Đóng

Vụ "nàng tiên cá" ở Trung Quốc co giật dưới đáy bể: Hé lộ sự thật sau "ánh hào quang"

  • Thùy Dung (T/H)
(DS&PL) -

Đằng sau vẻ đẹp huyền ảo của "nàng tiên cá" tại các thủy cung Trung Quốc là những sự thật ít người biết về công việc đầy vất vả của các nữ diễn viên.

Theo Dân Trí, hồi tháng 4, dư luận Trung Quốc xôn xao khi đoạn clip ghi lại cảnh một nữ diễn viên co giật dưới đáy bể tại khu vui chơi Thế giới Đại dương Thái Nguyên nằm ở tỉnh Sơn Tây lan truyền trên mạng.

Cô gái được cứu sau gần 5 phút vùng vẫy dưới nước. Sau đó, nạn nhân kể với Đài phát thanh quốc gia Trung Quốc (CNR) rằng, khi đang trồi lên lấy hơi, dòng nước bất ngờ làm bật mặt nạ và tràn vào miệng cô.

Khi chân vịt tuột ra, cô không còn khả năng đạp nước để nổi lên mặt bể.

Nàng tiên cá co giật dưới nước trước khi được giải cứu. Nguồn: RT

Cô gái một mình co giật dưới đáy bể gần 5 phút mới được giải cứu, làm dấy lên tình trạng mất an toàn của những người đang làm nghề này.

"Cứ tưởng bể chỉ sâu 3m thì cứu người trong vòng 20 giây vẫn kịp. Nhưng chỉ cần có sự cố nhỏ xảy ra như rơi mặt nạ, bị chuột rút, đều nguy hiểm tới tính mạng", Lâm nói.

Hiện cô làm việc tại một bể thủy cung ở Thâm Quyến. "Nàng tiên cá" cho biết, nhiều thủy cung tiết kiệm chi phí, không bố trí nhân viên cứu hộ, không có quy trình cấp cứu rõ ràng.

Một nữ diễn viên ở Thanh Đảo (tỉnh Sơn Đông), nghệ danh là Tây Môn, kể rằng đồng nghiệp của cô từng bị kẹt trong bể ngoài trời hơn 2 phút, buộc phải cởi đuôi khi bơi lên bờ trong trạng thái không còn trang phục. Những tình huống như vậy khiến không ít người bỏ nghề.

Ngay cả việc mặc bộ đuôi silicon cũng đã là cực hình. Lâm chia sẻ, cô phải đi tất chống trơn rồi mới luồn mình vào chiếc đuôi nặng như 10kg. Thời gian chuẩn bị mất tới 30 phút, trong khi mỗi màn biểu diễn chỉ kéo dài vài phút.

Yêu cầu khắt khe đi kèm nhiều rủi ro

Theo Tạp chí Tri Thức, để trở thành “nàng tiên cá”, ngoại hình là yếu tố gần như bắt buộc. “Vòng eo nhỏ, ngực đầy, cao 1,68-1,72 m, chưa từng sinh con, Đó là những tiêu chuẩn ngầm của nghề”, Ximen, một diễn viên ở thành phố Thanh Đảo, tiết lộ. Ngược lại, với các “nam tiên cá”, chỉ cần có cơ bụng là đủ.

Dưới vẻ ngoài rực rỡ, người biểu diễn phải chịu đựng nhiều ảnh hưởng về sức khỏe: viêm tai, rụng tóc, dị ứng, cảm lạnh, mất kinh, chân tay phồng rộp, phù nề. Một số người làm việc quá sức đến mức suy nhược.

“Chúng tôi xuống nước ít nhất 6 lần mỗi ngày. Lần nào về cũng phải gội đầu. Kết thúc một ngày, tóc đầy mùi hải sản và nước thải sinh vật”, Ximen chia sẻ.

Nhiều "nàng tiên cá" từng gặp nạn nghiêm trọng dưới nước. Ảnh: Sohu.

Trước đây, nghề này có thể mang lại thu nhập khoảng 15.000 nhân dân tệ/tháng (gần 2.100 USD). Nhưng hiện nay, nhiều nơi chỉ trả 5.000-8.000 nhân dân tệ (tức khoảng 700-1.100 USD), thậm chí hủy buổi diễn mà không báo trước.

Một số thủy cung còn chuyển sang thuê diễn viên nước ngoài với đãi ngộ cao hơn, khiến các nghệ sĩ trong nước bị cạnh tranh ngay trên sân nhà. Đáng chú ý, phần lớn người biểu diễn là lao động tự do, không hợp đồng, không bảo hiểm.

“Miễn có người diễn là được, còn ai thì không quan trọng”, tiên cá Ximen thẳng thắn nói.

Hiện tại, Trung Quốc vẫn chưa có quy định pháp lý riêng cho ngành biểu diễn tiên cá. Năm ngoái, chính quyền trung ương đã mở chiến dịch kiểm tra an toàn các hoạt động lặn, nhưng chưa có khung pháp lý cụ thể áp dụng cho loại hình biểu diễn dưới nước này.

“Chúng tôi bị đối xử như đồ dùng một lần. Hết giá trị là bị thay thế”, Lin Yan, một diễn viên tiên cá ở Thâm Quyến, chia sẻ.

Hiện tại, cô chỉ nhận diễn khi được bạn bè nhờ hỗ trợ, còn công việc chính là dạy bơi và bán đuôi tiên cá qua mạng.

Tuy nhiên, cô vẫn giữ hy vọng. “Nếu có đủ người dám nói không với điều kiện làm việc nguy hiểm, ngành này sẽ phải thay đổi”, Yan chia sẻ. Dẫu vậy, cô cũng hiểu rằng không phải ai cũng có sự lựa chọn.

Tin nổi bật