VnExpress dẫn thông tin từ PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh ở Viện Khoa học và Công nghệ - Đại học Bách khoa Hà Nội cho biết, đường chỉ màu đen hoặc màu trắng ở lưng tôm là đường tiêu hóa của con vật này, chứa dạ dày và đại tràng. Đường chỉ này dễ nhìn thấy ở những con tôm to.
Tuy nhiên, đường chỉ của con tôm bé, thực chất không quá nguy hiểm như gây ngộ độc hoặc tiêu chảy nặng nề do các vi khuẩn trong đó đã chết ở nhiệt độ cao khi nấu.
Đường này vừa bẩn, vừa không có giá trị dinh dưỡng nên khi chế biến, bạn nên loại bỏ để món ăn được sạch và yên tâm hơn. Đặc biệt, nếu nấu tôm cho trẻ ăn thì nên loại bỏ đường chỉ đen để đảm bảo vệ sinh, bởi đường ruột trẻ còn yếu.
Đường chỉ màu đen hoặc màu trắng ở lưng tôm chính là đường tiêu hóa của con vật này, chứa dạ dày và đại tràng. Ảnh minh họa
Theo VTC News, nhiều người thường dùng tăm để lấy đường chỉ tôm ra nhưng cách này không dễ thực hiện đối với con tôm còn sống, chỉ tôm khó được lấy ra hết mà thường bị giắt lại một phần. Thay vì dùng tăm, bạn có thể áp dụng các cách dưới đây để loại bỏ sạch đường chỉ mà con tôm vẫn còn nguyên vẹn, không bị dập nát.
Cách 1:
- Một tay cầm vào phần đầu con tôm, hướng phần lưng tôm lên phía trên. Tay còn lại cầm ngược chiếc thìa, dùng cán thìa thọc sâu vào khe hở giữa vỏ đầu tôm và thân tôm.
- Móc nhẹ phân tôm ra, rồi nhẹ nhàng rút đường chỉ tôm. Do phần chỉ tôm nối liền với bọc phân tôm nên bạn có thể rút đường chỉ này ra khá dễ dàng.
Cách 2:
- Cầm úp con tôm xuống để dễ nhìn thấy chỉ tôm, một tay nắm lấy phần đầu tôm, tay còn lại cầm phần thân sao cho 2 tay cách nhau khoảng 1 – 2 cm.
- Từ từ gập phần đầu tôm xuống, đồng thời bóp nhẹ phần này theo hướng từ dưới lên để đẩy phân tôm ra ngoài.
- Dùng tay nắm lấy phân tôm, nhẹ nhàng kéo cho tới khi đường chỉ tách hoàn toàn ra khỏi thân tôm.
Với cách làm này, phần thân tôm còn nguyên vẹn, hình thức món ăn không hề bị ảnh hưởng; rất phù hợp với các món như tôm luộc, tôm hấp (cần giữ nguyên thân tôm).
Cách 3:
- Một tay cầm phần thân và lật ngửa tôm lên, trong khi tay còn lại bóc vỏ hai bên đầu tôm. Lưu ý, cần thực hiện khéo léo, tránh làm phần đầu bị tách ra khỏi phần thân.
- Tách vỏ hai bên xong, hãy giữ chặt đầu tôm rồi từ từ kéo. Khi này, đường chỉ tôm và phân tôm ở đầu sẽ được tách ra khỏi phần thân.
Cách 4:
- Bóc bỏ đầu tôm rồi từ từ lột vỏ tôm theo hướng từ phần chân ra.
- Khi lột đến phần đuôi, lấy 2 ngón tay nắm lấy đuôi rồi dứt khoát tách ra khỏi phần thân.
- Đặt tôm đã lột vỏ lên thớt, sử dụng dao chẻ lưng tôm sao cho đường chỉ tôm hiện ra, sau đó rút đường chỉ tôm là xong.
Ngoài đường chỉ nói trên, bạn cũng nên bỏ vỏ tôm vì không có chất dinh dưỡng, trẻ nhỏ ăn vỏ tôm có nguy cơ bị hóc. Đầu tôm cũng nên vứt bỏ vì bộ phận này chứa nhiều chất thải bẩn.