Theo kết quả khảo sát toàn quốc của NPR/PBS News/Marist vừa được công bố cho thấy Phó tổng thống Kamala Harris đã giành được 50% tỷ lệ ủng hộ trong nhóm cử tri nhiều khả năng sẽ đi bỏ phiếu, trong khi Cựu tổng thống Mỹ Donald Trump là 48%.
Theo đó, bà Harris đang dẫn trước ông Trump, nhưng khoảng cách hai điểm phần trăm chỉ nằm trong phạm vi sai số của khảo sát.
Ở nhóm cử tri đã đăng ký đi bỏ phiếu, bà Harris giành được 50% tỷ lệ ủng hộ và ông Trump nhận được 47%.
Ông Trump chiếm ưu thế hơn đối thủ ở nhóm cử tri độc lập nhiều khả năng đi bỏ phiếu, với tỷ lệ dành cho hai ứng viên Cộng hòa - Dân chủ lần lượt là 50% và 46%. 57% cử tri nam ủng hộ ông Trump và 41% ủng hộ bà Harris.
Ở nhóm cử tri nữ, ứng viên tổng thống đảng Dân chủ dẫn trước đối thủ đảng Cộng hòa, với tỷ lệ 58% và 40%.
Về tổng thể, khoảng 51% người Mỹ có quan điểm bất lợi đối với ông Trump và 45% có quan điểm ngược lại. Đối với bà Harris, hai tỷ lệ này đều ở mức 47%.
Phó tổng thống Kamala Harris và Cựu tổng thống Mỹ Donald Trump. Ảnh: CNN
Trong cuộc khảo sát toàn quốc của The Economist/YouGov được công bố tuần này, tỷ lệ ủng hộ bà Harris là 48%, cao hơn ông Trump 3 điểm phần trăm.
Theo tổng hợp các cuộc thăm dò của The Hill/Decision Desk HQ, ứng viên đảng Dân chủ dẫn trước cựu tổng thống 4,2 điểm phần trăm trên toàn quốc, với 50,2% so với 46%.
Trong một diễn biến khác liên quan, ngày 6/10, bà Kamala Harris đã có cuộc phỏng vấn trên đài CBS News, nhằm trả lời các câu hỏi liên quan đến viện trợ quân sự của Mỹ dành cho Israel.
"Dù nước Mỹ đã và đang dành cho Israel hàng tỷ USD viện trợ quân sự, nhưng Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu vẫn đang làm theo ý của ông ấy. Washington muốn ông Netanyahu tiến tới một thỏa thuận ngừng bắn ở Gaza, ông ấy đã từ chối. Chính quyền Mỹ đương nhiệm đề nghị Israel không tiến vào Lebanon, họ vẫn làm vậy. Ông Netanyahu thậm chí còn cảnh báo về khả năng mở rộng xung đột với Iran, vậy ông ấy có được coi là 'đồng minh thân cận' của Mỹ hay không?", người dẫn chương trình của CBS đặt câu hỏi.
Trả lời câu hỏi này, Phó Tổng thống Mỹ nhấn mạnh, việc Washington tăng cường viện trợ quân sự cho Tel Aviv là để giúp Israel có đủ năng lực để tự về trước các nguy cơ tới từ Hamas, Hezbollah, và các lực lượng thân Iran.
"Với tất cả sự tôn trọng, câu hỏi quan trọng hơn hiện nay là liệu người dân Mỹ và Israel có phải là đồng minh thân cận hay không. Và câu trả lời là có", bà Harris tuyên bố.
Vào tháng 9, các quan chức Mỹ tiết lộ rằng Thủ tướng Netanyahu đã đồng ý với đề xuất ngừng bắn do Mỹ và Pháp đưa ra, nhưng lại rút lui vào phút chót và ra lệnh ám sát thủ lĩnh Hezbollah Hassan Nasrallah. Ngay sau đó, Tel Aviv đã bắt đầu triển khai bộ binh tới Lebanon bất chấp lời kêu gọi hạ nhiệt căng thẳng của Washington.