Ba thập kỷ trước, Steve McCurry đã chụp bức ảnh được cho là có tính biểu tượng nhất mọi thời đại. Tuy nhiên, ngay cả sau ngần ấy thời gian, nhiếp ảnh gia nổi tiếng vẫn tràn đầy nhiệt huyết khi nói về bức ảnh "Cô gái Afghanistan" trong cuộc trò chuyện với CNN vào năm 2016.
“Cô gái ấy có một cái nhìn lạ thường, một cái nhìn xuyên thấu", ông nhớ lại. "Khi đó, xung quanh tôi là những đám người đông đúc, bụi bay mù mịt. Ảnh được chụp bằng máy kỹ thuật số và tôi không thể biết được rằng điều gì sẽ xảy ra với cuộn phim".
Sharbat Gula, cô gái Afghanistan, ở trại tị nạn Nasir Bagh gần Peshawar, Pakistan, tháng 12 /1984. Ảnh: Steve McCurry.
"Khi tôi chụp bức ảnh đó, tôi biết rằng nó rất đặc biệt. Tôi đã đưa nó cho biên tập viên của tạp chí National Geographic xem, anh ấy đứng lên ngay lập tức và hét lớn: 'Đây sẽ là trang bìa tiếp theo của chúng tôi'". "Cô gái Afghanistan" không chỉ trở thành trang bìa tiếp theo của tạp chí vào thời điểm đó mà còn là ảnh bìa thành công và xuất sắc nhất trong lịch sử báo chí.
Bức chân dung nổi bật của cô bé 12 tuổi Sharbat Gula, một đứa trẻ mồ côi trong trại tị nạn Nasir Bagh ở biên giới Afghanistan-Pakistan, được chụp vào tháng 12 /1984. "Cô gái" năm ấy giờ đã trở thành nười phụ nữ ngoài 40 tuổi.
"Cô gái Afghanistan" giờ đã trở thành nười phụ nữ ngoài 40 tuổi. Ảnh: DR.
Steve kể rằng: "Có những lúc tôi thấy hàng ngàn người dân Afghanistan đang bị nhồi nhét trong cái trại tị nạn bẩn thỉu này, không nước sạch, không điện, bệnh tật ở khắp nơi".
Tháng 12/1984, Steve bất chợt nghe thấy tiếng con trẻ cười nói trong một cái lều lớn ở trại tị nạn tại thành phố Peshawar, Pakistan. Đó là nơi các bé gái được học con chữ. Steve kể lại cơ duyên với đứa trẻ 12 tuổi và bức ảnh để đời của ông: "Tôi thấy bé gái với đôi mắt đẹp sững người và tôi biết rằng tôi nhất định phải chụp được tấm hình cô bé ấy. Chỉ vài giây thôi, mọi thứ đã ở tình trạng hoàn hảo nhất, từ ánh sáng tự nhiên, hậu cảnh, biểu cảm khuôn mặt, ánh mắt của cô bé, tất cả đều làm tôi hài lòng".
Nhiếp ảnh gia kỳ cựu Steve McCurry. Ảnh: Bruno Barbey.
Khi McCurry suy ngẫm về sự nổi tiếng của bức ảnh, điều khiến ông cảm thấy phấn khích nhất là tác động của hình ảnh đơn lẻ này đối với thế giới thực. Ông nói: “Mọi người tình nguyện làm việc trong các trại tị nạn vì bức ảnh đó. Người Afghanistan vô cùng tự hào về điều đó, vì cô gái tuy nghèo nhưng thể hiện niềm tự hào, sự dũng cảm và lòng tự tôn cao.
Nó thu hút sự chú ý đến hoàn cảnh của họ và truyền cảm hứng cho rất nhiều người. Bức ảnh cũng khiến National Geographic thành lập Quỹ Trẻ em Afghanistan". Bức chân dung "Cô gái Afghanistan" trở thành tâm điểm của một cuộc triển lãm hồi tưởng lớn về tác phẩm của nhiếp ảnh gia McCurry, được khai mạc ở Monza, Ý vào năm 2016.
Sharbat Gula đã trở nên nổi tiếng trên bìa ảnh National Geographic ấn bản tháng 6/1985. Ảnh: National Geographic.
"Thật tuyệt khi nhìn lại công việc của mình và tôi thậm chí chưa bao giờ nghĩ đến chuyện nghỉ hưu", người đàn ông 71 tuổi nói với CNN từ studio của mình ở New York.
"Có rất nhiều địa điểm mới và những câu chuyện làm tôi mê mẩn. Tôi có một danh sách dài những nơi cần đến: Iran, Madagascar, Mông Cổ, Nga. Tôi tin rằng khi bạn tìm thấy điều gì đó bạn yêu thích, bạn sẽ làm điều đó cả đời". Bức ảnh nổi tiếng chỉ là một trong hàng nghìn bức ảnh đặc biệt mà McCurry đã thực hiện trong suốt 40 năm sự nghiệp, trong đó ông đã giành được hàng chục giải thưởng.
Bích Thảo (Theo CNN)