Vào năm 1998, một bé trai sơ sinh được phát hiện đã tử vong trong khu rừng gần Warrington, Anh. Suốt 25 năm sau đó, danh tính kẻ thủ ác vẫn là một bí ẩn. Mãi đến năm 2023, câu chuyện đau lòng mới được hé lộ khi Joanne Sharkey, 55 tuổi, người mẹ của đứa trẻ, tới thú nhận với cảnh sát rằng bà đã sát hại con trai mình. Đáng chú ý, Sharkey cho biết bà cảm thấy "nhẹ nhõm" khi đầu thú, sau hàng thập kỷ sống trong tội lỗi và sợ hãi.
Bí mật đau đớn suốt 25 năm
Joanne Sharkey đã che giấu sự thật về cái chết của con trai mình từ năm 1998. Mãi đến khi cơ quan điều tra sử dụng cơ sở dữ liệu DNA quốc gia để truy tìm thủ phạm, họ phát hiện ra mối liên hệ giữa nạn nhân và người con trai lớn của Sharkey. Khi bị bắt, Sharkey thừa nhận hành động của mình và bị buộc tội ngộ sát do giảm trách nhiệm hình sự vì mắc chứng trầm cảm sau sinh nghiêm trọng.
Chân dung Joanne Sharkey. Ảnh: BBC
Tại Tòa án Liverpool Crown, công tố viên tiết lộ rằng Sharkey đã giấu kín việc mang thai với chồng, Neil Sharkey. Người chồng hoàn toàn không biết mình có đứa con thứ hai cho đến khi cảnh sát ập vào nhà năm 2023. Sharkey kể rằng vào thời điểm đó, hai vợ chồng sống như "những con tàu trong đêm" – chồng bà làm việc theo ca dài, còn bà tận dụng quần áo rộng để che giấu thai kỳ với gia đình và bạn bè.
Khi bị bắt, cảnh sát ghi lại cuộc trò chuyện giữa hai vợ chồng trong xe tuần tra. Sharkey nói với chồng: "Tôi sẽ không phủ nhận bất cứ điều gì, sự thật là vậy. Tôi đã làm điều đó".
Gia đình tan vỡ và những lời hối tiếc
Trong phiên tòa, luật sư bào chữa đọc tuyên bố của Neil Sharkey, người tự nhận mình là một người chồng và người cha thất bại. Anh nói: "Khi tôi còn trẻ, mọi việc đều do Joanne lo liệu. Cô ấy là người mẹ tuyệt vời của Matthew, đã một mình nuôi dạy con trở thành một trong những người tốt bụng nhất tôi từng biết".
Matthew Sharkey, giờ đã 28 tuổi, cũng gửi lời đến mẹ mình. Anh viết: "Tôi đã có một tuổi thơ tuyệt vời nhờ mẹ, người luôn ở bên tôi. Tôi hy vọng bà ấy có thể nhận được sự giúp đỡ cần thiết. Tôi sẽ luôn ủng hộ bà ấy”.
Hành trình pháp lý và chẩn đoán tâm lý
Vụ án bắt đầu vào tháng 3/1998, khi một người đàn ông dắt chó đi dạo phát hiện thi thể bé trai bị bỏ trong túi rác gần công viên Gulliver's World. Em bé được người dân địa phương đặt tên là "Callum" – ám chỉ khu vực Callands, nơi thi thể được tìm thấy. Khám nghiệm tử thi cho thấy em bé bị ngạt thở.
Suốt nhiều năm, cảnh sát đã điều tra hàng trăm người, thậm chí bắt giữ một số phụ nữ trẻ sau khi người thân của họ nghi ngờ họ liên quan. Nhưng mãi đến năm 2023, Sharkey mới bị phát hiện nhờ công nghệ DNA.
