Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Nhật Bản cảnh báo về siêu động đất có thể khiến gần 300.000 người thiệt mạng

  • Đinh Kim (T/h)
(DS&PL) -

Theo ước tính mới, nếu siêu động đất xảy ra tại rãnh Nakai thì có thể khiến 298.000 người dân Nhật Bản thiệt mạng, thiệt hại kinh tế dự kiến lên tới 270.000 tỷ yên.

Báo Tin Tức đưa tin, theo ước tính mới điều chỉnh của lực lượng đặc trách ứng phó động đất thuộc chính phủ Nhật Bản, 298.000 người dân nước này có thể thiệt mạng nếu siêu động đất xảy ra ở rãnh Nankai.

Hãng thông tấn Kyodo của Nhật Bản dẫn báo cáo ngày 31/3 của lực lượng đặc trách ứng phó động đất, dự đoán số người buộc phải sơ tán nếu siêu động đất xảy ra tại rãnh Nankai là 12,3 triệu người, tương đương 10% dân số, trong khi ước tính từ năm 2012 là khoảng 9,5 triệu người.

Tổng cộng 764 đô thị tại 31/47 tỉnh của Nhật Bản sẽ phải chịu rung lắc độ lớn tối thiểu 6 trong thang đo cường độ địa chấn 7 cấp của Nhật Bản hoặc sóng thần hơn 3m.

Đồ họa mô tả vị trí của rãnh Nankai. Ảnh: NHK

Theo báo cáo, 215.000 trong số 298.000 ca thiệt mạng dự kiến là do sóng thần, dựa trên giả định rằng chỉ có 20% người dân sẽ sơ tán ngay lập tức. Việc tăng tỷ lệ sơ tán lên 70% có thể giảm số người thiệt mạng vì sóng thần xuống còn 94.000 trường hợp. Thông tin này cho thấy tầm quan trọng của việc sơ tán nhanh chóng.

Thiệt hại kinh tế dự kiến lên tới 270.000 tỷ yên, tăng so với ước tính trước đó là 214.000 tỷ yên. Dự đoán về số lượng tối đa các tòa nhà có thể bị hư hại hoàn toàn đã giảm nhẹ xuống còn 2,35 triệu, do nâng cấp hệ thống chống động đất cho các công trình.

Trong khi đó, khu vực dự kiến sẽ chịu ngập lụt tối thiểu 30 cm đã tăng 30% so với ước tính trước đó do những tiến bộ trong phân tích dữ liệu địa hình. Tổng số người thiệt mạng dự kiến sẽ không giảm đáng kể, dù đã trang bị kè chắn sóng và các cơ sở sơ tán sóng thần.

Thời báo VTV dẫn thông tin từ Straits Times cho hay, trong số các kịch bản dự kiến, thảm họa tồi tệ nhất liên quan đến trận động đất mạnh 9 độ, có thể sẽ xảy ra vào một đêm mùa đông, với thiệt hại nghiêm trọng tập trung ở khu vực Tokai.

Trong trường hợp này, số người thiệt mạng ước tính theo tỉnh sẽ cao nhất ở Shizuoka là 101.000 người, tiếp theo là Miyazaki là 33.000 người và Mie là 29.000 người.

Ngoài số người tử vong trực tiếp ước tính là 298.000 người, chính phủ Nhật Bản cũng lần đầu tiên dự kiến ​​từ 26.000 - 52.000 "ca tử vong liên quan đến thảm họa" do các tình huống như tình trạng sức khỏe xấu đi tại các nơi trú ẩn sơ tán.

Chính phủ Nhật Bản dự kiến sẽ sửa đổi kế hoạch phòng chống thảm họa của mình để chỉ định các khu vực ưu tiên bổ sung dựa trên các vùng nguy cơ lũ lụt mở rộng, cũng như xây dựng một kế hoạch phục hồi quốc gia mới cho năm tài chính 2026 đến 2030 để đẩy nhanh quá trình phát triển cơ sở hạ tầng. Bên cạnh đó, một cơ quan mới về phòng chống thiên tai cũng sẽ được thành lập vào tài khóa 2026.

Khu vực bờ biển thành phố Miyazaki (Nhật Bản), tiếp giáp rãnh Nankai. Ảnh: Kyodo/TTXVN

Được biết, rãnh Nankai là vùng hút chìm dài khoảng 700 km, nơi mảng Á-Âu va chạm với mảng biển Philippines, khiến nó trượt xuống dưới và chìm vào lớp phủ của Trái Đất. Vùng hút chìm thường tạo ra những trận động đất mạnh 8-9 độ.

Theo các nhà khoa học Nhật Bản, vành đai lửa Thái Bình Dương là nơi tập trung nhiều vùng hút chìm. Rãnh Nankai có nhiều đoạn, nhưng nếu chúng bị trượt cùng lúc có thể tạo ra trận động đất lên tới 9,1 độ.

Lâu nay, Nhật Bản lo ngại nguy cơ cao xảy ra một trận động đất độ lớn 8 đến 9 dọc theo rãnh Nankai trong vòng 30 năm tới, với dự đoán rằng một khu vực rộng lớn có thể bị rung chuyển và các vùng ven biển bị sóng thần nhấn chìm.

Cục Khí tượng Nhật Bản vào năm 2019 đã ra mắt hệ thống cảnh báo động đất rãnh Nankai, báo động người dân sống ven bờ dọc khu vực này về nguy cơ xảy ra động đất trong 5 - 30 phút sau khi phát hiện tiền chấn. 

Trước đó, vào ngày 11/3/2011, Nhật Bản hứng chịu trận động đất có độ lớn 9, gây sóng thần và dẫn đến thảm họa nhà máy điện hạt nhân Fukushima số 1. Đây là trận động đất mạnh nhất từng được ghi nhận tại nước này.

Tin nổi bật