Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Khi xảy ra động đất, cần làm gì?

  • Thục Hiền (T/h)
(DS&PL) -

Hiểu biết về động đất và những biện pháp phòng tránh là cơ sở đầu tiên giúp giảm thiểu những thiệt hại khi thảm họa này xảy ra.

Theo Hội Chữ thập đỏ Mỹ (American Red Cross), động đất là sự rung chuyển đột ngột, nhanh chóng của mặt đất do sự dịch chuyển của đá ngầm. Đa phần các trường hợp tử vong và thương tích được ghi nhận khi mọi người cố gắng di chuyển hay thậm chí là chạy thoát thân trong lúc mặt đất rung chuyển hoặc khi họ bị mảnh vỡ từ trên cao rơi trúng.

Các trận động đất có cường độ nhỏ, được gọi là dư chấn, luôn xảy ra sau chấn động chính. Động đất có thể kéo theo sóng thần, lở đất, hỏa hoạn, gây ra nhiều ảnh hưởng và thiệt hại cho đời sống thường nhật.

Không giống như các thảm họa thiên nhiên khác, động đất có thể xảy ra bất cứ lúc nào mà không thể dự báo trước một cách chính xác. Do đó, mỗi người cần trang bị kiến thức để bảo vệ bản thân và gia đình trước thảm họa nguy hiểm này, báo VietNamNet đưa tin.

Những kỹ năng cần nhớ để an toàn khi có động đất

Theo khuyến cáo từ Trường đại học Phòng cháy chữa cháy (Bộ Công an), có 5 trường hợp cần lưu ý khi xảy ra động đất và một số kỹ năng cơ bản sau sẽ giúp giảm thiểu thiệt hại, thương tích đối với con người:

- Thứ nhất, khi đang ở trong nhà, người dân được khuyến cáo tìm chỗ an toàn như bên dưới những chiếc bàn chắc chắn và bên trong các khung cửa vững vàng.

Nếu không có gì để bảo vệ, hãy nằm trên sàn cạnh một bức tường trong nhà, đồng thời bảo vệ đầu và cổ, chờ đến khi mặt đất ngừng rung chuyển.

Luôn lấy tay ôm lấy mặt, đầu, tránh những nơi nguy hiểm như: Cửa sổ bằng kính, dưới bóng đèn, quạt trần hay những đồ vật có chiều cao lớn như tủ sách, gương, tủ quần áo.

Đồng thời ở nguyên vị trí, không chạy giữa các phòng, chờ đến khi mặt đất ngừng rung. Tuyệt đối không sử dụng thang máy vì thang máy có thể mất điện, gây bị kẹt.

- Khi đang ở ngoài trời, cần tránh xa các tòa nhà và đường dây dẫn điện. 

Người dân được khuyến cáo nên tìm chỗ trống để đứng an toàn, không nên chạy vào nhà, tránh xa tòa nhà cao tầng, đường dây điện.

- Khi đang ở trong xe ô tô di chuyển, cần ngừng xe ngay lập tức ở vị trí cho phép và ở lại trong xe.

Khuyến cáo được đưa ra là tránh đỗ xe ở dưới hoặc gần các tòa nhà, cây cối, các cây cầu bắc qua đường, đường dây điện. Sau khi mặt đất ngừng rung chuyển, cần di chuyển cẩn trọng, tránh các con đường, cầu, dốc bị động đất gây hư hại.

- Khi bị mắc kẹt trong đống đổ nát, cần cố gắng giữ bình tĩnh; không di chuyển hoặc làm bụi bay lên.

Lúc này người mắc kẹt có thể dùng khăn tay hoặc quần áo che miệng lại, sau đó kêu cứu và dùng các biện pháp gây sự chú ý để lực lượng cứu nạn có thể nhận thấy.

"Không cố gắng di chuyển nếu không cảm thấy an toàn, vì rất dễ khiến vật nặng đè chặt hơn, gây nguy hiểm cho bản thân. 

Đồng thời đừng quá cố sức la hét, vì làm như vậy không những hít phải khói bụi nguy hiểm mà còn khiến người bị nạn mau chóng kiệt sức", khuyến cáo từ Trường đại học Phòng cháy chữa cháy nêu.

- Trường hợp đang ở gần biển, người dân được khuyến cáo cần chạy đến nơi vùng đất cao, an toàn. Đồng thời tránh xa bờ biển đề phòng sóng thần có thể xảy ra.

Khi có yêu cầu trợ giúp, cần gọi ngay tới số máy 114, theo báo Tuổi Trẻ.

Thông tin từ báo Tiền Phong, đại diện Trung tâm báo tin động đất cảnh báo sóng thần-Viện Các Khoa học trái đất (Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam) cho biết, hồi 13h20 ngày 28/3, xảy ra vụ động đất ở tọa độ 21.71N - 96.02 E, có độ sâu tiêu chấn 10km, tại Myanmar đã ảnh hưởng đến Việt Nam. "Cấp độ rủi ro thiên tai là cấp 0", đại diện Trung tâm báo tin động đất và cảnh báo sóng thần thông tin.

Viện trưởng Vật lý địa cầu Nguyễn Xuân Anh cho biết, lúc 13h20 ngày 28/3, tại Myanmar xảy ra vụ động đất ở tọa độ 21.71N - 96.02 E đã ảnh hưởng đến Hà Nội. Vụ động đất có độ lớn 7.3, độ sâu chấn tiêu 10 km.

Vị trí chấn tâm động đất. Ảnh: Viện Vật lý địa cầu/Dân Trí

Theo ông Nguyễn Xuân Anh, động đất là một dạng thiên tai tuy không thường xuyên xảy ra như bão, lũ, nhưng những tác hại vô cùng lớn, cướp đi sinh mạng của nhiều người và gây thiệt hại lớn về tài sản. Một số thảm họa trận động đất đã trở thành nỗi kinh hoàng của nhân loại.

Tại Việt Nam, tuy động đất không quá lớn và thường xuyên như một số quốc gia khác tuy nhiên, theo các tài liệu lịch sử cũng như các nghiên cứu cho thấy, mối hiểm họa không phải là hiếm.

Trong đó, khu vực Tây Bắc có độ nguy hiểm động đất cao nhất, thứ hai là khu vực Bắc Trung Bộ, thứ ba là khu vực Đông Bắc, thứ tư là khu vực Tây Nguyên và Duyên hải Nam Trung Bộ và Khu vực Đông Nam Bộ, thứ năm là khu vực đồng bằng sông Hồng. Khu vực miền Tây Nam Bộ có độ nguy hiểm thấp nhất cả nước.

Tin nổi bật