Vào mùa hè tháng 7/1518, cư dân tại thành phố Strasbourg, thuộc vùng Alsace (khi đó là một phần của Đế chế La Mã) đã vô cùng kinh ngạc và kỳ lạ khi thấy một người phụ nữ có tên Frau Troffea trên tay bế đứa con còn bú ẵm, cô đi từ nhà đến tận cây cầu Corbeau rồi ném đứa nhỏ xuống sông. Cô không còn sữa, không thể cho con bú được, không còn đủ khả năng để nuôi đứa bé.
Sau đó, Troffea bỗng dưng nhảy múa một cách điên loạn trên đường phố. Troffea nhảy liên tục cả ngày lẫn đêm mà không hề tỏ ra mệt mỏi. Cho tới ngày thứ 6, điệu nhảy đã dừng lại khi cô gái kiệt sức mà chết.
Troffea nhảy liên tục cả ngày lẫn đêm mà không hề tỏ ra mệt mỏi.
Ban đầu, mọi người nghĩ rằng cô có vấn đề về thần kinh hay do bị quỷ ám nên mới có những hành động bất thường như vậy. Tuy nhiên, sau khi Troffea nhảy múa, một người khác bắt đầu nhảy theo, rồi thêm một người nữa. Một tuần sau, người ta đếm được 34 người đã bắt chước hành động giống hệt như Troffea tại khắp các con đường của thành phố.
Không dừng lại ở đó, đoàn người này bắt đầu vừa nhảy vừa di chuyển, nghênh ngang khắp mọi ngõ ngách trên đường phố kéo theo nhiều người khác gia nhập điệu nhảy kì quái.
Sự việc càng ngày càng trở nên kỳ lạ khi chỉ sau một thời gian ngắn, khoảng 400 người dân ở Strasbourg tham gia vào điệu nhảy. Giống như những trường hợp trước, họ nhảy múa điên cuồng cho tới chết.
Một tài liệu lịch sử ghi lại rằng trong tháng 7 đó, ‘dịch bệnh’ nhảy múa đã giết chết khoảng 15 người mỗi ngày vì kiệt sức.
Khi bệnh dịch nhảy trở nên tồi tệ hơn, các nhà chức trách thời bấy giờ đã tiến hành điều tra. Trước hết, họ loại trừ các nguyên nhân "siêu nhiên" hoặc mang tính tâm linh và tạm kết luận đây là "căn bệnh tự nhiên" do "máu nóng" gây ra.
Họa hình "dịch bệnh" nhảy múa cuồng loạn đến chết ở Pháp thế kỷ 16.
Chính quyền Strasbourg lúc bấy giờ tin rằng cách để chữa bệnh cho người dân là để họ... nhảy nhiều hơn nữa, khi kiệt sức sẽ tự khắc bỏ cuộc như một cách "dĩ độc trị độc". Vì vậy, chính quyền còn thuê cả dàn nhạc, dựng nhiều sân khấu trên phố cho mọi người nhảy.
Tuy nhiên, hành động sai lầm này càng khiến dịch bệnh thêm trầm trọng. Các sân khấu lẽ ra là nơi để giải trí, vui tươi lại trở thành những nơi "thi hành án tử" đầy ám ảnh.
Thấy những sân khấu gỗ không đem lại hiệu quả, nhà cầm quyền đã ra lệnh cấm nhiều tệ nạn bao gồm cờ bạc, mại dâm như một cách sám hối. Những người nhảy múa được đưa đến ngôi đền trên núi Vosges để cầu nguyện. Ở đó, họ đi xung quanh ban thờ, chân mang giày đỏ. Vài tuần sau, dịch bệnh suy giảm. Hầu hết bệnh nhân, theo như ghi chép, đã lấy lại kiểm soát cơ thể và trở về trạng thái bình thường.
Hàng trăm năm qua các nhà khoa học đi tìm lời giải cho câu hỏi "tại sao đám đông nhảy múa đến chết?", tuy nhiên đây vẫn còn là điều bí ẩn.
Dịch bệnh bí ẩn đã giết chết khoảng 15 người mỗi ngày.
Các nhà nghiên cứu đã đặt ra rất nhiều giả thuyết. Phần đông mọi người đều cho rằng rất có thể Troffea và các nạn nhân đều đã mắc một chứng bệnh thần kinh vì stress nặng. Thời kỳ đó, nạn đói và suy dinh dưỡng đang hoành hành ở Strasbourg. Trong bối cảnh căng thẳng dưới tác động của cộng đồng, nhiều người dân là nạn nhân của chứng rối loạn phân ly tập thể.
Một vài nhà nghiên cứu khác thiên về giả thuyết dịch bệnh này đến từ nông nghiệp. Dân làng đã ăn phải hạt lúa mạch bị nấm hay còn gọi là cựa lúa mạch, gây nên tình trạng động kinh.
Mộc Miên (T/h)