Bộ Xây dựng cho biết, từ đầu năm 2025, dưới sự lãnh đạo sát sao, kịp thời của Trung ương Đảng, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và với phương châm “Kỷ cương trách nhiệm, chủ động kịp thời, tinh gọn hiệu quả, tăng tốc bứt phá”, Bộ Xây dựng đã chỉ đạo, điều hành quyết liệt, đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp trên các lĩnh vực và đã đạt được nhiều kết quả quan trọng.
Công tác sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy được kịp thời, bảo đảm tinh gọn, hiệu lực, hiệu năng, hiệu quả, hoạt động liên tục, không gián đoạn.
Thi công dự án cầu Rạch Miễu 2
Công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế tiếp tục được chú trọng, Bộ đã khẩn trương rà soát tổng thể, đề xuất sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật theo hướng đẩy mạnh phân cấp, phân quyền triệt để cho chính quyền địa phương gắn với việc tổ chức thực hiện chính quyền địa phương 2 cấp.
Bộ cũng đã trình và được Quốc hội thông qua Luật Đường sắt, 6 Nghị quyết; Chính phủ ban hành 9 Nghị định, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành 1 Quyết định; Bộ trưởng ban hành theo thẩm quyền 21 Thông tư.
Đến nay, nhiều dự án hạ tầng trọng điểm quốc gia, nhất là các dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam và các tuyến liên vùng đều có những chuyển biến tích cực. Trong 6 tháng qua, toàn quốc đã đưa vào khai thác thêm một số đoạn tuyến thuộc 6 dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam phía Đông, nâng tổng chiều dài đường bộ cao tốc trên cả nước đưa vào khai thác là 2.268km.
Bộ Xây dựng đã hoàn thành các thủ tục đầu tư xây dựng để khởi công 6 dự án, khánh thành đưa vào khai thác 3 dự án; thông xe kỹ thuật 3 dự án; hợp long cầu Rạch Miễu 2; Dự án đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng đã tổ chức triển khai giải phóng mặt bằng đồng loạt tại 20 địa phương có tuyến đi qua; chủ trì, phối hợp với các đơn vị có liên quan tổ chức Lễ khởi công, khánh thành các công trình, dự án chào mừng 50 năm ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2025) theo hình thức trực tuyến và trực tiếp trên cả 3 miền Bắc - Trung - Nam.
Trong lĩnh vực đô thị, đến tháng 5/2025, cả nước có 900 đô thị trong đó 2 đô thị loại đặc biệt, 23 đô thị loại I, 37 đô thị loại II, 46 đô thị loại III, 96 đô thị loại IV và 696 đô thị loại V. Tỷ lệ đô thị hoá ước đạt 44,3%.
Trong lĩnh vực nhà ở và thị trường bất động sản, đến nay cả nước có 692 dự án nhà ở xã hội được triển khai, với quy mô 633.559 căn, trong đó có 142 dự án dự án hoàn thành với quy mô 93.793 căn; 139 dự án đã khởi công xây dựng với quy mô 125.714 căn; 411 dự án đã được chấp thuận chủ trương đầu tư với quy mô 414.052 căn.
Trong lĩnh vực vận tải, từ đầu năm 2025 đến nay, vận tải hàng hóa ước đạt 1.196 triệu tấn, tăng 14,6%; luân chuyển hàng hóa ước đạt 237 tỷ tấn.km, tăng 12,1% so với cùng kỳ năm 2024; vận chuyển hành khách ước đạt 2.255 triệu lượt khách, tăng 16,1%; luân chuyển hành khách ước đạt 125 tỷ HK.km tăng 13,2% so với cùng kỳ năm 2024.
Trên cơ sở rà soát các thủ tục hành chính liên quan đến hoạt động sản xuất, kinh doanh, Bộ Xây dựng đã đề xuất phương án đẩy mạnh cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính.
Bên cạnh những kết quả tích cực đã đạt được, Bộ Xây dựng cũng nêu ra một số hạn chế, khó khăn vướng mắc cần khắc phục trong thời gian tới, đồng thời xác định rõ các mục tiêu, nhiệm vụ trọng tâm trong 6 tháng cuối năm 2025.
Theo đó, Bộ Xây dựng chỉ đạo các đơn vị chủ động, tập trung xây dựng, hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật, đề án theo Chương trình của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và của Bộ Xây dựng đảm bảo chất lượng, đúng tiến độ; đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, phấn đấu đạt 100% kế hoạch; tăng cường kiểm tra, kịp thời tháo gỡ vướng mắc trong quá trình triển khai các dự án, nhất là các dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành Xây dựng, đặc biệt là các dự án dự kiến hoàn thành trong dịp kỷ niệm 80 năm Ngày Quốc khánh.
Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trần Hồng Minh yêu cầu các chủ đầu tư phải thực hiện đồng bộ các giải pháp nâng cao hiệu quả giải ngân, hoàn thành bằng được các đầu việc theo tiến độ yêu cầu
Tư lệnh ngành Xây dựng nhận định, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công chưa đáp ứng kỳ vọng. Khối lượng giải ngân còn rất lớn, khoảng 63.000 tỷ đồng, mỗi tháng giải ngân khoảng 9.000 tỷ đồng. Từ đó, Bộ trưởng Bộ Xây dựng yêu cầu các chủ đầu tư phải "liệu cơm gắp mắm", thực hiện đồng bộ các giải pháp nâng cao hiệu quả giải ngân, hoàn thành bằng được các đầu việc theo tiến độ yêu cầu.
Bên cạnh đó, tập trung hoàn thiện thủ tục để khởi công các Hệ thống: ITS, Kiểm soát tải trọng xe, Thu phí trên các tuyến cao tốc, Hệ thống Back-End và Hệ thống Quản lý cơ sở dữ liệu thanh toán điện tử giao thông đường bộ đảm bảo đưa vào thu phí trong năm 2025; khẩn trương hoàn thành thủ tục và khởi công đầu tư trong năm 2025 đối với tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng; hoàn thiện Quy hoạch tuyến đường sắt Lạng Sơn - Hà Nội, Móng Cái - Hạ Long - Hải Phòng và đẩy nhanh tiến độ chuẩn bị hoàn thiện thủ tục đầu tư toàn tuyến dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam.
Tiếp tục rà soát, ban hành khung giá, giá tối đa dịch vụ vận tải đối với lĩnh vực Đường sắt, Hàng hải và Đường thuỷ; nghiên cứu xây dựng đề án cơ sở dữ liệu vận tải liên thông, tích hợp dữ liệu từ cảng biển, ICD, ga đường sắt, sân bay, bến thủy; tiếp tục triển khai các Đề án cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước giai đoạn 2021 - 2025; nghiên cứu, sửa đổi Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn phù hợp với mô hình chính quyền địa phương 2 cấp; hướng dẫn các địa phương thực hiện pháp luật về quy hoạch, kiến trúc và trong quản lý khi thực hiện mô hình chính quyền địa phương 2 cấp.
Đồng thời tiếp tục kiểm tra, đôn đốc, thực hiện Đề án “Đầu tư xây dựng 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021 - 2030”; đẩy mạnh Phong trào thi đua “Chung tay xóa nhà tạm, nhà dột nát trên phạm vi cả nước”; tập trung triển khai kế hoạch thực hiện Nghị quyết số 57-NQ/TW của Bộ Chính trị và Nghị quyết 03/NQ-CP của Chính phủ về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia.