Ngày 30/6, người đứng đầu chính quyền Lugansk do Nga bổ nhiệm, ông Leonid Pasechnik tuyên bố quân đội Nga đã kiểm soát hoàn toàn tỉnh Lugansk ở miền Đông Ukraine.
“Chỉ hai ngày trước, chúng tôi đã nhận được báo cáo rằng Nga đã kiểm soát hoàn toàn lãnh thổ Lugansk", ông Pasechnik tuyên bố trong một buổi phát sóng trực tiếp trên kênh truyền hình Nga.
Bộ Quốc phòng Nga hiện chưa đưa ra tuyên bố chính thức về việc này.
Trước đó, trong chiến dịch tấn công mùa hè năm 2022, quân đội Nga đã giành quyền kiểm soát hai thành phố lớn nhất trong khu vực do Ukraine nắm giữ là Severodonetsk và Lisichansk. Ngay sau đó, họ giành thêm các vùng ngoại vi xung quanh, và từ đó, chiến tuyến tại Lugansk gần như không thay đổi.
Ukraine hiện chưa bình luận về thông tin Nga kiểm soát hoàn toàn Lugansk.
Truyền thông Nga ngày 30/6 cũng đưa tin, quân đội nước này đã kiểm soát Dachne - ngôi làng đầu tiên ở vùng Dnipropetrovsk, miền Trung Ukraine.
Giao tranh dữ dội giữa Nga và Ukraine. Ảnh minh họa
Trong khi đó, Tổng thống Vladimir Putin cùng ngày đã đặt ra yêu cầu mới với các vùng lãnh thổ ở Ukraine mà Nga tuyên bố sáp nhập, theo đó, Donbass và Novorossiya phải đạt đến mức phát triển tương đương Nga về mọi chỉ số, bao gồm cả chất lượng cuộc sống vào năm 2030.
"Đến năm 2030, Donetsk và Lugansk, cũng như Kherson và Zaporizhia phải đạt đến mức tương đương với mặt bằng chung toàn nước Nga về mọi chỉ số và chất lượng cuộc sống của người dân", Tổng thống Nga Vladimir Putin phát biểu tại một cuộc họp về phát triển kinh tế - xã hội của các khu vực này.
Tổng thống Putin lưu ý rằng, chính quyền Nga liên tục giám sát việc khôi phục, phát triển kinh tế, xã hội, giao thông và cơ sở hạ tầng khác của Donbass và Novorossiya.
"Cùng với các đồng nghiệp từ chính phủ và các nhóm khu vực, chúng tôi đánh giá tình hình ở từng khu vực này, xem xét cách thức triển khai các dự án trọng điểm cụ thể nhằm tạo ra việc làm mới, cải thiện chất lượng cuộc sống của người dân, cách thức tổ chức phối hợp hành động của các cơ quan chính phủ, các tập đoàn nhà nước và doanh nghiệp nói chung, cách thức tổ chức hỗ trợ bảo trợ cho Donbass và Novorossiya", nhà lãnh đạo Nga nói thêm.
Trong một diễn biến khác liên quan, Đại sứ lưu động của Bộ Ngoại giao Nga Rodion Miroshnik ngày 30/6 tuyên bố, Moscow có ý định yêu cầu Ukraine và các đồng minh phương Tây ngừng huấn luyện binh lính của Lực lượng vũ trang Ukraine (AFU) trong khuôn khổ các chương trình của phương Tây như một trong những điều kiện để giải quyết xung đột.
Tuyên bố này phản ánh lập trường của Nga, coi các chương trình quân sự của phương Tây là yếu tố ngăn cản việc chấm dứt xung đột.
Một số quốc gia phương Tây đang triển khai các chương trình huấn luyện quy mô lớn cho quân nhân Ukraine.
Kể từ tháng 7/2022, Anh đã tiến hành chương trình Interflex, trong đó 40 binh lính Ukraine đã được huấn luyện về chiến thuật chiến đấu, xử lý vũ khí và sơ cứu theo tiêu chuẩn của quân đội Anh. Liên minh châu Âu (EU) cũng đã khởi động chương trình EUMAM, huấn luyện khoảng 2.022 quân nhân kể từ ngày 15/11, bao gồm hoạt động huấn luyện tại Ba Lan, Đức và các nước EU khác.
Mỹ cũng tích cực tham gia huấn luyện quân nhân Ukraine tại các căn cứ của Washington ở Đức. Theo thư ký báo chí Lầu Năm Góc John Kirby, trọng tâm của chương trình huấn luyện này là làm chủ các hệ thống vũ khí của NATO.
Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov ngày 30/6 tuyên bố chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga vẫn đang được tiến hành và chính quyền Ukraine biết rõ những gì cần phải làm để chấm dứt xung đột.
"Tất cả những điều kiện này đã được Tổng thống Nga công bố cách đây một năm trong bài phát biểu trước ban lãnh đạo Bộ Ngoại giao", ông Peskov nói thêm.