Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Cả nước ghi nhận hơn 100.000 trường hợp mắc tay chân miệng, 22 ca tử vong

  • Thùy Dung
(DS&PL) -

Tích lũy từ đầu năm đến thời điểm này, cả nước ghi nhận 100.210 trường hợp mắc tay chân miệng; 22 ca tử vong. So với cùng kỳ năm 2022 (52.296/3) số mắc tăng 91,6%, tử vong tăng 19 trường hợp.

Theo thống kê, trong tuần 39/2023 cả nước ghi nhận 7.048 trường hợp mắc tay chân miệng, không có trường hợp tử vong. So với tuần trước đó, số mắc tăng 3,8%. 

Tại Hà Nội, theo tin từ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội, trong tuần tuần 38 Hà Nội có 265 ca mắc tay chân miệng (tăng gần gấp đôi so với tuần trước đó). Một số quận, huyện ghi nhận nhiều bệnh nhân như: Sóc Sơn (69 ca), Cầu Giấy (26 ca), Hoài Đức (25 ca), Hà Đông (18 ca), Ba Vì (15 ca), Thanh Xuân (15 ca), Đống Đa (12 ca).

Số ca mắc tay chân miệng ngày càng tăng. Ảnh minh họa.

Như vậy, số ca mắc tay chân miệng trong tuần đầu tiên của tháng 10/2023 đã tăng gấp đôi so với 2 tuần cuối tháng 9 và tăng hơn 3,5 lần so với cuối tháng 8. Cụ thể, vào cuối tháng 8 và đầu tháng 9-2023, trung bình mỗi tuần, trên địa bàn thành phố ghi nhận 70-75 ca mắc tay chân miệng. Đến 2 tuần cuối tháng 9-2023, số ca mắc đã tăng lên khoảng 140 ca/tuần.

Cộng dồn từ đầu năm 2023 cho đến nay, Hà Nội ghi nhận 2.063 ca mắc tay chân miệng (tăng gần 1,4 lần so với cùng kỳ năm 2022) nhưng chưa ghi nhận ca tử vong.

Tại TP Hồ Chí Minh, số ca mắc bệnh tay chân miệng tại từ đầu năm đến nay khoảng 30.000 ca. Riêng trong tuần qua, TP Hồ Chí Minh đã ghi nhận 1.532 ca mắc tay chân miệng, tăng gần 1,5 lần so với trung bình của 4 tuần trước. Các quận và huyện với số ca mắc bệnh trên 100.000 dân bao gồm Quận Bình Tân, Huyện Nhà Bè và Huyện Bình Chánh. Hiện Thành phố đang điều trị cho 346 ca bệnh tay chân miệng, trong đó 103 ca có địa chỉ tại TP Hồ Chí Minh.

Tay chân miệng là bệnh truyền nhiễm do nhóm virus đường ruột Enterovirus gây nên, thường gặp nhất là Coxsackie A16 và Enterovirus type 71. Trong đó, Enterovirus type 71 (EV71) gây nhiều biến chứng nguy hiểm viêm não, viêm màng não, viêm phổi, viêm cơ tim và có thể dẫn đến tử vong. Bệnh có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi, tuy nhiên có đến 90% là ở trẻ nhỏ, nhất là các bé dưới 5 tuổi.

Theo đánh giá của các chuyên gia thời tiết chuyển mùa, mưa nắng thất thường kết hợp với việc học sinh quay trở lại trường học sau thời gian nghỉ hè khiến số ca tay chân miệng gia tăng.

Báo Sức khỏe & Đời sống dẫn lời ThS. Đỗ Thị Thúy Hậu – Điều dưỡng trưởng Trung tâm Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Nhi TW, bệnh tay chân miệng có nhiều biến chứng nguy hiểm và đặc biệt là diễn biến rất nhanh trong vòng vài giờ.

Do đó, khi trẻ được điều trị bệnh tại nhà, ngoài việc chăm sóc và cho trẻ uống thuốc theo đúng hướng dẫn của bác sĩ thì cha mẹ cần theo dõi sát diễn biến bệnh của trẻ để kịp thời đưa trẻ đến cơ sở y tế, tránh hậu quả đáng tiếc có thể xảy ra.

Dấu hiệu của bệnh tay chân miệng

Hầu hết trẻ mắc bệnh tay chân miệng nếu được phát hiện sớm và theo dõi chặt chẽ sẽ có quá trình điều trị nhẹ nhàng, dự phòng được các biến chứng và hạn chế được nguy cơ tử vong.

Thời gian ủ bệnh và dấu hiệu

- Sau khi nuốt phải virus gây bệnh và trải qua thời gian ủ bệnh từ 3-7 ngày, người bệnh bắt đầu xuất hiện các triệu chứng với biểu hiện đặc trưng là phát ban dạng phỏng nước ở lòng bàn tay, lòng bàn chân, gối, mông. Ban tồn tại trong thời gian ngắn (dưới 7 ngày) sau đó có thể để lại vết thâm, rất hiếm khi loét hay bội nhiễm.

