Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Tin tức đời sống mới nhất ngày 11/10: Hà Nội ghi nhận ổ dịch tay chân miệng ở trường mầm non

  • Đinh Kim
(DS&PL) -

Tin tức đời sống mới nhất ngày 11/10/2023. Cập nhật tin đời sống mới nhất ngày 11/10/2023 trên trang Đời sống & Pháp luật.

Hà Nội ghi nhận ổ dịch tay chân miệng ở trường mầm non

VietnamPlus dẫn thông tin từ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội cho biết, trong tuần (từ ngày 29/9 đến 6/10), Hà Nội có thêm 265 ca mắc tay chân miệng (tăng gần gấp đôi so với tuần trước đó).

Một số quận, huyện tại Hà Nội ghi nhận nhiều bệnh nhân mắc tay chân miệng như: Sóc Sơn (69 ca), Cầu Giấy (26 ca), Hoài Đức (25 ca), Hà Đông (18 ca), Ba Vì (15 ca), Thanh Xuân (15 ca), Đống Đa (12 ca).

Như vậy, số ca mắc bệnh tay chân miệng trong tuần đầu tiên của tháng 10 đã tăng gấp đôi so với 2 tuần cuối tháng 9 và tăng hơn 3,5 lần so với cuối tháng 8. Cộng dồn từ đầu năm 2023 đến nay, Hà Nội ghi nhận 2.063 ca mắc tay chân miệng (tăng gần 1,4 lần so với cùng kỳ năm 2022) nhưng chưa ghi nhận ca tử vong.

Ngoài ra, trong tuần (từ ngày 29/9 đến 6/10), thành phố cũng ghi nhận thêm 2 ổ dịch tay chân miệng tại 2 quận, huyện Sóc Sơn và Đống Đa. Cộng dồn từ đầu năm đến nay đã có 47 ổ dịch, hiện còn 2 ổ dịch đang hoạt động.

Một số quận, huyện có số mắc tăng cao như Sóc Sơn, Cầu Giấy, Hoài Đức… đã ghi nhận các ổ dịch tại các trường mầm non, mẫu giáo. Ảnh minh họa

Theo đánh giá của CDC Hà Nội, thời tiết chuyển mùa, mưa nắng thất thường kết hợp với việc học sinh quay trở lại trường học sau thời gian nghỉ hè khiến số ca tay chân miệng gia tăng.

Đặc biệt, trong tuần qua, một số quận, huyện có số mắc tăng cao như Sóc Sơn, Cầu Giấy, Hoài Đức… đã ghi nhận các ổ dịch tại các trường mầm non, mẫu giáo. Dự báo, trong các tuần tới, bệnh nhân có thể tiếp tục gia tăng.

Tay chân miệng là bệnh truyền nhiễm do nhóm virus đường ruột Enterovirus gây nên, thường gặp nhất là Coxsackie A16 và Enterovirus type 71. Trong số đó, Enterovirus type 71 (EV71) gây nhiều biến chứng nguy hiểm viêm não, viêm màng não, viêm phổi, viêm cơ tim và có thể dẫn đến tử vong. Bệnh có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi, tuy nhiên có đến 90% là ở trẻ nhỏ, nhất là các bé dưới 5 tuổi.

CDC Hà Nội khuyến cáo để phòng, chống bệnh tay chân miệng đối với khối trường mầm non, tiểu học cần tăng cường vệ sinh lớp học, đồ chơi, khăn mặt của học sinh... đồng thời hướng dẫn giáo viên các biện pháp phòng, chống bệnh tay chân miệng.

Hiện chưa có vaccine phòng bệnh tay chân miệng và chưa có thuốc điều trị đặc hiệu. Các biện pháp phòng bệnh là vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường nhằm hạn chế lây lan. Cha mẹ không được chủ quan khi con mình mắc tay chân miệng và cần phải theo dõi chặt chẽ diễn biến của bệnh.

Người đàn ông trúng “đạn lạc” khi đang làm rẫy

Theo thông tin trên báo Sức Khỏe & Đời Sống, bệnh nhân là anh Đ.T.H (34 tuổi), trú tại xã Mai Thủy, huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình. Người bệnh kể, sáng 10/10, anh đang làm rẫy gần đỉnh đồi thì bất chợt đau nhói ở vùng ngực phải, sau đó xuất hiện chảy nhiều máu. Bệnh nhân được người nhà đưa vào Bệnh viện Đa khoa huyện Lệ Thủy để cấp cứu vào trưa cùng ngày.

Các bác sĩ cho biết, thời điểm nhập khoa Ngoại Bệnh viện Đa khoa huyện Lệ Thủy, bệnh nhân chảy máu vùng ngực phải do bị trúng viên đạn lạc. Mặc dù chảy máu nhưng bệnh nhân vào viện trong tình trạng tỉnh táo, mọi chỉ số sinh tồn trong tình trạng ổn định.

