Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Virus thủy đậu tồn tại trong cơ thể người có thể gây ra bệnh zona

  • Thùy Dung
(DS&PL) -

Thủy đậu (varicella) là một bệnh nhiễm trùng do virus varicella zoster gây ra. Trong khi đó, bệnh zona thần kinh xảy ra là do tái kích hoạt virus gây bệnh thủy đậu.

Thời điểm giao mùa hay thời tiết nóng ẩm là điều kiện thuận lợi để một số bệnh về da như thủy đậu, zona... bùng phát. Tính từ đầu năm 2023 cho đến cuối tháng 7, Hà Nội đã có gần 2.000 ca mắc thủy đậu (tăng gấp 11,5 lần so với cùng kỳ năm 2022). Sau khi mắc thủy đậu, virus thủy đậu vẫn tồn tại trong cơ thể người và có thể gây ra bệnh zona.

Bệnh zona thần kinh do virus varicella zoster thuộc chi Varicellovirus trong phân họ Alphaherpesvirinae của họ Herpesviridae gây ra. Virus varicella zoster gây ra thủy đậu, sau đó virus có thể tồn tại âm thầm trong hệ thần kinh của người bệnh hàng chục năm sau đó tái hoạt động trở lại và gây bệnh zona thần kinh. Bệnh hay gặp ở người suy giảm miễn dịch như: HIV/AIDS, ung thư, dung thuốc ức chế miễn dịch, người cao tuổi...

Biểu hiện lâm sàng chủ yếu của bệnh zona thần kinh là

Nóng rát và đau: Nóng rát và đau là hai triệu chứng dễ nhận biết và đặc trưng nhất của bệnh này. Khi mắc bệnh bạn sẽ cảm thấy dọc dây thần kinh nửa bên người đau nhức. Sau đó là cảm giác nóng rát, ngứa ngáy, phát ban và đau dữ dội hơn.  Tuy nhiên trước khi có triệu chứng nóng rát và đau thì cơ thể bạn sẽ có những biểu hiện đầu tiên là sốt nhẹ, người mệt mỏi, đau nhức.

Bọng nước có chứa nhiều dịch: Triệu chứng tiếp theo sau khi nóng rát và đau đó là xuất hiện những bọng nước to và có chứa nhiều dịch. Đặc điểm của những bọng nước đó là có hình bầu dục hoặc hình tròn. Những bọng nước này sẽ mọc rải rác hoặc thành từng dải, vệt ở dọc dây thần kinh. Bên trong những bọng nước có chứa nhiều dịch, giai đoạn đầu căng và khó vỡ. Sau một thời gian bọng nước sẽ xẹp xuống, có thể vỡ nếu bị va chạm phải và nhiều trường hợp để lại sẹo ở vùng da đó.

Sưng đau ở các vùng lân cận và nổi hạch: Đi cùng với các cơn đau thần kinh bạn còn bị nổi hạch và sưng đau ở các vùng bị bệnh. Đối với trẻ em có thể có những trường hợp không đau nhưng ở người lớn đặc biệt là người già sẽ thường đau dữ dội. Ngoài ra người bị bệnh còn có triệu chứng bị đau nửa đầu, đau nhức đầu.

Các dấu hiệu khác: Ngoài những triệu chứng điển hình trên, người bệnh còn có một số dấu hiệu khác như người bị yếu cơ, có cảm giác ớn lạnh. Những tổn thương ở da không xảy ra ở hai bên mà chỉ ở một bên, có ranh giới rõ ràng.

Nếu người bệnh có miễn dịch tốt, được chẩn đoán và điều trị thuốc kháng virus kịp thời thì các bọng nước sẽ xẹp dần, đóng vảy bong ra và không để lại sẹo. Nếu người bệnh bị suy gảm miễn dịch hoặc không được điều trị kịp thời thì tổn thương lan rộng, có thể tổn thương lớp hạ bì, sau đó khỏi để lại sẹo và đau dai dẳng, kéo dài sau zona, hoặc có thể có biến chứng như viêm não, màng não, viêm tủy, viêm mạch, nhồi máu não,…Vì vậy, nếu nghi ngờ bản thân đang gặp phải tình trạng này, bạn cần đến gặp bác sĩ ngay để được chẩn đoán chính xác bệnh zona thần kinh và điều trị kịp thời.

Bệnh zona có nguy hiểm không?

Khi người bệnh có dấu hiệu đau theo dây thần kinh, đau giật từng cơn thì nên đi khám bác sĩ, tránh trường hợp zona gây biến chứng nặng ảnh hưởng đến sức khỏe. Ở những người suy giảm miễn dịch, zona có thể gây ra những biến chứng viêm phổi, viêm màng não.

Nếu không điều trị và chăm sóc đúng cách, các tổn thương do zona có thể lan rộng và khiến người bệnh đau đớn. Một trong những biến chứng thường gặp nhất là đau sau zona. Cơn đau sau zona có thể kéo dài trên một tháng, thậm chí là cả đời.

 Zona có thể chữa khỏi hoàn toàn, song gây biến chứng nếu không được điều trị dứt điểm, ví dụ nhiễm trùng da, giảm thị lực, thính lực (nếu bị ở mặt, trán, mũi và tai), đau đớn dai dẳng làm giảm chất lượng cuộc sống...

