Mới đây, báo VietNamnet dẫn thông tin, Bộ GD&ĐT đã có văn bản gửi các trường đại học, cao đẳng yêu cầu rà soát tổ hợp và phương thức xét tuyển, đặc biệt với các ngành sử dụng nhiều hình thức tuyển sinh. Các tổ hợp môn phải dựa trên kiến thức nền tảng và năng lực cốt lõi mà ngành học yêu cầu. Riêng nhóm ngành sư phạm cần có quy định rõ về kiến thức môn học tương ứng.
Cơ sở đào tạo chịu trách nhiệm giải trình về căn cứ khoa học và thực tiễn trong xác định phương thức tuyển sinh, phương thức xét tuyển và tổ hợp xét tuyển.
Bộ GD&ĐT lưu ý, từ năm 2025, học sinh THPT học theo chương trình giáo dục phổ thông mới, được lựa chọn môn học. Vì vậy, nếu sử dụng tổ hợp không chứa môn cốt lõi, có thể dẫn tới việc thí sinh trúng tuyển nhưng chưa từng học môn đó trong suốt 3 năm phổ thông.
Một số trường gần đây gây tranh cãi khi tuyển sinh ngành Y mà không có môn Sinh, hoặc ngành Sư phạm Lịch sử nhưng tổ hợp lại thiếu môn Lịch sử. Trường ĐH Hòa Bình tuyển sinh ngành Y bằng tổ hợp D01 (Toán, Văn, Anh), A01 (Toán, Lý, Anh)... Trường ĐH Thủ đô Hà Nội xét tuyển ngành Sư phạm Lịch sử bằng D01, C04 (Toán, Văn, Địa), C14 (Toán, Văn, GD Kinh tế & Pháp luật).
Việc các cơ sở đào tạo tuyển sinh một số ngành học bằng các tổ hợp không có môn chính khiến nhiều người lo ngại sẽ ảnh hưởng đến việc học của sinh viên cũng như chất lượng đào tạo.
Bộ GD&ĐT yêu cầu các trường rà soát tổ hợp xét tuyển lạ. Ảnh minh họa
Trước đó, trả lời trên báo Dân trí, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Hoàng Minh Sơn cho hay, những năm trước, học sinh phổ thông học hết tất cả các môn nên tổ hợp có 3 môn (chẳng hạn trường Y tuyển sinh Toán, Hóa, Sinh).
Các trường có thể tuyển sinh cả tổ hợp Toán, Hóa, Tiếng Anh vào trường Y bởi môn sinh các em chắc chắn đã học ở phổ thông.
Nhưng năm nay hoàn toàn khác, có thể em có thể xét tuyển tổ hợp Toán, Hóa, Tiếng Anh vào đại học nhưng ở phổ thông các em không học môn sinh.
Nếu đăng kí, các em hoàn toàn có thể trúng tuyển nhưng học được hay không lại hoàn toàn khác, bởi có thể ở cấp phổ thông, thí sinh không học môn đó.
"Nhận thấy sự bất cập này, Bộ GD&ĐT đã yêu cầu Vụ Giáo dục Đại học có công văn yêu cầu các trường phải rà soát lại.
Theo đó, các trường có quyền tự chủ nhưng với rất nhiều ngành và tổ hợp khác nhau, xét theo nguyên tắc cơ bản trong tuyển sinh, các trường phải làm sao đảm bảo độ tin cậy đánh giá đầu vào.
Nếu một phương thức xét tuyển không đánh giá được năng lực cốt lõi của ngành ấy thì phải xem xét lại", Thứ trưởng nói.
Lãnh đạo Bộ GD&ĐT cho biết thêm, giải pháp cho vấn đề này là các trường có thể đưa ra nhiều tổ hợp khác nhau nhưng đồng thời đặt tiêu chí phụ cho ngưỡng đầu vào; chẳng hạn Trường Y xét tuyển tổ hợp toán, hóa, Anh nhưng yêu cầu môn sinh phải được học ở THPT và điểm tổng kết bao nhiêu.
"Điều này cũng sẽ được Bộ đưa ra để áp dụng cho tuyển sinh ở khối ngành Y và ngành sức khỏe trong thời gian tới", Thứ trưởng khẳng định.