Theo Vietnam Plus, bác sĩ Nguyễn Văn Khuôn, Trưởng Phòng Y tế thành phố Thủ Đức, cho biết sau khi xảy ra vụ việc nhiều người trên địa bàn thành phố Thủ Đức bị ngộ độc Botulinum do ăn chả lụa của một người bán dạo, đơn vị này đã tiến hành điều tra và xác minh được cơ sở sản xuất giò lụa gây ngộ độc. Đó là một cơ sở sản xuất trên địa bàn phường Trường Thọ, thành phố Thủ Đức.
Khi kiểm tra, cơ sở này không có biển hiệu, không có giấy phép và mới hoạt động gần 2 tháng.
Bệnh nhân vẫn đang thở máy. Ảnh: BVCC
Ngay lập tức, Phòng Y tế thành phố Thủ Đức đã yêu cầu cơ sở này dừng hoạt động, đồng thời lấy mẫu chả lụa đưa đi xét nghiệm. Hiện các cơ quan chức năng đang tiếp tục điều tra, làm rõ nguyên nhân.
Theo vị này, hiện phòng đang chỉ đạo các phường trên địa bàn kiểm tra tất cả các cơ sở sản xuất kinh doanh, đặc biệt là những cơ sở sản xuất giò chả, bún phở. Tuy nhiên, cũng không loại trừ trường hợp người bán đảm bảo an toàn nhưng người sử dụng lại bảo quản không đúng cách.
Vấn đề đáng lo ngại nhất hiện nay là rất khó kiểm soát hàng bán online với danh nghĩa "thực phẩm nhà làm". Do đó, người dân cần chú ý hơn khi lựa chọn thực phẩm.
TS Lê Quốc Hùng - trưởng khoa bệnh nhiệt đới Bệnh viện Chợ Rẫy (TP.HCM) - cho biết chả lụa những gia đình mua từ người bán dạo bị ngộ độc botulinum đều có đặc tính bắt đầu chảy nước.
"Loại chả này được bao bằng ni lông rất kín, khi mở ra đã chảy nước và trong tình trạng mùi vị không bình thường, khi ăn vào rất có nguy cơ", TS Hùng cho hay.
Theo TS Hùng, mật độ vi khuẩn botulinum có khắp nơi xung quanh chúng ta, nhiều nhất là ở các phần đất cát. Tuy nhiên khi đặt nó trong môi trường yếm khí thì nó sẽ tái hoạt trở lại.
Tất cả các thức ăn nào khi chế biến, đóng gói, đóng hộp, đóng vào bao kín, không có oxy thì vi khuẩn này đều có khả năng phát triển.
Do vậy, khi chế biến thực phẩm tươi sống, chế biến các loại thức ăn đóng chai lọ thì ngay thời điểm đầu tiên phải làm trong môi trường sạch, không nên đóng kín nếu không có kỹ thuật tốt.
"Biện pháp khác có thể phòng tránh đó là sử dụng độ chua hay độ mặn trên 5%, 5g muối/100g thức ăn. Ở môi trường mặn quá vi khuẩn không phát triển được. Giai đoạn thứ ba là giai đoạn sử dụng thức ăn, thì chúng ta phải xem hạn dùng. Bên cạnh đó, nếu thấy những thực phẩm phồng lên một cách biến dạng hoặc không còn hương vị tự nhiên thì đừng ăn, mặc dù nó vẫn còn trong hạn sử dụng", Tuổi Trẻ dẫn lời TS Hùng lưu ý.
TS Hùng cho biết nếu một số thức ăn khác có thể sử dụng bằng chế biến nấu, nên nấu ở 100 độ C trong vòng 10 đến 15 phút thì hạn chế được chất độc botulinum, không đảm bảo 100% nhưng giảm rất nhiều nguy cơ ngộ độc, theo Tuổi trẻ.
Trước đó như đã đưa tin, trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh liên tiếp xuất hiện các ca bệnh ngộ độc Botulinum khiến 6 người phải nhập viện điều trị.
Cụ thể, ngày 14/5, Bệnh viện Nhi đồng 2 tiếp nhận 3 trẻ là 3 anh em ruột trong một gia đình với các triệu chứng nôn ói, chóng mặt, yếu cơ... sau 1 ngày ăn bánh mì chả lụa của người bán dạo.
Các bác sỹ thống nhất chẩn đoán nghi ngờ nhiễm độc Botulinum và truyền thuốc giải độc BAT ngay. Đến nay, vẫn còn 2 trẻ phải thở máy.
Cùng thời điểm, 3 bệnh viện là Bệnh viện Chợ Rẫy, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới, Bệnh viện Nhân dân Gia Định cũng tiếp nhận 3 trường hợp là người lớn với các triệu chứng tương tự. Trong số đó 2 người ăn chả lụa từ một người bán dạo, còn 1 người ăn mắm ủ lâu ngày.
Kết quả xét nghiệm PCR xác định mẫu bệnh phẩm có sự hiện diện của độc tố Botulinum. Tuy nhiên, hiện Thành phố Hồ Chí Minh không còn thuốc giải độc BAT.
Thùy Dung (t/h)