Đóng

Hơn 250.000 nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục được tập huấn AI

  • Thùy Dung (T/h)
(DS&PL) -

Bộ GD&ĐT và Trường Đại học RMIT Việt Nam đã hợp tác triển khai chương trình tập huấn về trí tuệ nhân tạo (AI) cho đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục trên toàn quốc.

Với mục tiêu thúc đẩy đổi mới giáo dục thông qua trí tuệ nhân tạo và đóng góp vào sự phát triển của giáo dục Việt Nam, Bộ GD&ĐT và Đại học RMIT Việt Nam phối hợp tổ chức "Diễn đàn quốc gia về đổi mới sáng tạo giáo dục với trí tuệ nhân tạo" vào các năm 2025 và 2026.

Theo Pháp luật Việt Nam, ông Vũ Minh Đức - Cục trưởng Cục Nhà giáo và Cán bộ Quản lý GD (Bộ GD&ĐT) nhấn mạnh: Trí tuệ nhân tạo (AI) không còn là khái niệm xa vời. Nó đã, đang và sẽ tiếp tục làm thay đổi cách chúng ta dạy và học, cách học sinh tiếp cận tri thức, cách các nhà quản lý giáo dục hoạch định chính sách. AI mang đến cơ hội to lớn trong việc cá nhân hóa học tập, tăng cường tương tác, hỗ trợ giảng dạy, đánh giá và quản trị giáo dục hiệu quả hơn.

Bộ GD&ĐT và Trường Đại học RMIT Việt Nam đã hợp tác triển khai chương trình tập huấn về trí tuệ nhân tạo (AI) cho đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục trên toàn quốc. Ảnh: Giáo dục & Thời đại.

Đồng thời, nó cũng đặt ra nhiều thách thức mới về đạo đức, pháp lý, năng lực ứng dụng và đặc biệt là sự công bằng trong tiếp cận công nghệ. Diễn đàn đánh dấu một bước tiến quan trọng trong hành trình đổi mới giáo dục, lấy AI và công nghệ số làm nền tảng. Không chỉ là nơi quy tụ các chuyên gia, nhà quản lý, giáo viên, giảng viên để trao đổi kinh nghiệm, đây còn là chiếc cầu nối mở ra những cơ hội hợp tác và sáng tạo mới.

Ông Vũ Minh Đức cho biết, Bộ GD&ĐT sẽ tiếp tục đóng vai trò kiến tạo, dẫn dắt và đồng hành trong việc xây dựng chính sách, khung pháp lý, và tạo điều kiện thuận lợi để AI được ứng dụng hiệu quả, bền vững và nhân văn trong giáo dục. Diễn đàn cũng hướng đến việc tạo các kết nối hợp tác giữa các trường học, cơ sở giáo dục và cơ quan quản lý, tạo các tác động tích cực bền vững và thúc đẩy chuyển đổi số trong giáo dục Việt Nam.

Theo Giáo dục & Thời đại, chương trình tập huấn trực tuyến diễn ra vào chiều thứ Bảy hằng tuần (kéo dài từ đầu tháng 7 đến 2/8/2025). Đây là chương trình tập huấn đào tạo về trí tuệ nhân tạo (AI) chính thức đầu tiên của ngành Giáo dục được tổ chức trên phạm vi toàn quốc cho đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục các cấp.

Chương trình gồm năm chủ đề chuyên sâu, từ kiến thức nền tảng về AI và khung năng lực AI của UNESCO đến các ứng dụng thực tiễn như: tích hợp AI trong giảng dạy theo mô hình TPACK, thiết kế bài kiểm tra, tạo sản phẩm học tập sáng tạo và xây dựng chatbot giáo dục.

Chương trình đào tạo đã cung cấp các video được ghi hình trước trên hệ thống đào tạo TEMIS cho hơn một triệu nhà giáo tại Việt Nam, đồng thời tổ chức năm buổi tập huấn trực tuyến để trao đổi, giải đáp và hướng dẫn thực hành tương ứng.

Chương trình đã thu hút sự quan tâm đặc biệt từ cộng đồng giáo dục. Trước buổi tập huấn trực tuyến đầu tiên, chương trình đã nhận được 250.000 đăng ký tham gia. Sự kiện được phát trực tiếp qua nhiều nền tảng. gồm: Microsoft Teams, YouTube và Facebook dành cho người đăng ký.

Ông Nguyễn Hồng Đào - Trưởng phòng Phát triển, Cục Nhà giáo và Cán bộ Quản lý giáo dục (Bộ GD&ĐT) cho biết, chương trình tập huấn không chỉ nhằm cung cấp kiến thức nền tảng về AI, mà còn cả công cụ để hỗ trợ các thầy cô triển khai hiệu quả trong giảng dạy và đổi mới sáng tạo.

 Quan trọng hơn, đây là diễn đàn mở để các thầy cô không chỉ học hỏi, mà còn chia sẻ, lan tỏa các sáng kiến giáo dục ứng dụng AI trong cộng đồng nhà giáo trên toàn quốc”.

Theo kế hoạch, Chương trình sẽ tiếp tục với bốn buổi tập huấn trực tuyến tiếp theo vào mỗi thứ Bảy hằng tuần cho đến hết ngày 2/8/2025. Sau khi hoàn thành chương trình tập huấn, giáo viên được khuyến khích ứng dụng AI trong hoạt động giảng dạy và tiếp tục phát triển sản phẩm sáng tạo gửi về ban tổ chức Diễn đàn.

Tin nổi bật