Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Bí ẩn về bộ lạc sống biệt lập với thế giới, xua đuổi tất cả những người muốn đến gần

(DS&PL) -

Sentineles là bộ lạc sống biệt lập nhất thế giới, sống trên hòn đảo Bắc Sentinel xa xôi ở Vịnh Bengal và được cho là đã giết hại một nhà thám hiểm Mỹ vào năm 2018.

Theo CNN, người Sentineles được sự bảo bộ của luật pháp Ấn Độ để sinh sống thành bộ lạc như truyền thống trước đây của họ và bảo vệ họ khỏi các dịch bệnh ở thời hiện đại. Họ sinh sống trên hòn đảo Bắc Sentinel xa xôi ở Vinh Bengal. Đã có luật quy định người ngoài không được đi lại trong phạm vi 5 hải lý xung quanh hòn đảo này. CNN cho biết luật trên được đưa ra không chỉ để bảo vệ người Sentineles và còn để bảo vệ cả những người bên ngoài thế giới. 

Hòn đảo Bắc Sentinel thuộc khu vực quần đảo Adaman (lãnh thổ Ấn Độ). Ảnh: CNN

Bộ lạc Sentineles được cho là đã sinh sống tại đảo Bắc Sentinel hơn chục nghìn năm và thường xua đuổi nếu có người từ bên ngoài tiến gần đến lãnh thổ của họ. Số lượng người của bộ lạc đã giảm đi nhiều trong những năm gần đây, tuy nhiên, vì họ sống biệt lập với thế giới nên không thể biết rõ bộ lạc này có tất cả bao nhiêu người. 

Một cuộc điều tra dân số vào năm 2011 của Ấn Độ cho biết chỉ còn khoảng 15 người Sentineles sinh sống tại đảo Bắc Sentinel. 

Sống biệt lập với thế giới

Người đầu tiên tiếp xúc với bộ lạc Sentineles vào những năm 1800 là một người Anh tên Maurice Vidal Portman. Khi ấy, dù đã cố gắng lẩn trốn nhưng 6 người (2 người lớn, 4 trẻ em) thuộc bộ lạc Sentineles đã bị bắt giữ và đưa tới hòn đảo chính của quần đảo Andaman (thuộc lãnh thổ Ấn Độ). Hai người lớn sau đó đã chết vì bệnh tật và 4 đứa trẻ cuối cùng cũng được trả về đảo nhưng có thể đã mắc những căn bệnh từ bên ngoài mà hệ miễn dịch của người Sentineles không đủ sức chống lại.

Ông Maurice Vidal Portman là người đầu tiên tiếp xúc với bộ lạc Sentineles. Ảnh: Insider

Đó là một trong những lý do khiến những người Sentineles phản đối mọi sự tiếp xúc với thế giới bên ngoài. Dù một cuộc gặp gỡ ngắn ngủi và thân thiện đã diễn ra vào những năm 1990 nhưng nhìn chung, bộ lạc Sentineles vẫn quyết chọn cuộc sống biệt lập bất chấp thiên tai và khó khăn. 

Vào năm 2004, một trận sóng thần lớn đã xảy ra ở khu vực châu Á, tàn phá nghiêm trọng quần đảo Andaman, trong đó có cả đảo Bắc Sentinel. Tuy nhiên, một hình ảnh được chụp lại vào thời điểm ấy đã ghi lại cảnh những người Sentineles trên đảo đã bắn tên về phía chiếc máy bay trực thăng được cử đến để kiểm tra tình trạng của họ. 

Tổ chức Survival International, một tổ chức phi lợi nhuận chuyên bảo vệ các nhóm bộ lạc biệt lập, đã gọi Sentineles là bộ lạc biệt lập nhất thế giới. Theo Survivel International, vào năm 2006, một chiếc thuyền 2 người đàn ông đã trôi dạt vào vùng biển ở đảo Bắc Sentinel. Khi 2 người này đánh bắt cá trái phép ở vùng biển trên, họ đã bị những người Sentineles giết chết.

Giải thích về vấn đề trên, tổ chức cho biết: "Thực dân Anh từng chiếm đóng quần đảo Andaman và tàn sát các bộ lạc sống ở đó, xóa sổ hàng nghìn người trong bộ tộc và chỉ một phần nhỏ người còn sống sót. Vì vậy, nỗi sợ hãi của người Sentinelese đối với người đến từ bên ngoài là điều rất dễ hiểu".

