Dùng dầu “xịn” lấy đâu ra lãi (!)
Đó là phản ánh của nhiều người dân thường qua lại trên trục đường Láng, Cầu Giấy, Hà Nội. Không phải khó hiểu khi mà trên trục đường này, đoạn từ cầu Trung Hoà tới điểm giao với đường Cầu Giấy, Xuân Thuỷ lại có tới hàng chục hàng bán bánh khoai, bánh rán, xúc xích chiên,... Vào khoảng thời gian ban ngày, chỉ lác đác vài hàng, nhưng cứ đến chập tối, những bãi cỏ, vỉa hè trên đoạn đường này đã chật kín hàng.
Các "ô" được chia đều cho các hàng, có ranh giới hẳn hoi, khách của hàng nào phải ngồi trong ô của hàng đó. Chỗ chiên, rán bánh được đặt ngay trên vỉa hè, phần đường dành cho người đi bộ. "Hành trang" của mỗi chủ quán là một chảo lớn dùng để chiên bánh, một hai can dầu ăn loại lớn, nguyên liệu.
Nhìn lượng người qua lại tấp nập trên đường, khói bụi khiến nhiều người phải rùng mình khi nhìn những chảo dầu đang sôi sục trên bếp lửa. Thế nhưng, từ nhiều năm nay, những quán hàng kể trên vẫn tồn tại, phát triển nhiều hơn và... đắt khách hơn.
Những quán vỉa hè, lề đường là điểm tập kết, tiêu thụ công khai, phổ biến nhất của những loại dầu ăn không rõ nguồn gốc. |
Ghé lại một quán vào loại đông khách nhất trên cầu 361 vào khoảng tầm 20h, chúng tôi chọn ngồi ở chỗ cạnh người bán hàng thay vì ra bãi cỏ tâm sự như đa phần những người có mặt. Chảo dầu sôi lục bục trên bếp, những chiếc bánh chuối, bánh khoai, bánh ngô, nem chua được rán vàng ươm, vớt lên để trên giá cho bớt dầu mỡ rồi mang ra cho thực khách.
Thỉnh thoảng, có khách hàng chạy xe qua, dừng lại, xoè tiền ra rồi gọi chủ quán cho bánh vào túi rồi lại phóng vụt đi. Ngồi chừng được 1 tiếng đồng hồ, thấy chảo dầu có vẻ đã vơi đi quá nửa, chủ quán mới gạt đống túi bóng, thùng giấy, quang gánh sang một bên, với tay lấy một chai lớn dầu ăn N. rồi đổ trực tiếp vào chảo.
Lúc này, ở đáy chảo đã có rất nhiều cặn, những mẩu bánh thừa đen, màu dầu đã ngả sang màu khét, sậm đen. Chai dầu ăn cạn, người bán hàng lại dúi vào trong thùng đồ rồi lấy điện thoại gọi người nhà ra tiếp tế. Đợi chừng 10 phút sau, chúng tôi thấy một người đàn ông chạy xe máy ra, đằng sau treo lủng lẳng bình có vẻ là dầu ăn loại lớn.
Sau khi đậu xe, người đàn ông này lục trong thùng đồ của người bán hàng, lôi ra mấy chai dầu N. đã cạn, xách tất cả về phía bãi cỏ dưới chân cầu. Lúc sau, người đàn ông trở lại với mấy chai dầu đã đầy, còn thùng dầu lớn thì không thấy đâu. Thấy chúng tôi có vẻ tò mò, theo dõi, người bán hàng dường như không vui, bóng gió về việc ngồi lâu.
Theo phản ánh của nhiều người dân sống ở trục đường này, việc "trộm long, tráo phụng" ở các hàng bánh chiên, rán ở đây là chuyện "bình thường ở huyện". Để khách hàng yên tâm là dầu ăn của mình là loại "xịn", dùng một lần, nhiều quán vẫn thường nhờ ve chai thu mua các chai dầu đã dùng hết để làm "mồi".
Nhìn những chai dầu ăn Neptune, Cái Lân, Meizan, Tường An còn nguyên bao bì, khách cảm thấy yên tâm mà không ngờ rằng mình đang phải dùng dầu ăn loại tái chế, song thực tế chỉ có cái vỏ là "xịn". Với loại dầu ăn này, giá rất rẻ, vừa tiết kiệm chi phí, vừa tiện khỏi phải ra cửa hàng, siêu thị lớn, chỉ cần chủ quán có nhu cầu, alô xong chừng 30 phút sau các đại lý sẽ có người mang hàng tới.
"10 cửa hàng bánh ở đây thì đến 11 hàng dùng loại dầu can, dầu thùng, dầu không nhãn mác để bán cho khách chứ lấy đâu ra dầu xịn mà bán. Dùng dầu "xịn" thì lấy đâu ra lãi", một người bán hàng thật thà cho biết. Vừa nói, người bán hàng này vừa chỉ cho chúng tôi ra phía dưới chân cầu Cót, thấy mấy thùng dầu ăn cáu bẩn đã gần hết nằm lăn lóc.
Bát dầu ăn không rõ nguồn gốc (bát to) so với bát dầu ăn chính hãng (bát nhỏ) thì màu sậm hơn, sánh hơn nhiều. |
Qua mắt các đoàn kiểm tra...