- Loét miệng là biểu hiện rất thường gặp ở trẻ nhỏ khi mắc bệnh này. Vị trị loét thường được phát hiện nhiều nhất là vùng hầu họng (gần lưỡi gà), niêm mạc má, môi hoặc lưỡi. Số lượng từ 1 đến vài mụn loét trong miệng, kích cỡ khoảng 2 mm – 3 mm. Loét miệng khiến trẻ đau rát khi ăn, bỏ ăn, bỏ bú và tăng tiết nước bọt.

Bác sĩ thăm khám cho trẻ mắc tay chân miệng. Ảnh: Sức khỏe & Đời sống.

- Sốt: Hầu hết trẻ chỉ sốt nhẹ, nhiệt độ thường từ 37,5°C – 38° C. Khi trẻ bị sốt cao trên 39° C liên tục từ 2 ngày trở lên là một trong những dấu hiệu gợi ý trẻ có thể có biến chứng nghiêm trọng, cần phải nhập viện để theo dõi điều trị.
- Trẻ bị tiêu chảy, trên mông xuất hiện các nốt mụn lở, rộp da.
- Rối loạn tri giác, mê sảng.

Dấu hiệu cảnh báo bệnh tay chân miệng trở nặng, cha mẹ cần chú ý:

- Sốt cao không đáp ứng với điều trị: Trẻ sốt trên 38,5 0C kéo dài hơn 48 giờ và không đáp ứng với thuốc hạ sốt. 

- Giật mình: đây là dấu hiệu của tình trạng nhiễm độc thần kinh. Cha mẹ chú ý quan sát xem tần suất giật mình có tăng theo thời gian hay không. 

- Quấy khóc dai dẳng kéo dài: Trẻ có thể quấy khóc nhiều, quấy khóc cả đêm không ngủ (Trẻ cứ ngủ khoảng 15-20 phút lại dậy quấy khóc khoảng 15-20 phút rồi lại ngủ tiếp). 

- Một số dấu hiệu khác: khó thở, nôn nhiều, nôn khan, khó nuốt, yếu chân tay, đi loạng choạng…

Biến chứng của bệnh tay chân miệng

Biểu hiện lâm sàng của bệnh tay chân miệng giống bất kể chủng virus gây bệnh nào. Tuy nhiên, bệnh nhân nhiễm EV71 có nhiều khả năng dẫn đến các biến chứng hiếm gặp nhưng rất nguy hiểm có thể dẫn đến tử vong. Như là biến chứng viêm màng não, viêm não do virus, hoặc tổn thương cơ tim.

Chủ động phòng ngừa

Điều đáng lưu ý là hiện nay vẫn chưa có thuốc tiêu diệt được tác nhân gây bệnh, hay nói cách khác là chưa có thuốc điều trị đặc hiệu. Vì vậy thái độ tích cực nhất đối với bệnh tay chân miệng là dự phòng không để mắc bệnh.

Phòng bệnh cá nhân:

- Mỗi cá nhân hình thành thói quen và văn hoá vệ sinh tay, huấn luyện cho trẻ em thói quen vệ sinh tay đúng bằng xà phòng.

- Trẻ phải được nghỉ học, cách ly trẻ lành và trẻ bị bệnh để tránh lây lan.

- Giám sát các hoạt động của trẻ bị bệnh trong sinh hoạt hằng ngày.

- Phòng bệnh trong gia đình và cộng đồng:

- Xây dựng văn hoá vệ sinh trong gia đình, lớp học, nhà trường; đặc biệt với người trực tiếp chăm sóc trẻ…

Biện pháp phòng bệnh tay chân miệng. Ảnh: Báo Quân đội nhân dân.

- Lau rửa, vệ sinh đồ chơi, dụng cụ sau khi sử dụng (khuyến khích sử dụng hoá chất khử khuẩn).

- Vệ sinh tay đúng cách sau khi thay tã, lót, khi có tiếp xúc với phân, nước bọt. Không xả, làm văng bắn nước bọt, phân ra ngoài môi trường.

- Lau vệ sinh sàn nhà bằng dung dịch khử khuẩn. Sử dụng nguồn nước sạch.

- Đối với trẻ tuổi mẫu giáo: vệ sinh bề mặt, vệ sinh đồ chơi, dụng cụ ăn uống

- Tắm rửa sạch sẽ cho trẻ bằng xà phòng và nước sạch

- Đảm bảo dinh dưỡng cho trẻ đầy đủ.Theo dõi các dấu hiệu chỉ điểm biến chứng sớm.

- Vật dụng cá nhân ăn uống của trẻ như bình sữa, ly uống nước, chén ăn cơm, muỗng ăn…nên được luộc sôi và sử dụng riêng biệt cho từng trẻ.

- Đồ chơi và vật dụng thường dùng của trẻ cần phải được tẩy trùng sạch sẽ bằng những dung dịch sát khuẩn được ngành y tế khuyên dùng như dung dịch Cloramin B 2%, dung dịch nước Javel hoặc xà phòng sát khuẩn để tạo tính an toàn cho trẻ khi sử dụng.

