Đột nhập "tổng kho"
Nằm trong một con ngõ nhỏ trên phố Đặng Văn Ngữ (Đống Đa, Hà Nội), cơ sở H.B được người dân nơi đây biết đến là "thủ phủ" của các loại dầu ăn siêu rẻ. Gọi là cơ sở nhưng thực ra đây chỉ là một ngôi nhà lợp mái tôn, rất bừa bộn và nhếch nhác.
Tuy nhiên, mỗi ngày, cơ sở này "xuất xưởng" hàng chục can dầu ăn cho các quận trong nội thành Hà Nội. Chúng tôi đến cơ sở H.B vào một buổi trưa, mặc dù vào thời điểm giữa trưa, trời nắng gắt nhưng khi PV đến nơi vẫn thấy hai thanh niên đang sửa soạn trên hai chiếc xe máy cũ kỹ, rách nát chuẩn bị chở dầu ăn đi bỏ mối.
Mỗi chiếc xe cõng trên lưng 4 can dầu ăn loại 20 lít, vừa chạy ra khỏi kho được mấy mét, một người đàn bà chạy ra gọi với: "Nhớ lấy vỏ can hôm trước về nhé". Nghe người này nói vậy, chúng tôi đoán được ngay, nơi vừa gọi điện đặt "hàng" chính là mối quen của cơ sở này.
Một nhân viên của cơ sở phân phối dầu ăn H.B đang chở những can dầu ăn đi giao hàng. |
Tấp vào một quán trà đá ngay sát kho chứa dầu ăn, chúng tôi được bà chủ quán cho biết: "Từ sáng đến giờ, hai chú kia chở cả mấy chục can đi giao rồi. Bình thường, hai ngày, người ta lại chở đến đây một ô tô dầu ăn. Mùa đông thì dầu bán chạy hơn bởi vào mùa bán bánh rán, bánh khoai, nem chả.."
"Hầu hết các quán ăn bình dân, bún đậu mắm tôm, nhà hàng trên địa bàn quận Đống Đa (Hà Nội) thường sử dụng loại dầu ăn này. Người ta nói rằng, đây là dầu ăn chính hãng, nhưng không hiểu sao lại rẻ đến vậy?! Vào mùa, ông bà chủ cơ sở này còn phải thuê thêm người để đi giao hàng vì khách gọi điện đặt hàng liên tục. Mấy hôm trước, tôi nghe mấy cậu chở "hàng" nói rằng, "cao thủ" nhất là một quán cơm bình dân ở gần đây, mỗi tháng, họ sử dụng đến cả mấy chục can dầu ăn 20 lít".
Để thực mục sở thị bên trong của "lò" chứa dầu ăn này, chúng tôi vào vai cặp vợ chồng muốn mở một quán bún đậu, mắm tôm trên phố Lò Đúc (Hà Nội). Mới bước vào bên trong cơ sở này, chúng tôi cảm thấy "sốc" vì như bước vào một “lò thiêu”. Hai bên đường vào và cả trước cửa nhà, được chủ kho tận dụng xếp những chiếc can loại 20-25 lít. Trời nắng to, mùi bốc ra từ những chiếc can nhựa xếp cao quá đầu người khiến chúng tôi ngột ngạt đến khó thở. Bên trong, chị H. đang ngồi ở chiếc bàn đặt giữa nhà để tính toán sổ sách và một nhân viên đang gục mặt tranh thủ ngủ. Chỉ đứng đó khoảng 10 phút, người chúng tôi đã ướt đẫm vì nóng nực.
Thấy người lạ tiến vào, một người đàn ông dắt xe máy bước đến chặn đường. Anh ta hỏi, chúng tôi đến đây gặp ai và có việc gì. Thấy PV cần mua dầu, người đàn ông này chỉ chúng tôi đến gặp chị H.. Sau này chúng tôi mới biết, anh ta tên B., là chủ của cơ sở này. Mặc dù đồng ý cho người lạ vào nhà, nhưng anh B. vẫn dõi theo chúng tôi từng bước chân. Thậm chí, đang dắt xe định ra ngoài nhưng thấy người lạ, anh B. quyết định ở nhà, có lẽ để theo dõi.
Hé lộ những góc khuất...
Trên tờ hóa đơn bán lẻ của cơ sở này có ghi, đây là nhà phân phối dầu ăn T.A, dầu ăn Mỹ, Hàn Quốc. Tuy nhiên, theo quan sát của PV, ở đây chỉ trưng hai loại dầu ăn là T.A và C.V (tên cụ thể của loại dầu ăn này chúng tôi sẽ đưa rõ ở các kỳ báo tới), tất cả đều được đựng trong những chiếc can 20 lít. Thấy chúng tôi phân vân giữa hai loại dầu ăn, chị H. tiến đến, quảng cáo: "Đây toàn là dầu ăn chính hãng cả. Dầu T.A chúng tôi nhập từ công ty về có tem phiếu đàng hoàng. Cơ sở này cung cấp cho hầu hết các quán ăn, nhà hàng ở quận Đống Đa. Đây là loại dầu ăn rẻ nhất rồi đấy. ở Hà Nội, người ta dùng loại này nhiều lắm". Theo bảng báo giá của chị H., 20 lít dầu ăn T.A chỉ có giá 410.000 đồng.
