nhân dân” – ông Hải nói.

Có phần tâm tư hơn, PGS.TS Trần Văn Thuấn - Giám đốc bệnh viện K chia sẻ: “Hiện, ngành y tế Việt Nam vẫn còn nặng về bao cấp, chế độ bảo hiểm chưa được hoàn thiện 100%, mức đóng bảo hiểm còn thấp, rất nhiều dịch vụ chưa tính đúng, tính đủ. Theo tôi, nếu áp dụng đề xuất này thì sẽ rất khó để người nghèo, nhất là bà con vùng sâu vùng xa có điều kiện tiếp cận các dịch vụ y tế. Bởi vì khi cổ phần hóa bệnh viện công, mọi dịch vụ y tế sẽ được tính đúng, tính đủ cho người dân chứ không còn bao cấp nữa”.

“Tôi ủng hộ phát triển bệnh viện theo hướng môi trường doanh nghiệp phi lợi nhuận hơn. Hiện tại viện phí chưa thu đủ, giả sử chỗ nào thu đủ rồi, có lợi nhuận thì đầu tư lại cho cơ sở hạ tầng, thiết bị, cán bộ y tế. Không nên đưa lên thị trường chứng khoán, vì như thế là kinh doanh trên sức khỏe của người bệnh” – ông Thuấn nói.

Ông Thuấn cũng cho rằng chỉ cần thực hiện tốt việc công khai, minh bạch trong mua sắm đầu tư công, đấu thầu thuốc men... đã là tốt lắm rồi chứ không cần phải đưa lên sàn chứng khoán.

Đại diện cho khối y tế tư nhân, ông Nguyễn Quang Duy – Tổng thư ký Hiệp hội Bệnh viện tư nhân tỉnh Thanh Hóa chia sẻ: “Nếu bệnh viện công cũng hướng tới tính đúng, tính đủ giá dịch vụ y tế thì đúng kiểu bệnh viện tư nhân. Khi đó, có thể các bệnh viện tư nhân sẽ không còn lợi thế riêng có như hiện nay, tuy nhiên vì là xu hướng tất yếu nên tôi hoàn toàn ủng hộ”.

Minh Minh

Tin nổi bật