Cách chăm sóc trẻ mắc tay chân miệng tại nhà, tránh biến chứng nguy hiểm

Cách ly và kiểm soát tình trạng sốt của trẻ

- Đối với trẻ mắc tay chân miệng ở mức độ nhẹ, chỉ có loét miệng, tổn thương ở da đi kèm hoặc không kèm sốt thì trẻ có thể được điều trị và theo dõi tại nhà. Tuy nhiên, rất nhiều cha mẹ vẫn bối rối không biết chăm sóc cho trẻ tại nhà như thế nào để tránh tình trạng bệnh trở nặng.

- Với mong muốn giúp cha mẹ có thêm kiến thức trong việc chăm sóc và nhận biết các dấu hiệu bệnh chuyển nặng, mời cha mẹ cùng đọc những thông tin hữu ích.

- Khi trẻ mắc tay chân miệng, gia đình nên cho trẻ cách ly ở nhà trong 10-14 ngày đầu của bệnh. Đồng thời, gia đình cần báo ngay cho trường học, nhà trẻ hoặc cơ quan y tế gần nhất để có phương án vệ sinh các bề mặt, dụng cụ mà trẻ đã từng tiếp xúc, cũng như theo dõi sức khoẻ của các bé đã tiếp xúc với trẻ mắc bệnh.

Nơi ở của trẻ cần thông thoáng, sạch sẽ, có ánh nắng mặt trời.

Nếu trẻ sốt trên 38, 5 độ C, cha mẹ chườm ấm ở cổ, nách, bẹn kết hợp cho trẻ uống thuốc hạ sốt thành phần Paracetamol 10-15mg/kg cách 4-6 giờ/lần, 1 ngày không quá 4 lần. Nếu trẻ vẫn sốt cao liên tục thì cha mẹ dùng Ibuprofen 5-10mg/kg/lần xen kẽ với Paracetamol (Ibuprofen cần uống theo chỉ định của bác sĩ).

Các bác sĩ lưu ý, để tránh trẻ bị nhiễm lạnh dẫn đến viêm phổi, cha mẹ cần chú ý không làm ướt quần áo của trẻ khi chườm ấm. Cho trẻ uống dung dịch Oresol theo nhu cầu để đảm bảo cân bằng nước và điện giải (Oresol cần được pha đúng liều lượng in trên bao bì).

Vệ sinh cơ thể, chăm sóc da đúng cách

- Vệ sinh răng miệng cho trẻ bằng dung dịch NaCl 0,9% hoặc pha nước ấm với muối (1 muỗng 5g muối pha với 240ml nước ấm).

- Với trẻ lớn có thể nuốt, cha mẹ cho trẻ tự xúc miệng

- Với trẻ nhỏ, dùng tay quấn gạc mềm vệ sinh răng, góc má, lưỡi nhẹ nhàng, tránh làm tổn thương niêm mạc miệng.

- Bôi Glycerin borat, Zytee,…vào vết loét miệng 3 lần/ ngày, trước khi ăn 30 phút – 1 giờ.

- Vệ sinh thân thể, cha mẹ tắm cho trẻ hàng ngày bằng xà phòng sát khuẩn hoặc nước sạch, sau khi tắm bôi Betadine 3% đề phòng nhiễm trùng da.

Hầu hết trẻ bị tay chân miệng hồi phục dần sau 7-10 ngày. Tuy nhiên cũng có một tỉ lệ gặp các biến chứng nguy hiểm tới tính mạng như viêm não, viêm cơ tim, phù phổi cấp… thậm chí dẫn đến tử vong. Ảnh minh họa.

- Cha mẹ cần chú ý tắm cho trẻ nhẹ nhàng, không kỳ cọ mạnh, không chọc vỡ hay đắp lá lên nốt phỏng.

- Cắt móng tay cho con để trẻ không gãi mạnh làm vỡ các nốt phỏng nước, gây nhiễm trùng.

- Nếu trẻ còn bú, tiếp tục cho ăn sữa mẹ (vắt sữa đổ thìa khi trẻ đau miệng không bú được). Trẻ lớn cho trẻ ăn thức ăn lỏng, dễ tiêu như súp, cháo. Nên cho trẻ ăn làm nhiều bữa nhỏ. Không nên cho trẻ ăn đồ cay, nóng, cứng.

Bệnh tay chân miệng có nhiều biến chứng nguy hiểm và đặc biệt là diễn biến rất nhanh trong vòng vài giờ.

Do đó, khi trẻ được điều trị bệnh tại nhà, ngoài việc chăm sóc và cho trẻ uống thuốc theo đúng hướng dẫn của bác sĩ thì cha mẹ cần theo dõi sát diễn biến bệnh của trẻ để kịp thời đưa trẻ đến cơ sở y tế, tránh hậu quả đáng tiếc có thể xảy ra, thông tin từ Kinh tế & Đô thị.

Thùy Dung (T/h)

Tin nổi bật