Không chỉ ở các hàng quán vỉa hè mới là điểm tập kết, tiêu thụ của các loại dầu ăn không rõ nguồn gốc, theo tìm hiểu của PV báo Đời sống và Pháp luật, nhiều cửa hàng lớn trên địa bàn Hà Nội cũng đang sử dụng loại nguyên liệu này, thậm chí cả những nhà hàng, khách sạn "có sao".
Chị H.T., người thân của một đầu bếp nhà hàng lớn tại quận Hoàn Kiếm, Hà Nội cho biết: "Ngày ông xã mình làm ở nhà hàng H.W, là một nhà hàng loại 2, cũng thuộc dạng cao cấp ở Hà Nội, mình có vào bếp mới thấy rùng mình. Nguyên liệu được trữ trong tủ đá có khi hàng tháng trời, khi lấy ra thì hơi bốc mùi, thế mà khi chế biến xong vẫn thơm ngon như thường. Còn dầu ăn thì họ thường mua ở những mối lớn, nhìn trông đen sì.
Khi chiên thức ăn thì dùng chiên đi chiên lại nhiều lần tới khi không thể nữa mới thôi. Thông thường ở những nhà hàng lớn như vậy, mỗi ngày sẽ có một đoàn kiểm tra an toàn vệ sinh thực phẩm nhưng nhà hàng đều có cách để che giấu hết. Về sau, không chịu nổi cách làm ăn này, anh nhà mình mới chuyển sang làm ở một nhà hàng khác, sạch sẽ và uy tín hơn".
Cũng theo chị H.T., việc nhập dầu ăn cho các nhà hàng, khách sạn đa phần đều do quản lý, chỉ quản lý mới nắm được các mối này và cũng không tiết lộ cho người khác vì "nguyên tắc nghề nghiệp". Việc nhà hàng lớn sử dụng dầu ăn không rõ nguồn gốc cũng không phải là tình trạng "hiếm có khó tìm" ở Hà Nội.
Lấy lý do chuẩn bị nấu cỗ cho đám cưới của người thân trong nhà, chúng tôi đã nhờ một người thân đi mua lại dầu ăn ở một hàng lẩu ở phường Đống Mác (quận Hai Bà Trưng). Vì là chỗ ít nhiều quen biết, chủ cửa hàng đồng ý để lại cho chúng tôi một thùng dầu ăn loại 20 lít với giá chỉ 400.000 đồng. Trên thùng không hề có nhãn mác nào và nắp thùng cũng không hề được niêm phong, có thể mở ra dễ dàng.
Khi xách về nhà, đặt thùng dầu ăn cạnh chai dầu ăn "xịn" mua ở siêu thị, chúng tôi nhận thấy thùng dầu ăn mới mua có vẻ sẫm màu hơn, không được tươi, mở nắp ra ngửi thì mùi hơi khó chịu. Rót dầu ra chiên thử cùng với bánh bao chay màu trắng, trong cùng một thời gian ngắn, cùng một nhiệt độ, chúng tôi nhận thấy loại dầu này nhanh ngả màu đen hơn, bánh bao chiên lên không được đẹp màu như với loại dần ăn "xịn" chính hãng. Tuy nhiên, chỉ khi đưa ra trước ánh đèn sáng rõ, chúng tôi mới nhận biết rõ những thay đổi này, trong ánh đèn mờ thì... chịu.
Theo tìm hiểu của PV, loại dầu ăn không nhãn mác hoặc được "đội mác" các thương hiệu là loại được dùng phổ biến ở các nhà hàng, quán nhậu, quán cơm,... Mỗi ngày, chỉ tính sơ sơ trên một phần mười số cửa hàng, khách sạn, quán ăn ở Hà Nội và các thành phố lớn, đủ để giật mình con số tiêu thụ phải lớn như thế nào. Câu hỏi đặt ra liệu "vòi bạch tuộc" dầu ăn bẩn đã vươn ra toàn quốc với những "đầu mối" ở các chợ tập trung mọi nguồn hàng và phát tán đi khắp nơi? Chúng tôi sẽ tìm hiểu để có câu trả lời.
Dầu ăn giả len lỏi khắp nơiVác trên tay một can dầu lớn loại 20 lít hiệu Trang An được bày bán ở một sạp hàng tại chợ Đồng Xuân (Hà Nội), chúng tôi khá bất ngờ khi thấy loại dầu này không hề có ghi chú, dập biển thương hiệu trên can như thông thường. Trên can này có một nhãn bé bằng nửa bàn tay (nhỏ hơn nhiều so với loại nhãn dầu 1 lít thương hiệu vẫn thường bán ở cửa hàng, siêu thị) dán vào. Tưởng nhìn nhầm, chúng tôi nhìn lại đôi ba lần, tên loại dầu này vẫn là Trang An. Khi tra cứu trên mạng, chúng tôi tuyệt nhiên không tìm thấy cơ sở sản xuất dầu ăn nào có tên Trang An. Không hiểu do lỗi in ấn hay có kẻ nào đó đã nhái thương hiệu dầu ăn Tràng An hay cơ sở bán hàng này đang cố tình "đánh lận con đen" với những người tiêu dùng dễ tính? |