Reuters đưa tin, Ủy viên thương mại châu Âu Maros Sefcovic ngày 30/6 cho biết Liên minh châu Âu (EU) và Ukraine đã đạt được thỏa thuận sơ bộ về xuất khẩu nông sản trong tương lai sang khối này.
EU đã tạm thời dỡ bỏ thuế quan và hạn ngạch đối với các sản phẩm nông nghiệp của Ukraine từ tháng 6/2022 sau khi Nga phát động chiến dịch quân sự đặc biệt, nhằm giúp Kiev bù đắp chi phí vận chuyển cao hơn qua ngả EU, trong bối cảnh Moscow đe dọa các tuyến hàng hải truyền thống của Ukraine ở Biển Đen.
Tuy nhiên, các biện pháp này đã bị ngừng vào đầu tháng 6 sau khi ngũ cốc, thịt gia cầm và đường giá rẻ từ Ukraine tràn vào các nước láng giềng, đặc biệt là Ba Lan, làm bùng phát làn sóng phản đối.
EU đã quay trở lại thỏa thuận thương mại trước chiến tranh với Ukraine, tái áp thuế và hạn ngạch đối với thương mại nông sản.
Ảnh minh họa
Thỏa thuận mới, theo Ủy viên Nông nghiệp EU Christophe Hansen, sẽ giữ nguyên một số hạn ngạch đối với các mặt hàng “nhạy cảm” như ngũ cốc, trứng, gia cầm, đường và ngô. Dù vậy, khả năng tiếp cận của Ukraine vẫn được mở rộng hơn so với thỏa thuận thương mại năm 2016, song vẫn thấp hơn mức đỉnh điểm đạt được trong thời gian ưu đãi sau chiến tranh.
Đổi lại, Ukraine đồng ý cắt giảm hạn ngạch nhập khẩu các sản phẩm từ EU như thịt lợn, gia cầm và đường, đồng thời cam kết điều chỉnh tiêu chuẩn sản xuất thực phẩm của mình theo chuẩn mực của EU từ nay đến năm 2028.
Theo dữ liệu của EU, khối này hiện là đối tác thương mại lớn nhất của Ukraine, trong khi Ukraine là nhà cung cấp nông sản lớn thứ ba cho EU. Mối quan hệ thương mại chặt chẽ này đóng vai trò then chốt trong nền kinh tế của cả hai bên.
Chi tiết cụ thể của thỏa thuận sơ bộ hiện chưa được công bố đầy đủ, nhưng nó được kỳ vọng sẽ cân bằng giữa lợi ích của nông dân EU và nhu cầu hỗ trợ kinh tế cho Ukraine.
Bước đi này cho thấy EU và Ukraine đều muốn tìm điểm cân bằng giữa hỗ trợ kinh tế, duy trì thương mại và kiểm soát ảnh hưởng nội khối từ các dòng nông sản giá rẻ.