Ngày 23/10, ông Nguyễn Văn Sơn, Trưởng khoa truyền nhiễm Bệnh viện sản Nhi Nghệ An cho biết, cháu Trần Thị Hải Yến (22 tháng tuổi, trú tại huyện Nghi Lộc, Nghệ An) bệnh nhi bị nhiễm trùng uốn ván nặng đã khỏe lại sau nửa tháng nhập viện.
Cách đây 2 tuần, bé Yến nhập viện trong tình trạng bị co giật toàn thân, cứng hàm, cứng lưỡi. Hội chẩn khẩn cấp, bác sĩ xác định nạn nhân bị uốn ván toàn thân đã được 7 ngày. Trước đó, bệnh nhân đạp phải mảnh sành ở bàn chân trái nhưng không được tiêm phòng văcxin.
Bệnh nhân được điều trị huyết thanh chống uốn ván, chống co giật, truyền dịch, kháng sinh liều cao. "Đến hôm nay đã có thể khẳng định bé được cứu sống thành công. Bác sĩ bắt đầu cho giảm liều lượng của thuốc, bệnh nhân đã có thể ăn và bú bình thường", Ông Nguyễn Văn Sơn, Bác sĩ chuyên khoa 2, Trưởng khoa truyền nhiễm cho biết. Bé Yến sẽ điều trị thêm vài tuần nữa là xuất viện.
Cháu bé Lầu Y Hoi cũng đã được các bác sỹ tại Bệnh viện Sản – Nhi Nghệ An cứu thoát khỏi tử thần uốn ván. |
Hai tháng trước, khoa truyền nhiễm Bệnh viện sản Nhi cũng tiếp nhận trường hợp cháu bé Lầu Y Ho (6 ngày tuổi, trú tại huyện Kỳ Sơn, Nghệ An) bị uốn ván toàn thân. Nguyên nhân do lúc sinh ra, bà đỡ đã dùng thanh nứa để cắt rốn cho bé, nên dẫn tới nhiễm trùng uốn ván sơ sinh.
Bé Ho nhập viện sau 6 ngày ủ bệnh và rất nguy kịch nhưng đã được bác sĩ khoa truyền nhiễm cứu sống. "Hiện tại bé đã xuất viện và sức khỏe tốt, không để lại bất cứ di chứng gì", bác sĩ Sơn cho biết. Ông cũng khuyến cáo mọi người và đặc biệt là cha mẹ nên tiêm phòng cho con trẻ khi gặp tai nạn để tránh xảy ra uốn ván.
Uốn ván là chứng bệnh làm co giật căng cứng các bắp thịt trong cơ thể, thường dẫn đến chết người. Nguyên nhân là chất độc neurotoxin bị nhiễm vi trùng Clostridium tetani qua vết thương trên da. Triệu chứng tê cứng lưỡi và hàm, sau đó giật cứng cả người. Khi hệ cơ của lồng ngực bị cứng sẽ khó thở, gây tử vong. Cách ngăn ngừa bệnh uốn ván là chủng ngừa bằng văcxin. Một khi bệnh đã phát, văcxin sẽ không có tác dụng phòng bệnh. |