Vùng ngực phải có một vết rách dài 1cm, bờ nham nhở, đang chảy máu, phổi không nghe tiếng rales, thông khí hai bên tốt. Chụp XQ thấy một dị vật cản quang giống hình viên đạn chì của súng hơi nằm ở hạ đòn phải, cách vị trí vết thương khoảng 15cm. Các bác sĩ tiến hành phẫu thuật và gắp ra viên đạn chì của súng hơi dài 0.7cm.

Các bác sĩ tiến hành phẫu thuật cho người bệnh và gắp ra viên đạn chì của súng hơi dài 0.7cm. Ảnh: Sức Khỏe & Đời Sống

"Bệnh nhân bị viên đạn xuyên vào ngực phải và chạy ngược lên phía hạ đòn phải. Rất may mắn, do hướng đi của viên đạn khá song song với thành ngực nên viên đạn không xuyên vào phổi hoặc các mạch máu lớn ở trong lồng ngực. Chúng tôi đã phẫu thuật gắp viên đạn ra an toàn", bác sĩ Nguyễn Trung Dũng - Trưởng khoa Ngoại, cũng là phẫu thuật viên chính chia sẻ.

Nhiễm trùng đường mật do sán lá gan xuất hiện trong ống mật

VTV News đưa tin, một bệnh nhân bị sán lá gan cư trú ở trong ống mật chủ gây tắc mật nhiễm trùng vừa được các bác sĩ Bệnh viện C Đà Nẵng nội soi mật tụy ngược dòng (ERCP) lấy ra ngoài.

Trước đó, bệnh nhân bị đau bụng, sốt, vàng da, vàng mắt, được tuyến dưới chuyển đến Bệnh viện C Đà Nẵng với chẩn đoán tắc mật nhiễm trùng do sỏi ống mật chủ. Sau khi hội chẩn, bệnh nhân đã được tiến hành kỹ thuật nội soi mật tụy ngược dòng, kết quả lấy ra con sán lá gan lớn. Sau nội soi, bệnh nhân hết đau, hồi phục tốt.

Theo các bác sĩ, sán lá gan là một trong các nguyên nhân gây bệnh lý về đường mật như sỏi mật, sỏi gan, ung thư đường mật. Một số trường hợp ấu trùng sán sinh sôi có thể xâm nhập vào các cơ quan thiết yếu trong cơ thể như não, tim, phổi… đe dọa tính mạng người bệnh.

Trong đường mật, miệng hút của sán bám sâu vào thành đường mật gây tình trạng viêm loét đường mật, tắc mật, viêm loét, hoại tử túi mật, nhiễm trùng đường mật.

Người dân nên hạn chế  ăn rau sống, chỉ ăn khi mua ở nơi đảm bảo và vệ sinh rửa rau sạch đúng quy trình để phòng tránh bệnh sán lá gan và các bệnh ký sinh trùng khác. Ảnh minh họa

Nhiễm trùng đường mật có thể dẫn đến nhiều biến chứng nghiêm trọng nếu không được chẩn đoán và điều trị kịp thời. Nguy hiểm nhất là nhiễm trùng huyết dẫn đến suy gan, suy thận cấp, sốc nhiễm trùng nặng… dẫn đến tử vong.

Can thiệp qua nội soi tiêu hóa có giá trị tương đương với phẫu thuật, thời gian nằm viện ngắn, ít biến chứng, chi phí thấp, hời gian phục hồi sức khỏe nhanh, không ảnh hưởng đến thẩm mỹ. Bệnh nhân không phải trải qua phẫu thuật nên hạn chế được nhiều nguy cơ tai biến như chảy máu, nhiễm trùng vết mổ….

Các bác sĩ khuyến cáo, ngay khi xuất hiện các dấu hiệu bệnh lý như đau bụng, sốt, vàng da, người dân cần đến các cơ sở y tế để được thăm khám và điều trị kịp thời.

XEM THÊM: Sự thật về việc chanh có thể giảm mụn trứng cá và sẹo

Để phòng tránh bệnh sán lá gan và các bệnh ký sinh trùng khác, người dân nên thực hiện ăn chín, uống sôi, không nên ăn các loại thực phẩm tươi sống chưa qua chế biến.

Đồng thời, hạn chế ăn rau sống, chỉ ăn khi mua ở nơi đảm bảo và vệ sinh rửa rau sạch đúng quy trình; tăng cường vệ sinh môi trường, giữ gìn nơi ở sạch sẽ; tẩy giun định kỳ 6 tháng một lần.

Đinh Kim (T/h)

Tin nổi bật