Mặc dù cảm thấy "sốc" về giá của loại dầu này nhưng chúng tôi vẫn giả vờ như giá quá cao để xem cơ sở này có giảm giá. Thấy chúng tôi có ý định bỏ đi, chị H. bảo: "Ngoài dầu T.A thì chúng tôi còn bán dầu C.V với giá 20.000 đồng/lít. Dầu này rẻ hơn T.A nhưng chất lượng không bằng". Nhìn vào những can dầu C.V đang đặt dưới sàn nhà ẩm thấp, chúng tôi hỏi do công ty nào sản xuất thì chị H. không nói gì và lúc sau bảo đã hết hàng. Sau này, ra các siêu thị, cửa hàng tạp hóa, chúng tôi hỏi về loại dầu ăn mang tên C.V nhưng không ai biết do công ty nào sản xuất. Thậm chí, tìm kiếm trên công cụ google cũng "bó tay", không tìm thấy loại dầu ăn nào có cái tên lạ lùng đến vậy.
Theo tìm hiểu của PV, ngoài kinh doanh các loại dầu ăn, cơ sở H.B còn phân phối các loại mì chính, bột canh, dấm. Chỉ vào những thùng đựng thứ nước màu trắng 20 lít bên ngoài lem nhem, cáu bẩn, tôi hỏi đó là loại dầu ăn gì, chị H. cười bảo: "Đó là dấm. Nếu chú mở cửa hàng bún đậu mắm tôm hoặc có quen người nào kinh doanh bún phở, cơm bình dân thì giới thiệu cho chị. Giá rẻ lắm, chỉ 50.000 đồng/can 20 lít". PV hỏi tiếp, dấm này do công ty nào sản xuất thì bà chủ cơ sở H.B ngập ngừng bảo: "Đây là dấm do người dân họ tự làm rồi bán cho chúng tôi chứ không phải "hàng" công ty. Tuy nhiên, chất lượng đảm bảo lắm". Nhìn dấm được đựng trong những chiếc can không có tem, nhãn, đặt chồng lên nhau ở nơi ẩm thấp, nóng nực như vậy, chúng tôi không khỏi rùng mình.
Theo lời người bán trà đá ngay cạnh cơ sở phân phối dầu ăn H.B, không chỉ trong nội thành mà các tỉnh ngoài như Bắc Ninh, Hưng Yên, Hà Nam, Vĩnh Phúc... cũng thường xuyên đặt hàng với số lượng lớn. Cứ mỗi khi có đơn hàng, những nhân viên ở đây lại xếp những can dầu ăn chồng lên nhau và "ship" (vận chuyển - PV) "hàng" đến tận nơi. "Giá 20.000 đồng/lít, họ tính cả tiền xăng xe và công vận chuyển rồi đấy", bà chủ quán trà đá tâm sự. Nếu đúng như người đàn bà này nói thì có lẽ, giá loại dầu ăn C.V và T.A đã tính cả tiền xăng xe và vận chuyển thì hai sản phẩm này còn có giá rẻ hơn nữa. Và, công ty sản xuất ra loại dầu ăn này làm cách nào để có thể sản xuất ra dầu ăn siêu rẻ như vậy thì chất lượng của chúng như thế nào? Bên cạnh đó, một cơ sở nhếch nhác như H.B liệu có đủ điều kiện để trở thành nhà phân phối? Vấn đề này, chúng tôi sẽ thông tin tới bạn đọc trong những kỳ tiếp theo.
Nói chuyện với PV, người phụ nữ bán trà đá bên cạnh cơ sở phân phối dầu ăn H.B cho biết, mỗi quận ở Hà Nội đều có đại lý phân phối dầu ăn T.A. Chính vì thế, họ quy ước rõ ràng với nhau rằng, không được vi phạm "lãnh địa". Nghĩa là cơ sở này không được chở hàng sang quận khác. "Hôm trước, vợ chồng H.B vừa bị phạt 10 triệu đồng vì "lấn sân". Sau khi nhận được đơn đặt "hàng" ở quận Hai Bà Trưng, nhân viên của cơ sở này đã chở "hàng" sang đó giao cho khách. Tuy nhiên, đang trên đường đi thì bị nhân viên của cơ sở bản địa bắt gặp và ghi hình được. Sau đó, cơ sở bị "phạt" 14 triệu đồng. Tuy nhiên, vợ chồng H.B năn nỉ mãi, họ mới giảm xuống còn 10 triệu đồng. Giờ nếu nhận được đơn đặt "hàng" từ quận khác, các cơ sở đều phải chở ban đêm để tránh bị phát hiện, bị phạt", người phụ nữ này chia sẻ. |