Theo Sao star, một sự việc đau lòng đã xảy ra tại Quảng Đông, Trung Quốc khi một bé trai 3 tuổi rơi vào tình trạng chết não sau ca phẫu thuật cắt amidan tưởng chừng đơn giản. Vụ việc không chỉ gây rúng động dư luận mà còn đặt ra những câu hỏi nghiêm trọng về trách nhiệm y tế và quy trình thông báo rủi ro cho gia đình bệnh nhân.
Theo truyền thông Trung Quốc, bé trai ở Trạm Giang, Quảng Đông, được đưa đến Bệnh viện trực thuộc Đại học Y Quảng Đông vào tháng 6 để kiểm tra sức khỏe. Tại đây, bác sĩ chẩn đoán amidan của bé bị tắc nghẽn 95% và đề nghị phẫu thuật cắt bỏ.
Bé trai 3 tuổi chết não sau khi phẫu thuật amidan. Ảnh: Xiaoxiang Morning News
Ca phẫu thuật diễn ra vào sáng ngày 27/6 và kéo dài khoảng 5 giờ. Sau ca mổ, mẹ bé, bà Lý, được thông báo rằng mọi thứ "suôn sẻ" và bé đã được chuyển đến phòng hồi sức tích cực để theo dõi. Tuy nhiên, chỉ một ngày sau, gia đình bàng hoàng nhận tin con trai nguy kịch do thiếu oxy, phải hồi sức cấp cứu trong 8 phút. Mặc dù tạm thời qua cơn nguy hiểm, bé không thể tự thở và phải phụ thuộc hoàn toàn vào máy thở.
Đến ngày thứ 10 sau phẫu thuật, gia đình yêu cầu chuyển bé sang bệnh viện khác. Tại đây, sau khi chụp điện não đồ, các bác sĩ kết luận bé đã chết não, đồng nghĩa với việc không còn khả năng phục hồi ý thức. Sự việc bi thảm này đang gây áp lực lớn lên ngành y tế Trung Quốc, yêu cầu làm rõ trách nhiệm và nâng cao tính minh bạch trong các quy trình y khoa.
Bà Lý, mẹ của bé trai, vẫn không nguôi bàng hoàng khi nhắc đến việc các kết quả kiểm tra tiền phẫu của con trai bà đều cho thấy tình trạng sức khỏe hoàn toàn bình thường. Phía bệnh viện khẳng định đã thông báo đầy đủ về các rủi ro, liệt kê cụ thể chín khả năng biến chứng có thể xảy ra trong và sau phẫu thuật.
Tuy nhiên, điều khiến bà Lý không thể chấp nhận được là cách đội ngũ y tế đã nhấn mạnh đây chỉ là "ca tiểu phẫu", một quy trình "đơn giản" với công nghệ đã "rất hoàn thiện". Bà Lý nghẹn ngào chia sẻ: "Họ khiến tôi an tâm ký tên đồng ý, nhưng nếu biết ca mổ có thể nguy hiểm đến thế, tôi đã không đưa con đi."
Ngoài ra, bà Lý cũng bày tỏ sự hối tiếc sâu sắc khi cho rằng nếu được thông báo sớm hơn về tình trạng nguy kịch của con và được chuyển viện kịp thời, có lẽ mọi chuyện đã khác. "Con tôi hôn mê suốt nửa tháng. Nếu bây giờ có phép màu thì cũng chỉ là phép màu," bà đau đớn nói.
Trước những phản ánh gay gắt từ phía gia đình, đại diện Bệnh viện trực thuộc Đại học Y Quảng Đông cho biết họ đã giải thích rõ ràng các nguy cơ y khoa trước khi tiến hành phẫu thuật. Bệnh viện cũng đề nghị gia đình phối hợp kiểm tra để cùng tìm ra nguyên nhân của sự cố đáng tiếc này, đồng thời khẳng định đang xử lý vụ việc theo đúng quy định.
Về phía cơ quan chức năng, Sở Y tế địa phương cũng đã xác nhận việc tiếp nhận đơn khiếu nại từ gia đình và hiện đang tiến hành điều tra làm rõ sự việc.
Trẻ dưới 3 tuổi dễ bị biến chứng sau mổ cắt amidan
Theo Thanh Niên, các chuyên gia của Bệnh viện Nhi Quận Cam (Mỹ) đã xem xét dữ liệu của 1.817 trẻ em từ 3-6 tuổi đã tiến hành mổ cắt amidan trong thời gian từ năm 2005-2015 tại 5 trung tâm ở New Orleans.
Nhóm nghiên cứu do tiến sĩ Gurpreet Ahuja chủ trì nói rằng công trình của họ là cuộc xem xét có quy mô lớn nhất về những biến chứng do mổ cắt amidan ở trẻ em khỏe mạnh dưới 6 tuổi. Các biến chứng bao gồm suy hô hấp, mất nước cần truyền dịch và chảy máu.
Các nhà nghiên cứu nhận thấy ở trẻ dưới 3 tuổi, 7% phát triển các biến chứng, bao gồm 25% bị trong vòng 24 giờ sau cuộc phẫu thuật. Đối với những người mổ cắt amiđan sau thời điểm 3 tuổi, 4,6% phát triển biến chứng, bao gồm 9,5% bị trong vòng 24 giờ.
“Có hai lý do nổi trội để tiến hành mổ cắt amiđan hoặc/và hạch vòm họng ở trẻ em. Lý do đầu tiên là tắc nghẽn, khó thở hoặc ngừng thở khi ngủ. Lý do còn lại là nhiễm trùng tái phát”, tiến sĩ Ahuja nói.
Các chẩn đoán liên quan đến những nguyên nhân nhiễm trùng, chẳng hạn như viêm amiđan mạn tính, viêm amiđan tái phát hoặc áp xe quanh amiđan là lý do chính để phẫu thuật ở 44,8% bệnh nhân. Các chẩn đoán liên quan đến tình trạng khó thở hiện diện ở 44,3% bệnh nhân. Tổng cộng 14,3% người bị cả hai vấn đề trên và 25,3% bị một rối loạn khác.
Kết quả nghiên cứu đã được công bố trên chuyên san Journal of the American Medical Association.