Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Loài côn trùng nhỏ bằng hạt gạo nhưng mang độc tố "khủng" gấp 15 lần nọc rắn hổ

  • Như Quỳnh (T/h)
(DS&PL) -

Mặc dù lượng độc tố tiếp xúc khi kiến ba khoang tiết ra là nhỏ và chỉ tác động trên da, không gây tử vong như nọc rắn, nhưng vẫn gây ra tổn thương da nghiêm trọng.

Chia sẻ trên Vietnamnet, bác sĩ Quách Thị Hà Giang, Trưởng khoa Điều trị bệnh da nam giới (Bệnh viện Da liễu Trung ương) cho biết, trước đây, đa số ca bệnh viêm da tiếp xúc do kiến ba khoang thường đến khám và điều trị vào mùa mưa (tháng 6-11), song gần đây bệnh gặp quanh năm do quá trình đô thị hóa, nhiều công trình xây dựng.

"Từ đầu tháng 3 đến nay, có ngày đơn vị khám hàng chục ca", bác sĩ Giang nói.

Đa số bệnh nhân vào viện có tổn thương da bỏng rát, đỏ, nổi mụn mủ trắng. Một số trường hợp bị loét, bội nhiễm do tự điều trị nhưng sai cách như đắp bã đậu xanh, tắm các loại lá, đến khi tổn thương nặng, lan rộng mới đến viện. 

Một số khác tự chẩn đoán mắc zona (giời leo) tự điều trị bằng Acyclovir bôi và uống, thương tổn không đỡ mà càng lan ra nhiều vùng da hơn. Khi khám mới biết viêm da tiếp xúc do dính độc tố của kiến ba khoang.

Trong cơ thể kiến ba khoang có chứa độc tố Pederin, độc tính mạnh gấp 12-15 lần nọc của rắn hổ. Tuy nhiên, do lượng tiếp xúc nhỏ và chỉ ở ngoài da nên không đủ gây chết người như nọc rắn nhưng sẽ khiến vùng da tiếp xúc tổn thương, bỏng rát. "Độc tố của kiến ba khoang vốn tác động trên da như loại axit mạnh", bác sĩ Giang cho biết.

Loài côn trùng nhỏ bằng hạt gạo nhưng mang độc tố "khủng" gấp 15 lần nọc rắn hổ.

Kiến ba khoang thân mình thon dài như hạt thóc, dài khoảng một cm, có hai màu đỏ và đen. Nó có độc không phải đốt mà do dịch tiết ra dính vào da, gây viêm da tiếp xúc tại chỗ.

Viêm da do tiếp xúc với kiến ba khoang thường xuất hiện ở những vùng da hở như cổ, mặt, lưng, tay, chân... Kiến có thể gây viêm da từ mức độ nhẹ đến nặng, tùy theo độc chất xâm nhập qua da. Ban đầu người bệnh thấy hơi ngứa rát, căng da, biểu hiện đỏ một vùng da, sau 6-12 giờ, đỏ cộm thành vệt, trên đó nổi những mụn nước to nhỏ không đều 1-5 mm, 1-3 ngày sau thành phỏng nước, phỏng mủ, cảm giác đau, rát càng tăng. Bệnh nhân có thể kèm theo sốt, khó chịu, nổi hạch, đau vùng cổ, nách, bẹn tương ứng với tổn thương.

Tay bị dính chất độc khi đập kiến, sau đó chà xát và sờ vào mắt có thể làm bỏng mắt. Tổn thương ở gần mắt có thể sưng húp cả hai mắt, ở bẹn gây nổi hạch bẹn sưng đau khó đi lại. Không được điều trị kịp thời, tình trạng viêm da sẽ tiến triển sang dạng loét. Các vết loét có nhiều hình dạng khác nhau tùy theo việc chà xát kiến trên da.

Bác sĩ Giang nhấn mạnh rất nhiều bệnh nhân tự ý sử dụng các phương pháp điều trị không được kiểm chứng về mặt khoa học. Thay vì khỏi bệnh, họ phải nhập viện trong tình trạng tổn thương lan rộng, đau đớn, thậm chí nhiễm khuẩn huyết.

Bên cạnh đó, các chuyên gia khuyến cáo tuyệt đối không dùng tay trần để bắt hay giết kiến ba khoang. Nếu lỡ chạm vào, hãy rửa ngay vùng da tiếp xúc bằng nước sạch hoặc nước muối sinh lý để giảm tác động của độc tố. Khi xuất hiện dấu hiệu tổn thương nặng, cần đến bệnh viện để được điều trị kịp thời.

Chia sẻ trên Tạp chí Tri thức, bác sĩ Mông Tuấn Hùng, khoa Da liễu, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Lạng Sơn cho biết, người dân thường lầm tưởng tổn thương từ kiến ba khoang với bệnh zona nên tự đi mua thuốc điều trị. Không ít trường hợp bôi thuốc acyclovir vào các vết dị ứng dẫn đến loét da, tổn thương da nặng, phải nhập viện điều trị.

"Nếu vùng da đó bị phồng rộp, có biểu hiện viêm loét… người dân phải đến cơ sở y tế để bác sĩ khám và chỉ định dùng thuốc thích hợp. Không nên tự ý mua thuốc điều trị bởi trong các loại thuốc bôi ngoài da có chứa corticoid, chất giải độc tố…", bác sĩ Hùng nói.

Nếu điều trị đúng, chỉ trong khoảng 1 tuần vết thương sẽ khỏi. Nếu điều trị muộn hoặc sai, tổn thương sẽ lan rộng, gây loét da, việc điều trị sẽ khó khăn và kéo dài hơn.

Mọi người nên phòng bệnh bằng tránh tiếp xúc với kiến ba khoang, không đập nát chúng mà dùng giấy gói lại rồi vứt đi.

Quần áo, khẩu trang, khăn trải giường… đã bị tiếp xúc với kiến cần được giặt thật kỹ. Ngươi dân cũng nên tránh thu hút kiến bằng đèn sáng, đóng kín cửa sổ, cửa ra vào các phòng làm việc và phòng ngủ vào ban đêm.

Tin nổi bật