Người dân địa phương đã tổ chức lễ chôn cất và tang lễ cho em bé đoản mệnh. Ảnh: PA
Công tố viên Jonas Hankin KC cho biết các chuyên gia y tế đồng ý rằng Sharkey mắc chứng trầm cảm sau sinh nặng, khiến bà không thể kiểm soát hành vi khi sát hại con. Triệu chứng này xuất hiện sau khi bà sinh con đầu lòng, Matthew, vào tháng 7/1996.
Sharkey từng là một phụ nữ có học vấn, làm kế toán và nhân viên phúc lợi nhà ở tại Hội đồng West Lancashire. Tuy nhiên, công việc toàn thời gian và áp lực làm mẹ khiến bà kiệt quệ. Bà từng nói với đồng nghiệp rằng không muốn có thêm con, nhưng vẫn mang thai vào mùa hè 1997, bà quyết định giấu kín chồng.
Khoảnh khắc đau đớn và sự trừng phạt kéo dài
Trong lời khai, Sharkey cho biết bà cố gắng phớt lờ thai kỳ cho đến khi chuyển dạ. Bà sinh con một mình trong phòng tắm tại nhà riêng ở Croxteth, sau đó bịt miệng đứa bé vì sợ tiếng khóc. Bà nói mình gần như không nhớ gì về sự việc, chỉ tin rằng mình đã hành động trong cơn hoảng loạn.
Luật sư bào chữa Nina Grahame KC nói rằng Sharkey đã sống trong tội lỗi suốt 26 năm và phải chịu đựng thêm nỗi đau khi vụ việc bị phơi bày.
Phiên tòa xét xử hiện đang bị tạm hoãn, nhưng câu chuyện của Sharkey đã làm dấy lên tranh cãi về trầm cảm sau sinh và trách nhiệm của xã hội trong việc hỗ trợ các bà mẹ gặp khủng hoảng tâm lý.
Trầm cảm sau sinh (TCSS) là tình trạng người phụ nữ bị rối loạn cảm xúc, thay đổi về thể chất và tâm lý, hành vi sau khi sinh con. Theo Tổ chức Y tế thế giới, trầm cảm là nguyên nhân đứng hàng thứ hai về gánh nặng y tế. Có khoảng 10% -20% phụ nữ mang thai hoặc sau khi sinh con trên toàn cầu từng trải qua ít nhất một dạng rối loạn tâm thần, trong đó chủ yếu là trầm cảm.
Trầm cảm sau sinh không những ảnh hưởng tiêu cực tới người mẹ mà còn ảnh hưởng tới con. Trong những trường hợp người mẹ bị TCSS nặng có thể dẫn đến suy nghĩ và hành vi tự tử hoặc gây tổn hại cho con. Bên cạnh đó, theo một số nghiên cứu khi người mẹ bị TCSS có thể ảnh hưởng đến sự phát triển của đứa con như chậm phát triển ngôn ngữ, vận động, chiều cao; khóc nhiều, dễ kích động; hạn chế khả năng giao tiếp; khó thích nghi với môi trường, khó hòa nhập xã hội…
Đặc biệt TCSS thường diễn biến hết sức lặng lẽ và dễ bị nhầm lẫn, bỏ qua nên khi phát hiện thì bệnh đã nặng trong khi bệnh lại cần được phát hiện sớm và can thiệp kịp thời.
Một số dấu hiệu nhận biết TCSS: Luôn thấy buồn, mệt mỏi, lo lắng, tuyệt vọng; khóc nhiều; có ý nghĩ làm tổn thương em bé; có ý nghĩ làm tổn thương bản thân; không quan tâm đến em bé, không cảm thấy kết nối với em bé; ăn quá ít hoặc quá nhiều; ngủ quá ít hoặc quá nhiều; gặp khó khăn khi tập trung hoặc đưa ra quyết định…
Khi thấy bản thân hoặc người phụ nữ sau sinh trong gia đình có bất kỳ dấu hiệu nào ở trên và kéo dài 2 tuần trở lên cần nghĩ tới TCSS và đến cơ sở y tế gần nhất để được khám, điều trị kịp thời.