Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh (CDC) Mỹ cho biết, những người chưa từng bị thủy đậu hoặc chưa tiêm vaccine phòng ngừa thủy đậu đều có nguy cơ mắc bệnh. Bệnh thủy đậu thường kéo dài khoảng 4-7 ngày.
Thông thường, mất khoảng 2 tuần để phát triển các triệu chứng sau khi người bệnh tiếp xúc với virus varicella-zoster (VZV). Tuy nhiên, trong một số trường hợp, dấu hiệu của bệnh thủy đậu có thể xuất hiện sớm trong ít nhất là 10 ngày hoặc muộn nhiều nhất là 3 tuần.
Triệu chứng điển hình của bệnh thủy đậu là phát ban chuyển thành mụn nước ngứa, chứa đầy chất lỏng, cuối cùng vỡ ra và đóng vảy. Phát ban có thể xuất hiện đầu tiên ở ngực, lưng và mặt, sau đó lan ra toàn bộ cơ thể, gồm cả trong miệng, mí mắt hoặc vùng kín. Thường mất khoảng 1 tuần để tất cả các mụn nước đóng vảy.
Sốt, mệt mỏi, ăn không ngon và đau đầu là các triệu chứng điển hình khác của bệnh thủy đậu, có khả năng bắt đầu xuất hiện từ 1-2 ngày trước khi phát ban. Đôi khi bệnh nhân có thể bị sốt hoặc cảm thấy khó chịu trước lúc có dấu hiệu phát ban.
Triệu chứng điển hình của bệnh thủy đậu là phát ban chuyển thành mụn nước ngứa, chứa đầy chất lỏng, cuối cùng vỡ ra và đóng vảy.
Lưu ý, người đã tiêm phòng vaccine thủy đậu vẫn có nguy cơ mắc bệnh nhưng các triệu chứng thường nhẹ hơn, ít hoặc không xuất hiện mụn nước (hoặc chỉ có đốm đỏ), sốt nhẹ hoặc không sốt.
Thời gian bị bệnh của những người này cũng ngắn hơn so với người chưa tiêm vaccine thủy đậu. Dù vậy, vẫn có trường hợp người đã tiêm vaccine phát triển các triệu chứng tương tự như ở người chưa được tiêm phòng.
Hầu hết người bị thủy đậu sẽ không mắc lại do đã có miễn dịch suốt đời. Trường hợp một người mắc thủy đậu nhiều lần vẫn có thể xảy ra nhưng hiếm.
Virus varicella-zoster gây bệnh thủy đậu rất dễ lây từ bệnh nhân thủy đậu sang những người chưa từng bị bệnh này hoặc chưa tiêm phòng, chủ yếu qua việc tiếp xúc gần. Nếu một người mắc thủy đậu, 90% những người tiếp xúc gần với người đó mà không có miễn dịch với bệnh sẽ bị lây nhiễm.
Một người có thể bị thủy đậu khi tiếp xúc trực tiếp với mụn nước ở người bệnh, hay ở trong cùng không gian khi bệnh nhân ho, hắt hơi hoặc nói truyện.
Phát ban có thể xuất hiện đầu tiên ở ngực, lưng và mặt, sau đó lan ra toàn bộ cơ thể. Ảnh minh họa
Bệnh nhân thủy đậu dễ lây bệnh từ 1-2 ngày trước khi bắt đầu có các triệu chứng. Khả năng lây nhiễm vẫn tồn tại cho đến khi tất cả mụn nước khô lại và đóng vảy, thường xảy ra sau 5-7 ngày khi bắt đầu phát ban.
Đáng chú ý, người đã tiêm vaccine phòng thủy đậu có thể phát triển các tổn thương không đóng vảy và vẫn có nguy cơ lây cho người khác khi mắc bệnh. Nhóm người này được cho là có khả năng lây bệnh cho đến khi không có tổn thương mới xuất hiện trong 24 tiếng.
Theo thông tin từ CDC Mỹ, thủy đậu có thể gây ra các biến chứng nghiêm trọng, gồm nhiễm trùng da và mô mềm do vi khuẩn ở trẻ em (trong đó có nhiễm trùng liên cầu nhóm A), nhiễm trùng phổi (viêm phổi), nhiễm trùng hoặc sưng não (viêm não, mất điều hòa tiểu não).
Ngoài ra, bệnh nhân có thể đối mặt với các vấn đề về chảy máu (biến chứng xuất huyết), nhiễm trùng máu và mất nước. Người khỏe mạnh mắc bệnh thủy đậu thường sẽ không gặp phải biến chứng.
Nhóm người có thể mắc bệnh nghiêm trọng, nguy cơ cao bị biến chứng gồm trẻ sơ sinh, thanh thiếu niên và người trưởng thành chưa tiêm phòng, phụ nữ mang thai.
Bên cạnh đó còn có những người bị giảm khả năng chống lại vi trùng và bệnh tật (hệ thống miễn dịch suy yếu) do bị bệnh hoặc thuốc, chẳng hạn như người bị HIV/AIDS hoặc ung thư; bệnh nhân được cấy ghép tạng; người đang hóa trị, dùng thuốc ức chế miễn dịch hoặc sử dụng steroid thời gian dài.
