Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Chỉ số giá tiêu dùng 9 tháng năm 2024 tăng 3,88%, lạm phát trong tầm kiểm soát

  • Đinh Kim (T/h)
(DS&PL) -

Tính chung 9 tháng năm 2024, chỉ số giá tiêu dùng tăng 3,88% so với cùng kỳ năm trước trong khi lạm phát cơ bản tăng 2,69%.

Lý do chỉ số giá tiêu dùng tháng 9 tăng

VietnamPlus đưa tin ngày 6/10, Tổng cục Thống kê công bố tình hình kinh tế - xã hội thường kỳ. Trong đó, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 9 tăng 0,29% so với tháng 8, đồng thời tăng 2,18% so với tháng 12/2023 và tăng 2,63% so với cùng kỳ năm trước.

Như vậy, CPI bình quân quý 3 tăng 3,48% so với 2023. Tính chung 9 tháng năm nay, CPI tăng 3,88% so với cùng kỳ năm trước và lạm phát cơ bản tăng 2,69%. Con số này thấp hơn khá nhiều so với mức tăng trung bình 4,04% của 8 tháng đầu năm nay.

Theo bà Nguyễn Thu Oanh - Vụ trưởng Vụ Thống kê giá (Tổng cục Thống kê), những nguyên nhân chính làm cho CPI tháng 9 tăng, chủ yếu do giá lương thực, thực phẩm “đắt đỏ” hơn tại các tỉnh/thành phố bị ảnh hưởng trực tiếp bởi bão và hoàn lưu bão. Bên cạnh đó, một số địa phương thực hiện tăng học phí theo lộ trình và giá thuê nhà leo thang.

Được biết, chỉ số CPI chung cả nước tháng 9 tại khu vực thành thị tăng 0,33%; khu vực nông thôn tăng 0,23% so với tháng trước đó. Trên thị trường, 9/11 nhóm hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng chính tăng giá và hai nhóm hàng giảm giá so với tháng 8.

Cụ thể, nhóm giáo dục tháng 9 tăng 2,09%, trong đó giá dịch vụ giáo dục tăng 2,33% do một số địa phương điều chỉnh học phí áp dụng cho năm học 2024 - 2025. Bên cạnh đó, tháng 9 là thời điểm bắt đầu năm học mới nên nhu cầu đối với các mặt hàng đồ dùng học tập tăng, theo Người Đưa Tin Pháp Luật.

Nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 0,92% làm CPI chung tăng 0,31 điểm %. Trong đó, lương thực tăng 0,77%; thực phẩm tăng 1,06% (tác động làm CPI chung tăng 0,22 điểm %); ăn uống ngoài gia đình tăng 0,65%.

Nhóm nhà ở, điện, nước, chất đốt và vật liệu xây dựng tăng tăng 0,52% do giá thuê nhà tăng 0,42%; giá điện sinh hoạt tăng 0,37%; nước sinh hoạt tăng 0,16%, giá gas tăng 1,45%. Ở chiều ngược lại, giá dầu hỏa giảm 6,97% so với tháng trước.

Nhóm hàng hóa và dịch vụ khác tăng 0,24%. Trong đó, giá đồ trang sức tăng 1,65% theo giá vàng thế giới.

Nhóm may mặc, mũ nón và giày dép tăng 0,15% do chi phí nhân công và nhu cầu mua sắm khi vào năm học mới tăng.

Nhóm thiết bị và đồ dùng gia đình tăng 0,14% do chi phí nhân công và nhu cầu tiêu dùng các mặt hàng đồ dùng trong gia đình tăng khi mưa lũ ngập lụt tại nhiều địa phương.

Nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 0,92% làm CPI chung tăng 0,31 điểm %. Ảnh minh họa: Người Đưa Tin Pháp Luật

Ở chiều ngược lại, một số mặt hàng điện tử, điện lạnh có giá giảm so với tháng trước do nhiều cửa hàng, siêu thị tiếp tục áp dụng các chương trình kích cầu mua sắm.

Nhóm bưu chính, viễn thông tăng 0,09%. Trong đó, giá máy điện thoại di động thông thường tăng 0,33%; giá sửa chữa điện thoại tăng 0,19%. Ngược lại, giá máy điện thoại di động thông minh và máy tính bảng giảm 0,74% do một số cửa hàng áp dụng chương trình khuyến mại, kích cầu đối với mẫu mã cũ.

Nhóm thuốc và dịch vụ y tế tăng 0,05% do thời tiết mưa bão, giao mùa nên nhu cầu tiêu dùng các loại thuốc về giảm đau, hạ sốt, đường hô hấp, vitamin và khoáng chất của người dân tăng.