Virus gây bệnh có thể lây nhiễm từ người sang người. Nếu trẻ em, người lớn tiếp xúc với virus khi chưa tiêm vaccine, sẽ mắc bệnh thủy đậu. Những người đã mắc zona ngoài 50 tuổi có khả năng tái phát cao.

Người mắc thủy đậu hoặc zona thần kinh nên được chăm sóc và theo dõi kỹ. Bệnh nhân không gãi hoặc làm vỡ các mụn nước do dễ gây nhiễm trùng và để lại sẹo. Người bệnh chú ý vệ sinh cơ thể, giữ thoáng vùng phát ban, tránh tiếp xúc da chạm da với người khác. Mọi người chú ý tuân thủ đơn thuốc do bác sĩ kê, nếu có triệu chứng mới hoặc cơn đau, ngứa tăng lên, hãy đi khám.

Hiện bệnh zona có thể dự phòng bằng cách tiêm vaccine ngừa thủy đậu. Vaccine giúp cơ thể tăng miễn dịch với virus hoặc giữ virus varicella zoster ở trạng thái bất hoạt.

Người mắc zona cần kiêng ăn gì?

Ngoài việc bổ sung các thực phẩm chứa nhiều vitamin C, vitamin B12… để giúp cơ thể nhanh hồi phục, người bệnh nên kiêng một số thực phẩm chứa nhiều dầu mỡ, cay nóng, chất kích thích... Ngoài ra nên kiêng một số thực phẩm để hạn chế nguy cơ hình thành sẹo từ vết thương như: rau muống, gạo nếp…

Để phòng ngừa zona và các biến chứng của bệnh gây ra, mọi người nên tiêm phòng vaccine đầy đủ. Theo nghiên cứu, 80-90% những người đã tiêm vaccine sẽ không có nguy cơ mắc zona. Nếu mắc, đa phần bệnh nhân là trường hợp nhẹ, không có biến chứng nặng.

Cách điều trị bệnh zona thần kinh

Người bệnh không may bị bệnh zona thần kinh, bác sĩ có thể chỉ định cho dùng thuốc kháng virus giúp rút ngắn thời gian lành bệnh, kháng viêm và giảm đau, kháng sinh, sát khuẩn, giảm đau tại chỗ,… Cụ thể như:

Thuốc kháng vi-rút: Những loại thuốc này có tác dụng làm chậm tiến trình phát ban của bệnh zona, đặc biệt nếu bạn sử dụng trong vòng 72 giờ đầu tiên sau khi bắt đầu xuất hiện các triệu chứng. Bên cạnh đó, thuốc cũng có thể làm giảm nguy cơ gặp biến chứng của bệnh nhân. Các thuốc kháng virus thường được sử dụng là: Acyclovir (Zovirax); Famciclovir (Famvir) và Valacyclovir (Valtrex).

Nếu bạn được chỉ định dùng một trong những loại trên, nên tham khảo ý kiến của bác sĩ hoặc dược sĩ về các tác dụng phụ có thể gặp phải để tiện theo dõi trong quá trình sử dụng.

Thuốc giảm đau: Bệnh zona thần kinh sẽ gây viêm và đau, do đó bác sĩ có thể cho phép bệnh nhân dùng các loại thuốc giảm đau như: Acetaminophen; Ibuprofen và Naproxen để giảm bớt sự khó chịu và làm dịu nhẹ các triệu chứng đau sau zona thần kinh.

Các loại thuốc khác: Nếu bạn bị đau dữ dội sau khi đã hết phát ban hoặc nhiễm trùng trong đợt bùng phát bệnh zona, bác sĩ có thể kê đơn những loại thuốc sau:

Kem capsaicin: Đây là một loại thuốc giảm đau tại chỗ dùng ngoài. Khi sử dụng cần chú ý cẩn thận, không để thuốc dính vào mắt.

Thuốc chống co giật, động kinh: Gabapentin cũng được dùng để giảm đau thần kinh sau bệnh zona ở người lớn.

Thuốc gây tê: Bạn có thể dùng thuốc gây tê như Lidoderm hoặc Xylocaine để giảm đau. Loại thuốc này thường có nhiều dạng khác nhau, bao gồm kem bôi, dung dịch lỏng, miếng dán, dạng bột và xịt, ...

Thuốc kháng sinh được chỉ định khi có tình trạng bội nhiễm vi khuẩn, thường dùng các kháng sinh bao phủ vi khuẩn gram dương như oxaciclin, amoxcyciclin, mardin.

Thuốc chống trầm cảm 3 vòng: Mặc dù có tác dụng chủ yếu là điều trị bệnh trầm cảm, một số loại thuốc thuộc nhóm này cũng có khả năng giúp giảm đau sau khi da bạn đã lành. Bao gồm amitriptyline, desipramine (Norpramin) và nortriptyline (Aventyl). Khi kê đơn thuốc chống trầm cảm 3 vòng, bác sĩ sẽ cho bạn biết về lợi ích và nguy cơ khi sử dụng.

Ngoài ra, bác sĩ có chỉ định các loại thuốc có chứa chất gây mê và nghiện (như narcotics), hoặc mũi tiêm corticosteroid để điều trị cho một số trường hợp nặng.

Thùy Dung (T/h)

Tin nổi bật