Người đã tiêm phòng vaccine thủy đậu vẫn có nguy cơ mắc bệnh nhưng các triệu chứng thường nhẹ hơn. Ảnh minh họa
Một số người bị biến chứng nghiêm trọng do bệnh thủy đậu có thể ốm đến mức phải nhập viện. Đặc biệt, thủy đậu có khả năng gây tử vong.
Hiện nay, các trường hợp tử vong do bệnh thủy đậu rất hiếm do có chương trình tiêm vaccine. Tuy nhiên, một số ca tử vong vẫn được ghi nhận ở người trưởng thành và trẻ em khỏe mạnh, chưa được tiêm phòng.
CDC Mỹ lưu ý, không sử dụng aspirin hoặc sản phẩm có chứa aspirin để hạ sốt khi mắc thủy đậu. Việc sử dụng aspirin ở trẻ em bị thủy đậu liên quan đến hội chứng Reye, một căn bệnh nghiêm trọng ảnh hưởng đến gan, não và có thể gây tử vong.
Trong khi đó, Học viện Nhi khoa Mỹ khuyến cáo tránh điều trị bằng ibuprofen nếu có thể vì nó có liên quan đến nhiễm trùng da do vi khuẩn nguy hiểm tới tính mạng.
Cách tốt nhất để phòng ngừa thủy đậu là tiêm vaccine thủy đậu. Những người khỏe mạnh, kể cả trẻ em, thanh thiếu niên và người lớn, nên tiêm 2 liều vaccine thủy đậu nếu chưa từng mắc bệnh hoặc chưa tiêm phòng trước đó. Khi được tiêm đúng theo quy định, 2 liều vaccine thủy đậu có khả năng giảm nguy cơ mắc bệnh này từ 88-98%.
CDC Mỹ thông tin, vaccine thủy đậu ngừa được hầu hết các trường hợp bệnh nặng. Kể từ khi Mỹ triển khai chương trình tiêm phòng thủy đậu, số ca mắc bệnh giảm hơn 97%, trong khi trường hợp nhập viện và tử vong cũng ít hơn.
Tuy nhiên, có một số nhóm người không nên tiêm vaccine thủy đậu, gồm người từng có phản ứng phản vệ nghiêm trọng với liều vaccine thủy đậu trước đó; người từng có phản ứng phản vệ nghiêm trọng với bất cứ thành phần nào của vaccine, kể cả gelatin hoặc neomycin; người bị ung thư máu hoặc tủy xương, ví dụ như bệnh bạch cầu, ung thư hạch và đa u tủy xương.
Bên cạnh đó, người được truyền máu hoặc điều trị bằng liệu pháp miễn dịch (immunoglobulin therapy) trong vòng 3-11 tháng; người có tiền sử gia đình bị suy giảm miễn dịch nguyên phát (trừ khi người đó có hệ thống miễn dịch đầy đủ); người đang mang thai hoặc có thể mang thai cũng không nên tiêm vaccine thủy đậu, theo thông tin trên trang Verywellhealth.com.
Người hiện đang bị bệnh ở mức trung bình đến nặng nên hoãn tiêm chủng cho đến khi hồi phục hoàn toàn.
Một số biện pháp phòng tránh lây nhiễm bệnh thủy đậu.
Tác dụng phụ của vaccine thủy đậu thường nhẹ. Một số người không gặp phải tác dụng phụ nào khi tiêm. Các tác dụng phụ thường được ghi nhận nhất gồm đau tại chỗ tiêm, sốt nhẹ, phát ban nhẹ ở chỗ tiêm, cứng và đau khớp tạm thời.
Ngoài việc tiêm phòng, mọi người có thể ngăn ngừa sự lây lan của bệnh thủy đậu bằng cách giữ vệ sinh tốt, rửa tay thường xuyên, hạn chế tiếp xúc với người bị thủy đậu, theo Healthline.
Người mắc thủy đậu nên ở nhà cho đến khi tất cả các mụn nước khô và đóng vảy hoàn toàn. Trong trường hợp gia đình có người bị thủy đậu, nên làm những việc sau để hạn chế lây nhiễm:
- Cách ly người bệnh trong một phòng riêng biệt.
- Hạn chế thời gian ở trong phòng cách ly người bệnh do virus có thể lây lan qua không khí.
- Tránh chạm vào hoặc tiếp xúc quá gần với bệnh nhân nhiều nhất có thể. Nhớ rửa tay kỹ sau khi tiếp xúc.
- Đeo găng tay dùng một lần sau khi chạm vào đồ vật hoặc bề mặt có thể đã tiếp xúc với virus.
- Tránh dùng chung cốc, bát đĩa hoặc dụng cụ ăn uống với người bệnh. Rửa các vật dụng này bằng máy rửa chén hoặc bằng nước nóng pha xà phòng.
- Khử trùng tay nắm cửa và các bề mặt không sạch bằng chất tẩy rửa.
- Khuyên bệnh nhân cắt ngắn móng tay, không gãi các mụn nước chứa đầy chất lỏng để tránh virus lây sang người khác và ngăn ngừa nhiễm trùng da.
Nội dung: CDC, Healthline, Verywellhealth.com
Ảnh: CDC, Getty Images, Kid Care Pediatrics, Verywell
DOISONGPHAPLUAT.COM |