Nhóm đồ uống và thuốc lá tăng 0,03% do nguyên liệu sản xuất đồ uống và chi phí nhân công tăng.

Hai nhóm hàng hóa và dịch vụ có chỉ số giá giảm. Trong đó, nhóm văn hóa, giải trí và du lịch giảm 0,24% do nhu cầu du lịch không còn cao như những tháng cao điểm.

Nhóm giao thông giảm 2,77% góp phần giảm CPI chung 0,27 điểm %, chủ yếu do: Giá dầu diezen giảm 8,41%; giá xăng trong nước giảm.

Lạm phát trong tầm kiểm soát

Đánh giá tổng quan trong 9 tháng, bà Nguyễn Thu Oanh chia sẻ thị trường hàng hóa thế giới có nhiều biến động do ảnh hưởng bởi các yếu tố chính trị, kinh tế, xã hội của các quốc gia.

Cụ thể, xung đột quân sự, biến động chính trị, bất ổn tiếp tục leo thang tại một số nước, kinh tế toàn cầu phục hồi chậm, thiếu vững chắc. Thị trường tài chính, tiền tệ, giá vàng, xăng dầu, hàng hóa, vận tải thế giới biến động mạnh, liên tục… Thêm vào đó, thiên tai, hạn hán, bão lũ, biến đổi khí hậu ngày càng nghiêm trọng, tác động nặng nề tới phát triển kinh tế - xã hội.

Trên bình diện quốc tế, ngày 12/9, Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) lần thứ hai trong năm giảm lãi suất thêm 0,25 điểm phần trăm xuống còn 3,5%/năm. Ngày 18/9, lần đầu tiên sau hơn 4 năm Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) giảm lãi suất 0,5 điểm phần trăm xuống còn 4,75%-5%/năm, bắt đầu chu kỳ nới lỏng chính sách tiền tệ trong bối cảnh cả bức tranh việc làm và lạm phát của Mỹ suy giảm.

Theo đó, tỷ lệ lạm phát của khu vực sử dụng đồng tiền chung châu Âu tháng 9 tăng 1,8%, thấp nhất trong 3,5 năm và dưới mức mục tiêu 2% của ECB.

Trước đó trong tháng 8/2024, lạm phát của Mỹ tăng 2,5% so với cùng kỳ năm trước; Tây Ban Nha tăng 2,3%; Đức tăng 1,9%; Pháp tăng 1,8%. Tại châu Á, lạm phát Ấn Độ tăng 3,7%; Philiphine tăng 3,3%; Nhật Bản tăng 3%; Indonesia tăng 2,1% và Hàn Quốc tăng 2%.

Với Việt Nam, bà Nguyễn Thu Oanh cho hay lạm phát được kiểm soát ở mức phù hợp để hỗ trợ cho tăng trưởng kinh tế. Cụ thể, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chủ động và quyết liệt, sát sao chỉ đạo các Bộ, ngành, địa phương triển khai nhiều giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy tăng trưởng, giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát.

Trong nền kinh tế, hoạt động cung ứng, lưu thông, phân phối hàng hóa, dịch vụ được đảm bảo thông suốt. Cùng với đó, mặt bằng lãi suất cho vay giảm và thị trường ngoại hối ổn định.

Hoạt động giải ngân đầu tư công được thúc đẩy mạnh mẽ cùng với việc triển khai các gói tín dụng hỗ trợ các ngành, lĩnh vực cùng với các chính sách miễn, giảm, gia hạn thuế, phí và tiền hỗ trợ doanh nghiệp và người dân. Đặc biệt là tổ chức, theo dõi sát diễn biến cung cầu, giá cả thị trường các mặt hàng thiết yếu để có biện pháp điều hành phù hợp.

Bà Nguyễn Thu Oanh đồng thời nhấn mạnh, trong bối cảnh bão Yagi gây hậu quả nghiêm trọng đối với đời sống Nhân dân, tại một số nơi có những thời điểm khan hiếm các mặt hàng như rau, củ quả, thực phẩm dẫn đến tăng giá cục bộ.

Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã sớm chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương tăng cường công tác cung ứng hàng hóa thiết yếu phục vụ nhân dân bị ảnh hưởng bởi bão lũ, khẩn trương khắc phục hậu quả thiên tai, đẩy mạnh khôi phục sản xuất kinh doanh, tích cực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Nhờ đó, giá cả hàng hóa nhanh chóng theo xu hướng trở về mức trước bão.

“Trên thị trường, giá hàng hóa và dịch vụ nhìn chung không có biến động bất thường, lạm phát trong tầm kiểm soát”, bà Nguyễn Thu Oanh chia sẻ.

Tin nổi bật