Nhà thám hiểm Mỹ bị giết hại

Bộ lạc Sentineles được cho là người đã sát hại nhà thám hiểm người Mỹ John Allen Chau vào năm 2018. Được biết, vào tháng 11/2018, Chau từng nhờ một người bạn là người địa phương tìm cho anh một chiếc thuyền đi đến hòn đảo bị cấm của người Sentineles. 

Theo đó, anh đã đi nhờ thuyền của các ngư dân ra biển, rồi lên một chiếc cano để tiến vào khu vực bị cấm. Các ngư dân cho biết vào ngày 16/11/2018, anh đã trở về thuyền với một vết thương do mũi tên. Tuy nhiên, ngày hôm sau, Chau lại tiếp tục hành trình của mình tiến vào vùng đất của người Sentineles và không ai trông thấy anh quay lại nữa. Những người ngư dân sau đó cho biết họ đã trông thấy người của bộ lạc Sentineles kéo thi thể của Chau đi khắp nơi. 

Bạn của Chau, John Middleton Ramsey, nói rằng nhà thám hiểm đã biết hòn đảo Bắc Sentinel là khu vực cấm và việc anh tiến vào đó là bất hợp pháp. Theo Ramsey, Chau từng đến hòn đảo xa xôi cách đây nhiều năm và khi trở về, anh đã kể với bạn về kế hoạch quay trở lại hòn đảo cùng những món quà dành tặng người Sentineles. Chau từng nói rằng anh muốn tìm hiểu cách sống và sinh hoạt của người dân hòn đảo Bắc Sentinel xa xôi. 

Được biết, các cuộc thám hiểm nhân chủng đã được tiến hành để tìm hiểu các bộ lạc sinh sống ở chuỗi đảo biệt lập vào những năm 1980 và 1990. Ngoài ra, các chuyến đi thả quà và đồ dùng cho những bộ lạc này đã được thực hiện đến khoảng giữa nhưng năm 1990. Nhưng giờ đây, những liên hệ giữa thế giới bên ngoài và các bộ lạc này đã không còn.

Hình ảnh người Sentineles trong bộ phim tài liệu Man In Search Of Man của đài National Geographics. Ảnh: Negroscopy

Theo Bộ Bộ lạc Ấn Độ, Chính phủ Ấn Độ đã áp dụng chính sách "quan sát và thực hiện" để đảm bảo rằng không có kẻ săn trộm nào xâm nhập (Đảo Bắc Sentinel)". Survival International nhận xét: "Người Sentinelese đã nhiều lần cho thấy họ muốn được yên và mong muốn của họ cần được tôn trọng". 

Tổ chức cũng cho biết một bộ lạc khác có liên quan là bộ lạc Jarawa từng cố gắng hoà nhập với thế giới bên ngoài vào năm 1998. Tuy nhiên, theo một báo cáo vào năm 2006, người Jarawa đã liên tục bị làm phiền bởi những kẻ xâm nhập, những kẻ đã ăn cắp các loài vật họ săn bắt được, mang rượu đến uống và tấn công tình dục phụ nữ trên đảo. 

Ngoài Sentineles, Survival International cho biết vẫn còn nhiều bộ lạc khác, tại những nơi khác trên thế giới, vẫn đang sinh sống biệt lập với thể giới. Trong đó, ước tính khoảng 100 bộ lạc sống ẩn mình trong rừng Amazon. Có rất ít thông tin về họ và điều duy nhất người ta biết là mong muốn tránh xa thế giới của họ. 

Người ta cho rằng các bộ lạc chọn cách sống này sau khi bị bắt làm nô lệ cho các dân tộc bản địa trong suốt 200 năm vào những năm 1500. Cuộc sống của họ hiện nay vẫn bị đe dọa bởi lâm tặc, mối quan tâm về khai thác, chủ trang trại, đập và xây dựng đường.

Tại những nơi khác ở Nam Mỹ, Survival International đã ghi nhận các bộ lạc biệt lập ở Paraguay, nơi vùng đất tổ tiên của họ đang trải qua "tỷ lệ phá rừng cao nhất trên thế giới", theo một nghiên cứu năm 2013 của Đại học Maryland.  Ngoài ra, nhóm nhân quyền cũng phát hiện một số bộ lạc biệt lập ở châu Phi, bao gồm bộ lạc Pygmy ở Trung Phi, người Bushmen ở Botswana và các bộ lạc ở lưu vực Congo và Thung lũng Omo ở Ethiopia.

Minh Hạnh (Theo CNN)

 

Tin nổi bật