Theo bác sĩ Đoàn Dư Mạnh, Hội Bệnh mạch máu Việt Nam, nhiều người áp dụng cách bơi lội, để cơ thể bài tiết qua đường mồ hôi, từ đó giảm say, điều này hoàn toàn sai lầm.
Sau khi sử dụng đồ uống có cồn, các mạch máu giãn tối đa, nếu bạn nhảy xuống hồ bơi, gặp nhiệt độ lạnh đột ngột sẽ gây co mạch, nguy cơ vỡ mạch máu hoặc hình thành cục máu đông, gây đột quỵ nhồi máu não. Chưa kể khi mạch máu đang giãn tối đa, việc xuống bơi khiến bạn dễ nhiễm lạnh, tăng nhịp tim, choáng váng, khó thở.
Việc bơi lội có thể khiến hạ đường huyết và rất dễ bị ngất hoặc khiến cơ thể hạ thân nhiệt, dễ trúng gió. Rượu bia làm suy giảm khả năng về trí tuệ và thể chất, khi bạn xuống hồ bơi sẽ dễ mất khả năng kiểm soát bản thân, dẫn đến hậu quả nghiêm trọng như bị thương hoặc đuối nước.
Nhiều trường hợp được sơ cứu kịp thời vẫn có thể xuất hiện hàng loạt biến chứng nghiêm trọng trên hệ hô hấp, tuần hoàn và thần kinh trung ương. Bên cạnh đó, người say rượu dễ nôn ói khi bơi dẫn đến sặc chất nôn và nước vào phổi, gây suy hô hấp cấp.
Sau khi sử dụng đồ uống có cồn, việc bơi lội có thể khiến hạ đường huyết và rất dễ bị ngất.
Một số quan niệm sai lầm trong việc giải rượu
Uống nước quá nhiều
Theo bác sĩ Mạnh, uống nước giúp tăng lượng nước tiểu bài tiết, từ đó hỗ trợ đào thải chất cồn ra ngoài cơ thể. Tuy nhiên, việc cố gắng uống thật nhiều nước với mong muốn giảm nhanh nồng độ cồn trong máu thực ra có thể gây hại.
Ethanol khi vào cơ thể, chỉ khoảng 5-10% được thải ra qua mồ hôi, hơi thở và nước tiểu; phần lớn 90-95% được chuyển đến gan để chuyển hóa.
Vì vậy, lượng cồn được thải qua nước tiểu không nhiều, mà uống quá nhiều nước sẽ làm loãng điện giải trong cơ thể, gây mất cân bằng và làm tình trạng mất muối vốn có sau khi uống rượu trở nên nghiêm trọng hơn.
Giải pháp bù nước và bù muối hợp lý, dễ thực hiện tại nhà là sử dụng các loại nước hoa quả, nước chanh pha muối, oresol hoặc nước khoáng chứa muối khoáng.
Cần lưu ý thêm, khi uống nước bù thì phải ăn kèm thức ăn giàu năng lượng, đặc biệt là tinh bột như cơm, cháo để tránh hạ đường huyết.
Có nhiều quan niệm sai lầm trong việc giải rượu
Xông hơi giải rượu
Xông hơi là thói quen của nhiều người sau khi uống rượu, vì nghĩ rằng cách này giúp đào thải cồn qua mồ hôi đồng thời thư giãn.
Tuy nhiên, xông hơi sau khi uống rượu lại có thể gây nguy hiểm. Rượu bia ảnh hưởng mạnh đến hệ tuần hoàn, gây co mạch ngoại biên và giãn mạch trung tâm. Ngoài ra, cồn làm giảm khả năng đông máu, dễ gây vỡ mạch máu trong não, dẫn đến các biến chứng nghiêm trọng như tai biến, chèn ép sọ não và thậm chí tử vong.
Vì thế, sau khi uống rượu, không nên xông hơi mà cần nghỉ ngơi, tránh vận động mạnh để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.
Cách hạn chế bị say khi uống rượu
Để giảm nguy cơ say, cách tốt nhất là hạn chế hoặc không uống rượu bia. Một số thuốc bảo vệ dạ dày (không phải thuốc giải rượu) có thể giúp giảm cảm giác say nhờ tạo một lớp màng bảo vệ niêm mạc dạ dày, làm chậm hấp thu cồn vào máu.
Ngoài ra, sau khi uống rượu, bù điện giải bằng cách uống oresol đúng liều lượng và uống nước đều đặn giúp tăng bài tiết và làm giảm nồng độ cồn trong cơ thể nhanh hơn, từ đó giảm cảm giác say. Tuy nhiên, cần bổ sung nước từ từ và lắng nghe cơ thể để tránh phản ứng không mong muốn.